Đóng cửa Parkson Paragon, tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ giảm mạnh
Biểu đồ tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ tại Tp.HCM |
Được biết trước khi đóng cửa, tỷ lệ trống được ghi nhận tại Parkson Paragon là khoảng 30%. Do đó, việc TTTM này đóng của đã làm giảm áp lực không nhỏ cho nguồn cung của thị trường bán lẻ. Sự kiện này tiếp tục phản ánh nhu cầu của thị trường về việc tái bố trí mặt bằng tại các TTTM đã được đề cập trong quý trước, như Union Square và Vincom Centre B trong việc cải tạo mặt bằng để chào đón các thương hiệu mới, góp phần thay đổi đáng kể sơ đồ bố trí mặt sàn trong dự án.
Trong quý II vừa qua, thị trường bán lẻ Tp.HCM bên cạnh việc chào đón Lotte Mart Gò Vấp chính thức khai trương, góp thêm 27.410 m2 diện tích sử dụng vào tổng nguồn cung hiện tại của thành phố thì hầu như không có thêm nguồn cung nào mới. Sự ổn định nguồn cung tại khu vực trung tâm đã giúp cho giá thuê tại khu vực này giữ được sự ổn định. Trong khi đó, giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm lại giảm 4% so với quý trước do Lotte Mart Gò Vấp có chào giá thuê trung bình khoảng 25USD/m2/tháng, thấp hơn mức giá trung bình của thị trường. Cũng trong khu vực ngoài trung tâm, giá cho thuê của các TTTM tổng hợp tăng nhẹ 1% trong này bởi Parkson Paragon đóng cửa. Tỷ lệ trống đã được cải thiện trên tất cả các mặt bằng bán lẻ, tỷ lệ trống trung bình giảm 1,4% so với quý trước. Hình thức bán lẻ có mức cải thiện lớn nhất về tỷ lệ trống là trung tâm thương mại tổng hợp.
Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ nước ngoài, gần đây nhất là Big C được mua lại bởi Central Group đến từ Thái Lan trong tháng 4 năm 2016 với giá 1 tỷ USD. Theo một nghiên cứu của CBRE Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 42 về tỷ lệ phần trăm đại diện các nhà bán lẻ quốc tế có mặt tại đây vào năm 2015, tăng 2 bậc so với bảng xếp hạng năm trước đó. Kết quả là, rất nhiều thương vụ sáp nhập được ghi nhận trong thị trường bán lẻ.
Các chuyên gia quốc tế đều nhận định, xu hướng sáp nhập trong khối bán lẻ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai do nhiều nguyên nhân như: Định dạng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, thậm chí so với các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á; Việt Nam vẫn còn rất nhiều thương hiệu các cửa hàng siêu thị nhỏ cửa hàng tiện lợi. Các thương hiệu nhỏ thường sẽ được sáp nhập lại khi thị trường trưởng thành hơn; một số thương hiệu bán lẻ nước ngoài chuộng hình thức liên doanh và hợp tác với những thương hiệu trong nước để tránh quy định "Economic Need Test". Sự mở rộng của các nhà bán lẻ nước ngoài, mặc dù mặt nào đó có lợi cho người tiêu dùng nhưng mặt khác, có thể làm tăng sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vào cuối năm nay, thị trường dự kiến sẽ chào đón Aeon Mall Bình Tân, Sài Gòn Centre (Giai đoạn 2) và Union Square, hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho khối bán lẻ.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)
- 0
- By Admin
- 29/06/2016
- 17