Đông Nam Á siết chặt cho vay mua nhà
Thời của thoải mái vay tiền mua sắm, chi tiêu dường như đã hết tại Malaysia. Các khoản vay tín chấp cá nhân sẽ phải trả trong vòng 10 năm và vay mua bất động sản phải trả trong 35 năm. Theo báo The Star, quy định mới này do Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara) đặt ra nhằm giảm nợ tính theo hộ gia đình ở nước này.
Trước đây, người mua bất động sản có thể vay với thời hạn tới 45 năm trong khi các khoản vay tín chấp cá nhân có thời hạn đến 25 năm. Động thái của Bank Negara đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ nợ tính theo hộ gia đình trên GDP đã đạt 83%, cao nhất ở châu Á.
Mỗi ngày 51 người phá sản
Trên báo The Star ngày 6/7, thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, bà Tan Sri Zeti Akhtar Aziz, cho biết hiện nợ tính theo hộ gia đình chưa đến mức báo động nhưng dựa trên những xu hướng hiện tại thì rốt cuộc mọi chuyện sẽ xấu đi. Bà cho rằng thời hạn vay nợ bất động sản quá dài sẽ khuyến khích tình trạng tích lũy nợ quá hạn của các hộ gia đình.
Những người trẻ ở Malaysia sẽ không thể thoải mái vay tiền mua nhà |
Theo quy định mới, từ nay tất cả thể chế tài chính ở Malaysia đều phải tuân thủ các giới hạn về cho vay. Người vay mới, đặc biệt là những người thu nhập thấp, chỉ có thể được vay nếu số nợ hằng tháng phải trả dưới 60% tiền lương thực lãnh hằng tháng của họ.
Những người trong ngành bất động sản cho rằng các biện pháp mới dường như sẽ ít tác động tới thị trường bất động sản bởi thế hệ lớn tuổi ở Malaysia đã ở trong chu kỳ vay tiền mua bất động sản. Các quy định mới sẽ tác động đến thế hệ trẻ nhiều hơn. Giám đốc Công ty bất động sản IOI Teh Chin Guan nói với mức giá thời điểm hiện tại thì khả năng chi trả của giới trẻ thấp đi.
Trong khi đó, giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản Khong & Jaafar Elvin Fernandez nói động thái mới của Bank Negara đáng được hoan nghênh bởi các khoản vay mua bất động sản thời hạn hơn 40 năm là không khôn ngoan.
Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhà và bất động sản Malaysia Datuk Seri Michael K.C. Yam tin rằng các giải pháp mới là chuyển biến tốt bởi “người Malaysia không có kỷ luật lắm trong những vấn đề như thế này”. Ông phân tích: “Ở các nước thời hạn vay tối đa là 25 năm hoặc đến khi người vay đến tuổi về hưu là 55”.
Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia, ông Datuk Marimuthu Nadason, cũng ủng hộ các biện pháp mới này nhưng kêu gọi Ngân hàng Trung ương phối hợp với các tổ chức dân sự như hiệp hội của ông trong việc giáo dục kỹ năng tài chính, điều mà người Malaysia vô cùng thiếu. Ông cũng chỉ ra hằng ngày có trung bình 51 người tuyên bố phá sản ở nước này.
Singapore bình ổn thị trường nhà đất
Trong khi đó tại Singapore, như Bloomberg cho biết, giá nhà đã leo lên mức kỷ lục trong quý 2 năm nay trong khi giá trị nhà ở ngoại ô tiếp tục tăng khiến chính phủ phải đề ra các biện pháp mới nhằm kiểm soát việc cho vay mua bất động sản hồi cuối tháng 6 vừa qua.
Theo cơ chế mới, các ngân hàng sẽ không cho vay nếu khoản nợ phải trả hằng tháng của người mua nhà vượt quá 60% thu nhập hằng tháng của người đó. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 29-6, theo Reuters. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) nói các quy định mới sẽ giúp tăng cường thói quen bảo hiểm tín dụng của các ngân hàng và khuyến khích sự thận trọng trong tài chính đối với người đi vay.
Giá nhà cao kỷ lục trong bối cảnh lãi suất thấp làm dấy lên quan ngại về bong bóng nhà đất tại Singapore. Theo Wall Street Journal, giá nhà ở đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến cuối tháng 3 vừa qua, giá nhà ở đã tăng gần 60% kể từ quý II-2009.
Theo báo The Straits Times, Chính phủ Singapore đã thực hiện bảy đợt hạ nhiệt bất động sản từ năm 2009 với lần gần đây nhất là vào tháng 1 năm nay. Có vẻ các nhà điều hành tại đảo quốc này đang tin tưởng vào khả năng kiểm soát của mình.
Bộ trưởng phát triển quốc gia Singapore Khaw Boon Wan cho rằng siết chặt cho vay mua bất động sản là một biện pháp mang tính kết cấu để đảm bảo một thị trường bất động sản ổn định hơn. Ông giải thích: “Những ai mua nhà để ở không phải là vấn đề của chúng tôi. Chính những người muốn mua thêm bất động sản để đầu tư là đối tượng khiến chúng tôi lo lắng. Khi lãi suất tăng và khi họ nhận ra không thể trả nổi khoản vay từ hoạt động thế chấp tăng, họ sẽ làm gì? Họ có thể buộc phải thanh lý, và ai biết được nếu thời điểm đó kết hợp với một thời điểm khi nguồn cung bất động sản có chút dư thừa, họ sẽ gặp rắc rối về tài chính. Vì vậy các quy định mới là một lời nhắc nhở tốt”. Ông cũng nhấn mạnh lãi suất thấp hiện nay là không bền vững.
Hôm 6/7, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratman khẳng định các quy định mới về cho vay tiền mua nhà không phải là một đợt giải pháp hạ nhiệt bất động sản. Ông cho biết thị trường đã có những dấu hiệu đang ổn định. Ông cũng nói đây là một quy định dài hạn để các ngân hàng phải cẩn trọng hơn.
- 118
- By Admin
- 10/07/2013
- 17