Đồng Nai: Sẽ có hệ thống 17 đô thị lớn vào năm 2030
Một phần trong tổng thể khu đô thị Nhơn Trạch, Đồng Nai. |
Theo Quyết định 1460/QĐ-UBND vừa được Phó chủ tịch Phan Thị Mỹ Thanh ký 23/5 vừa qua, tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều thay đổi lớn theo quy hoạch vùng mới này.
Đồ án quy hoạch cho thấy, dự kiến đến năm 2020 Đồng Nai sẽ có 11 đô thị lớn và con số này sẽ tăng lên 17 vào năm 2030. Tổng diện tích tự nhiên 590.720ha, quy mô dân số khoảng 3,2 triệu người (dân đô thị khoảng 1,7 triệu).
Các đô thị gồm: đô thị loại I (TP. Biên Hòa), đô thị loại II (Nhơn Trạch), đô thị III (TX. Long Khánh), 2 đô thị loại IV (thị trấn Long Thành và Trảng Bom) và 6 đô thị loại V (thị trấn Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao).
Không gian xây dựng đô thị Đồng Nai được chia làm 3 vùng phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm, vùng phía Đông và vùng đô thị - công nghiệp hành lang Quốc lộ 20.
Đáng chú ý, đồ án quy hoạch nêu rõ, hệ thống đô thị của Đồng Nai sẽ hình thành theo hướng các đô thị chức năng để phát huy lợi thế vùng.
Đối với hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng gồm: TP. Biên Hòa, đô thị Long Khánh, Định Quán. Trong đó, TP. Biên Hòa đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của vùng tỉnh Đồng Nai vừa là đô thị vệ tinh độc lập vùng Tp.HCM.
Phát triển đô thị có bản sắc đặc trưng ven sông Đồng Nai, bảo vệ vùng cây xanh cảnh quan Cù Lao Phố và dọc sông Đồng Nai.
Đô thị Long Khánh là trung tâm vùng phía Đông của tỉnh; phát triển tập trung trên trục quốc lộ 1A, quốc lộ 56, đường Trảng Bom – Xuân Lộc, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Hình thái đô thị phát triển theo các khu đô thị tập trung, hướng tâm và đường vành đai không gian mở gắn kết cảnh quan và vùng nông nghiệp chuyên canh.
Đô thị Định Quán là trung tâm vùng phía Bắc của tỉnh Đồng Nai, hình thái đô thị phát triển theo dạng tuyến, trục Quốc lộ 20, mở rộng phát triển về phía Bắc và Đông Bắc.
Đối với hệ thống đô thị phân theo tính chất chức năng tổng hợp, xây dựng đô thị Long Thành là trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng; đô thị Nhơn Trạch là trung tâm công nghiệp của tỉnh và Tp.HCM.
Đặc biệt, theo quy hoạch mới, Đồng Nai sẽ có các hệ thống đô thị chuyên ngành, gồm:
Đô thị Bình Sơn (đô thị dịch vụ gắn hoạt động sân bay quốc tế Long Thành) là trung tâm thương mại – dịch vụ - tài chính, trung tâm dịch vụ Logistis, kho vận quốc tế.
Đô thị Phước Thái (đô thị gắn hoạt động cảng biển nhóm 5 gồm: Nhơn Trạch - Gò Dầu - Phú Xuân, Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là trung tâm vận chuyển hàng hóa, kho vận cấp vùng.
Đô thị Thạnh Phú và đô thị La Ngà gắn hoạt động sản xuất công nghiệp.
Về cấu trúc giao thông, khung phát triển giao thông vùng tỉnh Đồng Nai dựa trên định hướng phát triển các trục hướng tâm, các trục vành đai đảm bảo kết nối đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.
Đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông đối ngoại, đường trục chính, đường tỉnh, đường liên kết cảng biển với các tuyến cao tốc, quốc lộ… phục vụ các khu công nghiệp, khu du lịch, khu dịch vụ - đô thị, cảng biển, cảng hàng không nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế;
Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Biên Hòa và đô thị mới Nhơn Trạch; xây dựng bến - bãi đậu xe tại các trung tâm đô thị, khu vực có các công trình tập trung đông người, đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách là đầu mối giao thông của các tuyến đối ngoại liên tỉnh, liên vùng...
- 224
- By Admin
- 12/06/2014
- 17