Đồng Nai: Phát triển hạ tầng sẽ là đòn bẩy cho BĐS
Quy hoạch giao thông làm đòn bẩy kinh tế vùng
Khu vực miền Đông Nam Bộ, với 5 tỉnh thành bao gồm Tp.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai là khu vực có tốc phát triển kinh tế cao, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm.
Trong đó, Tp.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương tạo thành tứ giác kinh tế phát triển nhất cả nước. Lợi thế dẫn đầu toàn quốc về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, GDP, góp phần đưa tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, thu hút nhiều dân nhập cư từ các vùng khác đến sinh sống.
Quyết định số 06/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, khẳng định, tập trung phát triển giao thông vận tải là một trong những động lực để phát triển kinh tế vùng. Theo đó, hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp cả đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, đường sắt và đường hàng không.
Tuyến Cao tốc TP HCM – Nhơn Trạch – Long Thành – Dầu Giây vừa thông xe |
Về giải pháp, chính sách phát triển hạ tầng giao thông, Quyết định cũng nêu rõ, giai đoạn từ năm 2011 – 2015, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Trong đó, đáng chú ý là việc thông xe tuyến đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn đường từ vành đai II đến quốc lộ 51 đã rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian từ Tp.HCM đi các vùng lân cận.
Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 đã và đang được nâng cấp mở rộng; các tuyến cao tốc Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tuyến Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu cũng từng bước được đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn được quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Tp.HCM – Đồng Nai – Nha Trang (thuộc dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam) và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Nhơn Trạch kết nối ngầm với sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, cụm cảng Cát Lái, Phước An, Cái Mép – Thị Vải... giúp việc giao thương trở nên thuận lợi hơn.
Cuộc đua đón đầu phía Đông Sài Gòn
Nhìn về quá trình phát triển đô thị tại Tp.HCM, không thể phủ nhận hạ tầng giao thông đã góp công lớn nâng cao giá trị, thúc đẩy sự phát triển các khu vệ tinh. Điển hình là sự hình thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với đòn bẩy là đại lộ Nguyễn Văn Linh và hàng loạt chiếc cầu qua Quận 7. Sự thay đổi của vùng đất Quận 2 khi cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm được kết nối cũng là ví dụ điển hình từ thực tiễn. Nếu không nhờ đòn bẩy hạ tầng giao thông thì rất khó để một khu đất có thể gia tăng giá trị hàng chục lần chỉ trong khoảng 10 năm.
Phân khúc đất nền ven Tp.HCM thời gian gần đây đã diễn ra nhiều động thái lạ. Sự nhộn nhịp trước đây tại thị trường Bình Dương đang chuyển dịch sang Đồng Nai với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư, môi giới có tiềm lực. Tổng Công ty Tấc Đất Tấc Vàng sau nhiều năm gắn bó với đất Bình Dương, đã chuyển sang tìm cơ hội tại thị trường khu Đông Sài Gòn, Đồng Nai. Phuc Khang Corporation cũng đặt chân vào thị trường này thông qua việc đầu tư vào một dự án quy mô 150 ha ngay tại Nhơn Trạch. Tập đoàn quản lý quỹ Vinacapital ghi thêm vào danh mục đầu tư dự án nghỉ dưỡng tại đảo Đại Phước. Đất Xanh Group đẩy mạnh đầu tư và phân phối dự án Gold Hill tại Đồng Nai. Công ty cổ phần DV-ĐT-XD bất động sản Nam Tiến đi đầu với dự án bất động sản sân bay Long Thành. Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch cũng đầu tư mạnh cho dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn quy mô 942 ha để chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường…
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân, lực lượng môi giới tiếp xúc hàng ngày với những nhà đầu tư từ tổ chức đến cá nhân. Có thể nói không ai khác, chính các nhà môi giới là người cảm nhận “hơi thở” thị trường sớm nhất. Trong các chu kỳ phát triển bất động sản, thị trường nào càng có nhiều sự cạnh tranh từ các nhà môi giới thì càng có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân. Với bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp và có chiều hướng giảm như hiện nay, bất động sản trở thành kênh đầu tư sinh lợi an toàn được nhiều người lựa chọn.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, TGĐ Công ty địa ốc Kim Oanh lý giải, chiến lược đón đầu hạ tầng đã được các nhà đầu tư cá nhân nắm bắt khi kết nối từ Tp.HCM qua cửa ngõ phía Đông với Đồng Nai có chuyển biến tích cực. Mặt khác, Đồng Nai có vị trí kết nối quan trọng giữa TP HCM với các tỉnh Thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, lại được quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại: Đường thủy, đường cao tốc, đường sắt, sân bay quốc tế. Đây là những lợi thế khác biệt giúp cho thị trường bất động sản Đồng Nai thanh khoản tốt thời gian vừa qua.
Ông David Blackhall, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư VinaLand nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng là nền tảng liên quan mật thiết đến sự phát triển của các dự án bất động sản đô thị. Hiện nay, có thể thấy cơ sở hạ tầng ở tỉnh Đồng Nai đang ngày càng được hoàn thiện, rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm Tp.HCM. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp, cụm nhà máy sản xuất do doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đầu tư ở Đồng Nai trong hơn 10 năm qua cho thấy, chính quyền địa phương đã và đang theo đuổi một tầm nhìn nhất quán và có nhiều chính sách để thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển. Điều này giúp thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đến đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để người dân đến làm việc và mua nhà định cư tại khu vực hành lang phía Đông Tp.HCM.
Trong một báo cáo đưa ra hồi cuối năm 2013, Savills nhận định, thị trường Đồng Nai hiện bị thống lĩnh bởi các nhà đầu tư cá nhân hơn là người mua để ở ngay. Ông Luk Ban La, Phó TGĐ Phuc Khang Corporation chia sẻ, các hệ thống giao thông trọng điểm từng bước hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần đấy nhanh quá trình đô thị hóa khu vực này. Diễn biến thị trường thời gian qua là dấu hiệu nhà đầu tư cá nhân đã nhìn thấy cơ hội về dài hạn, khi mà hiện nay, giá đất giữa Tp.HCM và vùng giáp ranh Đồng Nai vẫn chênh lệch quá lớn.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân cũng lưu ý, bên cạnh tiềm năng gia tăng giá trị nhờ kết nối hạ tầng, để đầu tư hiệu quả, khách hàng cần lựa chọn các dự án có vị trí tốt, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo, dịch vụ tiện ích đầy đủ, pháp lý minh bạch, chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối uy tín trên thị trường. Ngoài ra, cần xem xét khả năng tài chính phù hợp với tiến độ thanh toán của dự án, hạn chế rủi ro từ việc vay vốn ngân hàng.
- 0
- By Admin
- 12/06/2014
- 17