• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đồng Nai: Dang dở nhiều dự án

- Sự bùng nổ các dự án BĐS thời gian qua do nhu cầu phát triển của địa phương hay chỉ đơn thuần là lợi nhuận chủ đầu tư, đồng thời có đảm bảo quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh?

Qua tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền xét duyệt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, diện tích đất nông nghiệp được phép chuyển qua đất phi nông nghiệp 25.850ha, nhưng đến năm 2010 mới chuyển 11.850ha, đạt 44%.

Như vậy còn một số dự án BĐS lớn như khu trung tâm hành chính thành phố mới Nhơn Trạch 600ha; khu trung tâm hành chính tỉnh 300ha; các khu dân cư phát triển đô thị Long Giao, Dầu Giây, khu đô thị dịch vụ Long Thành 1.922ha… Như vậy, so với quy hoạch được duyệt, còn nhiều dự án chưa triển khai, nên không thể nói là bùng nổ các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Toàn bộ các dự án nói chung và dự án BĐS nói riêng đều thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Ngoài ra, Đồng Nai là tỉnh có rất nhiều KCN (36 KCN và một số cụm công nghiệp đang hoạt động).

Việc các chủ đầu tư khi đầu tư phải có lợi nhuận họ mới đầu tư, nhưng do áp lực về nhà ở rất lớn tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án để giải quyết  nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên một số dự án BĐS vẫn chưa triển khai được.

Đồng Nai: Dang dở nhiều dự án | ảnh 1
Một dự án tại Nhơn Trạch còn khá vắng vẻ.

- Nhiều dự án đã triển khai cả chục năm nhưng đến nay vẫn là những khu đất hoang hóa, trong khi khách hàng và chủ đầu tư bán qua bán lại trên giấy. Sự lãng phí tài nguyên đất này Sở sẽ xử lý như thế nào?

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tốc độ phát triển cao, thu hút đầu tư lớn, số lượng dự án tập trung nhiều tại các địa bàn có vị trí giao thông thuận lợi như Long Thành, Nhơn Trạch.

Đặc biệt Nhơn Trạch là một huyện giáp ranh với TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành thành phố mới đến năm 2020, nên các dự án kinh doanh BĐS tập trung nhiều. Tính từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 89 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích 5.312ha.

Một số dự án có diện tích lớn đã được triển khai xây dựng như của TCT Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (223ha), TCT Xây dựng Hà Nội (150ha), Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Nhật Quang (200ha), Công ty Đầu tư phát triển xây dựng (550ha), CTCP Đầu tư Sen Việt Công thương (214ha)…

Tuy nhiên, các dự án triển khai nhiều nhưng do dân cư chưa tập trung, hạ tầng kết nối giữa TPHCM với huyện Nhơn Trạch chưa được triển khai nên tỷ lệ lấp đầy còn thấp

Bên cạnh đó, một số dự án đã được thu hồi đất nhưng việc bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai khó khăn, tiến độ thực hiện chậm nên nhà đầu tư chưa thể triển khai.

Mặt khác, trong thời gian qua, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, thị trường BĐS đóng băng, đã khiến việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án nói chung, dự án khu dân cư nói riêng trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn.

Về một số dự án sau khi đã thỏa thuận địa điểm nhưng nhà đầu tư không triển khai, không lập thủ tục đầu tư và xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo rà soát tiến độ thực hiện, đã thu hồi giấy phép 10 dự án với tổng diện tích 233ha.

- Dự án triển khai nhiều đồng nghĩa với công tác đền bù giải tỏa nhiều. Đây cũng là mấu chốt phát sinh khiếu kiện giữa người có đất và chủ đầu tư?

Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.839 đơn, thư khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đến nay đã giải quyết được 4.612 đơn, đạt tỷ lệ 95,30%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, các cơ quan thẩm quyền đã bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho dân 252,3m2 đất và hơn 660 triệu đồng, 130m2 đất thổ cư và 7 lô đất tái định cư; công nhận quyền sử dụng đất 102,49m2 đất; giao trả lại cho dân 710,15m2 đất và trên 800 triệu đồng; thu hồi cho Nhà nước 15.789m2 và 80 triệu đồng...

Nhìn chung, trình tự giải quyết khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được các cấp, ngành của tỉnh thực hiện chặt chẽ, đảm bảo yếu tố pháp lý, khắc phục việc giải quyết đơn sai nội dung, sai thẩm quyền, kịp thời điều chỉnh và xử lý các đơn không đủ điều kiện thụ lý theo quy định; thường xuyên tiến hành việc giám sát, kiểm tra đối với công tác giải quyết đơn thư, chú trọng công tác đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.


(SG ĐTTC)

  • 118
  • By Admin
  • 01/10/2012
  • 17