• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đối tượng, thủ tục thuê mua nhà ở xã hội?

Theo đó, hồ sơ thuê, thuê mua nhà ở xã hội được nộp tại đơn vị trực tiếp quản lý nhà ở xã hội.

Cụ thể, trường hợp công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp thành phố, nộp hồ sơ tại Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố. Vậy nếu tôi đang công tác tại Trường ĐHSP TP.HCM, thuộc Bộ GD-ĐT quản lý thì có thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội? Và có thể nộp đơn về Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố hay không? Xin cảm ơn.
 

Hat ze (hatze83@...) 

Trả lời:

Theo thư trình bày của ông/bà thì cán bộ, công chức đang làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thuộc đối tượng được xem xét, giải quyết thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quyết định 86/2008/QĐ-UBND ngày 18/12/2008 của UBND TP.HCM (gọi tắt là quyết định 86/2008/QĐ-UBND).

Căn cứ Điều 4 của Quyết định 86/2008/QĐ-UBND quy định đối tượng được xem xét, giải quyết cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định này là những đối tượng làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP.HCM, bao gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

3. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ.

4. Các đối tượng khác có thành tích lao động xuất sắc, được UBND thành phố phê duyệt như: nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp không thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Căn cứ khoản 5, Điều 2 của Quyết định 86/2008/QĐ-UBND quy định về giải thích từ ngữ, theo đó, "các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP.HCM" là các cơ quan đơn vị thuộc tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, chính quyền, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp cấp thành phố, quận-huyện, phường-xã, thị trấn của TP.HCM.

Căn cứ Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003, tại Điều 88 quy định trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, UBND cấp tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Quản lý nhà nước đối với các loại hình trường, lớp được giao trên địa bàn tỉnh; trực tiếp quản lý các trường cao đẳng sư phạm, trường trung học chuyên nghiệp, trường trung học phổ thông, trường bổ túc văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong tỉnh từ trình độ cao đẳng sư phạm trở xuống; cho phép thành lập các trường ngoài công lập theo quy định của pháp luật;

2. Quản lý và kiểm tra việc thực hiện về tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và việc cấp văn bằng theo quy định của pháp luật;

3. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 4, Điều 100 Luật giáo dục số 38/2005/QH11 năm 2005 quy định UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương.

Như vậy, đối với các cơ sở đào tạo đại học thì UBND thành phố chỉ quản lý khi được Chính phủ giao cụ thể khi ban hành quyết định thành lập trường đại học.

Quyết định 86/2008/QĐ-UBND chưa giải thích rõ khái niệm như thế nào là cơ quan, đơn vị của thành phố, do đó theo quan điểm của luật sư thì "các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 5, Điều 2 Quyết định 86/2008/QĐ-UBND của TP.HCM" trong trường hợp này được hiểu là các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM được quy định tại quyết định thành lập.

Nếu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thuộc Bộ GD-ĐT thì điều đó có nghĩa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thuộc quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, đồng thời cũng chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT. Như vậy, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là cơ sở đào tạo đại học của Bộ GD-ĐT, không phải của TP.HCM, do đó không thuộc quyền quản lý của UBND TP.HCM.

Căn cứ các quy định nêu trên thì trường hợp của ông/bà hiện công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chưa phải là đối tượng được xem xét giải quyết cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Quyết định 86/2008/QĐ-UBND ngày 18/12/2008 của UBND TP.HCM. Do đó, ông/bà chưa thể nộp đơn tại các cơ quan có thẩm quyền của thành phố để xin xem xét giải quyết cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM (dù ông/bà có thể là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, thuộc đối tượng và hội đủ điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định Điều 53 và Điều 54 của Luật nhà ở).

Sở dĩ có quy định nêu trên là vì theo quy định tại khoản 6, Điều 25 và khoản 4, Điều 26 của Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 25 và điều kiện của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể và công bố công khai về đối tượng và điều kiện được thuê, thuê mua quỹ nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn trong từng thời kỳ và từng dự án cụ thể. Đồng thời UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xét duyệt và thứ tự ưu tiên đối với các đối tượng đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Do đó, khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 86/2008/QĐ-UBND đã căn cứ vào các quy định nêu trên để xác định đối tượng được xem xét giải quyết cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội có phạm vi hẹp hơn so với Luật nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP.
 

Luật sư Phạm Đình Sơn
Theo Tuoi Tre
  • 236
  • By Admin
  • 13/07/2009
  • 17