• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đối thoại về thị trường BĐS: Doanh nghiệp được dịp "xả van bức xúc"

Nhiều ý kiến thẳng thắn đã được đưa ra, thậm chí hàng loạt doanh nghiệp đã đề nghị phải tìm hiểu xử lý người soạn thảo Nghị định 69 bởi theo các doanh nghiệp, đây chính là một trong các nguyên nhân khiến thị trường bất động sản "chết lâm sàng" như hiện nay.

Phẳng mọi phân khúc, nhà đầu tư chạy toán loạn

Đối thoại về thị trường BĐS: Doanh nghiệp được dịp "xả van bức xúc" | ảnh 1
Một số doanh nghiệp tung ra thị trường loại căn hộ diện tích nhỏ, giá thấp nhưng cũng chưa thấy được hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Ảnh: TL SGTT

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản Tp.HCM phát biểu khai mạc và đưa ra nhận định, tất cả các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) Tp.HCM đều hết sức khó khăn. Có doanh nghiệp phải trả lãi hàng tỉ đồng mỗi ngày. Số dư nợ hơn chục ngàn tỉ. Số lượng hàng tồn đọng không bán đươc rất lớn, các khoản vay thì không đáo hạn nợ được và phải chịu lãi suất cao. Duy chỉ có phân khúc nhà giá thấp là còn chút “ánh sáng le lói cuối đường hầm”…

Ông Châu chưa kịp dứt lời thì ông Vũ Anh Tâm, tổng giám đốc công ty Tài Nguyên đã đăng đàn phản đối ngay. Theo ông Tâm thì thị trường BĐS đang phẳng toàn bộ các phân khúc chứ không còn ánh sang le lói phân khúc nào. Các nhà đầu tư đang chạy tán loạn, có DN bán hạ giá 50% mà không có người mua. Tình cảnh này đã diễn ra từ bốn năm nay. Năm 2009, lãi suất giảm thị trường có nhích được một tý. 2010, nhưng lãi suất tăng thì lập tức tê liệt toàn bộ. "Hiện chúng tôi không có khả năng đóng góp cho nền kinh tế, không có khả năng tạo ra công ăn việc làm. Không có thị trường nào phát triển với lãi suất hiện nay. Trong điều kiện ngân hàng khó khăn, thị trường BĐS không có thanh khoản thì không ngân hàng nào dám cho vay. Người tiêu dùng, nhà đầu tư không dại gì bỏ tiền vào thị trường không sinh lời. 4 năm nay các DN ăn mòn gần hết tài sản. Hàng đống tài sản của DN đã đầu tư vào dự án không sinh lợi nhuận", ông Tâm nói.

Tiếp lời, ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc công ty Lê Thành chứng minh ngay: "Công ty chúng tôi chuyên về dòng nhà cho người thu nhập thấp và trung bình nhưng cũng chết rồi chứ không còn phải là điểm sáng đâu. Chúng tôi đã chết lâm sàng và đang phải thở bằng oxy. Lê Thành đang thực hiện hai dự án và vốn của hai dự án này lên đến 1.100 tỉ nhưng không vay được tới 1% vốn từ ngân hàng mặc dù Lê Thành có tài sản thế chấp".

“Nhà giấy thì cho bán, nhà thấy thì không"

Ông Nguyễn Cảnh Hà, phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Tp.HCM đăng đàn phân tích về những bất cập của Nghị định 69. Theo ông Hà, Nghị định 69 ra đời quy định mức thuế đóng tiền sử dụng đất là 100% theo giá đất sát giá thị trường tại thời điểm nộp hồ sơ, giá tính thuế do công ty thẩm định giá và được sự đồng ý của tổ liên ngành. Điều này đã khiến doanh nghiệp không biết được chi phí đầu tư bao nhiêu khi tiền sử dụng đất vẫn còn tù mù. Mà khi đã tù mù không kinh doanh được thì đành phải án binh bất động. Khi doanh nghiệp chạy thì nhà nước không thể thu thuế. Doanh nghiệp nước ngoài khi vào mua dự án cũng không dám mua vì cũng không xác định được tiền sử dụng đất.

Phát biểu của ông Hà như chạm vào bức xúc của hàng loạt doanh nghiệp, nhiều cánh tay giơ lên xin phát biểu. Hầu hết các doanh nghiệp đều thắc mắc không biết vì sao một Nghị định phi lý như 69 lại để tồn tại lâu như vậy. Toàn bộ thị trường bất động sản bị tê liệt, không dám đi làm hồ sơ để đóng tiền sử dụng đất. Thậm chí một doanh nghiệp nói thẳng, nhà nước thu 100% tiền sử dụng đất theo giá thị trường là đã "lấy trắng của doanh nghiệp toàn bộ dự án ấy".

Tiếp nối bức xúc về những chính sách bất hợp lý, chủ một doanh nghiệp tên Thiều cho biết, hiện nay có tình trạng nhà “giấy” thì cho bán còn nhà “thấy” lại không cho bán. Cụ thể, theo ông Thiều, nhà giấy, tức là nhà hình thành trong tương lai thì các cơ quan chức năng cho bán dễ dàng vì làm được thủ tục; còn nhà thấy, tức là những nhà xây dựng xong, nhà đã giao nhưng 10 năm không làm được giấy chủ quyền thì không cho bán. Điều này là quá vô lí cũng là nguyên nhân hạn chế tính thanh khoản của thị trường BĐS.

Nghe điều này, ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đặt vấn đề: vì sao nhà lại không làm được chủ quyền? Ông Thiều nói ngay, “xin đồng chí chủ tịch đi hỏi các cơ quan chức năng. Riêng Tp.HCM, theo thống kê hiện nay có khoảng 200 dự án xây xong 10 năm vẫn chưa làm được chủ quyền!”

Kiến nghị cho doanh nghiệp đóng thuế bằng đất

Đối thoại về thị trường BĐS: Doanh nghiệp được dịp "xả van bức xúc" | ảnh 2
Một số doanh nghiệp đề nghị đóng tiền thuế sử dụng đất bằng đất chứ không đóng bằng tiền (ảnh mang tính minh hoạ). Ảnh: Bảo Chương

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại, đặc phái viên của Thủ Tướng nhận định, thị trường BĐS đang đóng băng do không có người mua vì có mấy lí do. Trước đây đa số người mua là đầu cơ, mua đi bán lại. Nay đối tượng này ít đi do giá đất giá nhà tăng lên, lợi nhuận không có.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản bất động cũng là do những thủ tục của chúng ta quá nhiêu khê phiền hà và bất hợp lý. Ông dẫn chứng, một công ty của bộ thương mại trước đây, có miếng đất muốn xin dự án nhưng thủ tục lằng nhằng vô cùng. Đích thân ông phải xin gặp lãnh đạo Tp.HCM để xin giải quyết. Lãnh đạo thành phố ủng hộ nhưng từ lúc ủng hộ đến khi dự án xong thủ tục cũng hết mấy năm.

TS Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế, đăng đàn cho rằng, cứ nhìn vào thái độ của các doanh nghiệp trong buổi đối thoại ngày hôm nay cũng đã thấy được độ gay go của nền kinh tế. Biết là doanh nghiệp đang chết, cần được giải cứu. Tuy nhiên, nhà nước giải cứu bằng cách nào là cả một vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu. Ai sẽ là người cứu đầu ra, ai là người cứu đầu vào? Nhà nước có đủ sức cứu thị trường BĐS hay không khi mà nó cần một lượng tiền rất lớn. Nếu đổ tiền vào đây sẽ khiến lạm phát tăng cao, có khả năng dẫn đến sụp đổ nền kinh tế.

Ông Lê Ngọc Tú, giám đốc công ty nhà Bình Dân, kiến nghị cho các doanh nghiệp đóng tiền thuế sử dụng đất bằng đất thay vì tiền mặt vì không thể có tiền đóng. Bằng không, ông xin giao dự án lại cho Nhà nước, rồi nhà nước cho doanh nghiệp được nhiêu thì cho.

Ông Nghĩa đề ra giải pháp xin giãn thuế cho doanh nghiệp năm 2012 để "chúng tôi có cơ hội được sống. không chúng tôi chết, nhà nước sẽ mất hết".

Ông Vũ Viết Ngoạn kết luận, câu chuyện đầu ra cho thị trường bất động sản cần nhiều sự quan tâm. Vấn đề này, hiện nay Chính Phủ đang có ý xem xét hỗ trợ vốn vay cho những người có nhu cầu thực sự cần mua nhà ở, nhà thu nhâp thấp. Bởi đối tượng đang cần nhà ở là vô cùng lớn.

Mặt khác, giải pháp xin giãn thuế một năm cho các doanh nghiệp bất động sản cũng là một biện pháp tức thì để bớt ghánh nặng trong thời kỳ khó khăn.

Bên cạnh đó, uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng tính tới phương án cho giãn nợ tín dụng bất động sản. Tuy nhiên việc giãn nợ không phải đại trà, mà chỉ giản nợ cho những dự án nào bán được sản phẩm.

(Theo SGTT)

  • 0
  • By Admin
  • 12/04/2012
  • 17