Đòi lại đất cho ở nhờ khi có tranh chấp
Đến năm 1987 bà ngoại tôi cũng đi kinh tế vào Đạ Tẻ nơi cậu tôi đã định cư và được cấp riêng khẩu và đất. Cũng cùng thời điểm đó ông P. (em con chú con bác với bà ngoại tôi) đi kinh tế mới tại Cát Tiên (Lâm Đồng) và được cấp đất, nhưng do ở đó làm ăn khó khăn nên ông P. đã ra Đạ Tẻ và được bà ngoại tôi cưu mang đùm bọc. Bà ngoại tôi cho ông P. ở nhờ và sử dụng một phần đất (2.000m2) được cấp.Hiện cậu tôi đã mất, bà ngoại tôi hơn 90 tuổi, đau ốm thường xuyên, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên muốn lấy lại đất đó để cho người khác thuê lấy tiền lo thuốc thang thì mới biết ông P. đã làm sổ đỏ mang tên mình mà không hỏi ý kiến bà (do đất này Nhà nước cấp theo diện kinh tế mới nên không phải đóng thuế, vì thế ông P. dễ dàng làm được sổ đỏ) và không đồng ý trả lại đất.
Xin luật sư cho biết bây giờ bà ngoại tôi muốn lấy lại mảnh đất đó thì có hợp pháp không? Nếu lấy lại được thì thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn và mong sớm nhận được phúc đáp.
Tuấn.Phạm Anh (thienhoangthao14@... )
Trả lời
Theo thư của bạn trình bày, tôi hiểu thửa đất trước đây bà ngoại của bạn đã được giao bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Theo quy định của Luật dân sự và đất đai hiện hành, việc tranh chấp của bạn sẽ do tòa án giải quyết. Các thông tin mà bạn nêu trong thư, bạn có thể trình bày với tòa án để làm căn cứ giải quyết. Về nguyên tắc, tòa án sẽ giải quyết theo hướng buộc người ở nhờ phải trả lại quyền sử dụng đất.
Trình tự thủ tục khởi kiện:
Hòa giải cơ sở trước khi khởi kiện: Theo Điều 135 và 136 Luật đất đai thì việc tranh chấp đất đai phải được hòa giải cơ sở. Theo đó, một trong các bên tranh chấp có thể gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất để yêu cầu hòa giải tranh chấp. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai.
Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ) kể từ ngày nộp đơn. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Trường hợp các bên tranh chấp không thể hòa giải được hoặc UBND xã, phường, thị trấn không thể tiến hành hòa giải được (do vắng mặt các bên liên quan) thì sẽ lập biên bản và hướng dẫn các bên nộp đơn khởi kiện tại tòa án để giải quyết.
Một trong các bên tranh chấp có quyền làm đơn khởi kiện theo mẫu, nộp cho tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Kèm theo đơn khởi kiện là các chứng cứ và trình bày hợp lý nhằm chứng minh rằng mình là người có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Thân ái chào bạn.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
(Theo Tuổi trẻ)
- 214
- By Admin
- 19/09/2012
- 17