• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Độc quyền dịch vụ chung cư - Người dân chịu thiệt


Độc quyền dịch vụ chung cư - Người dân chịu thiệt | ảnh 1
Người dân tại nhiều khu đô thị mới đang bị áp đặt sử dụng các dịch vụ viễn thông,
truyền hình mà họ không ưa thích.

Có gì dùng nấy

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ: Người tiêu dùng có quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu thực tế của mình. Tuy nhiên, mặc dù ở các chung cư, các dịch vụ tối thiểu như, điện, nước, hệ thống gas trung tâm, điện thoại, internet, truyền hình cáp… đều có, nhưng người dân phải dùng của những nhà cung cấp độc quyền. Thế nên, người dân phải chấp nhận “có gì dùng nấy” kể cả khi dịch vụ kém chất lượng cũng không được chủ đầu tư đổi dịch vụ.

Một người dân giấu tên sống tại khu chung cư M3-M4, 91A Nguyễn Chí Thanh bức xúc cho biết, khi chuyển về ở tại chung cư, từ việc đăng ký số điện thoại cố định, internet, người sử dụng cũng phải tự kéo dây, mua dây bên ngoài về cho nhân viên kỹ thuật của tòa nhà kéo, hoặc đăng ký trọn gói với mức chi phí rất cao. Điều đặc biệt hơn, ở tòa nhà này mọi dịch vụ viễn thông hay internet đều do Tập đoàn Viettel đầu tư, nhưng khi hỏi nhân viên kỹ thuật của Viettel lại nhận thông tin, tòa nhà không cho kéo dây, còn bên phía tòa nhà lại nói bên Viettel không kéo dây mà người sử dụng sẽ phải tự kéo dây? Cứ bên nọ đẩy qua bên kia, cuối cùng người dân phải chịu thiệt.

Anh Lưu Ngọc Vinh, ở tòa nhà JSC 34, đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: “Chất lượng đường truyền internet ở đây rất kém,  tôi muốn đổi nhà cung cấp khác cũng không được. Vì dịch vụ viễn thông của cả tòa nhà do EVN cung cấp”. Điều làm người dân sống ở những khu chung cư bức xúc nhất là việc khách hàng không được thông báo về các dịch vụ đi kèm khi mua nhà. Ông Lê Văn Chiến, tòa nhà CT4A2, khu đô thị Bắc Linh Đàm cho biết: “Khi mua nhà, chủ đầu tư lại không cho chúng tôi biết những dịch vụ nào sẽ được cung cấp để chúng tôi còn có sự lựa chọn”.

Quên quyền lợi khách hàng

Nếu như trước đây khi xây dựng các khu đô thị, chủ đầu tư xây dựng các toà nhà thường phải đến "nhờ" các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng mạng viễn thông trong chung cư, khu đô thị mới. Nhưng hiện nay mọi việc đã xoay chiều, việc xây dựng hạ tầng cáp internet, truyền hình cáp, điện thoại… đã trở thành cuộc đua giữa các công ty chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông. Một nhân viên phát triển dịch vụ viễn thông bật mý, để chen chân vào các khu đô thị mới, các mạng phải chi tiền "lót tay" một lần và "hoa hồng" doanh thu tháng cho các chủ đầu tư xây dựng các tòa nhà. Ngoài ra, trước khi được ký hợp đồng viễn thông buộc phải có những khoản tiền gọi là chi "quan hệ" nhất định.

Khi bị người dân phản ứng về các dịch vụ viễn thông kém, nhiều chủ đầu tư viện lý do họ không ép buộc người dân phải sử dụng dịch vụ có sẵn bằng văn bản nào cả. Song việc không có hạ tầng kết nối của các nhà mạng khác thì rõ ràng người dân vẫn buộc phải sử dụng dịch vụ mà chủ đầu tư đang cung cấp. Cuối cùng khi các cư dân mới đến ở trong các tòa nhà phải chịu thiệt thòi vì dịch vụ không như mong muốn.

Việc các doanh nghiệp cạnh tranh cung cấp dịch vụ là điều bình thường. Nhưng vì cạnh tranh mà bỏ quên quyền lợi khách hàng là điều cần tránh, đặc biệt, quyền được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, yêu cầu sử dụng chung cơ sở hạ tầng để bảo đảm quyền lựa chọn của khách hàng tại các khu đô thị chung cư mới cần được đặt ra một cách nghiêm túc, đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng ngồi lại với nhau. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Xây dựng nên vào cuộc để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chúng ta không nên áp đặt, chỉ giải quyết những vấn đề mang tính thiết yếu, ví dụ an toàn công trình, điện, nước..., còn những dịch vụ khác thì bây giờ cạnh tranh rất mạnh, nên để việc thỏa thuận đó cho chủ đầu tư và người dân. Vì nếu dịch vụ tốt, giá thành cạnh tranh, người dân sẽ lựa chọn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà(Cục trưởng Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng)

(Theo KTĐT)

  • 112
  • By Admin
  • 19/11/2011
  • 17