Doanh nghiệp thép ăn quả đắng vì “bình ổn”
Chính sách không ăn khớp thị trường, thép tồn kho kỷ lụcKhông có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý ngành thép của Bộ Công Thương được phát hiện trong đợt thanh tra vừa qua. Tuy nhiên, theo phân tích của cơ quan thanh tra mới đây, Bộ Công Thương đã chưa nhanh nhạy khi ban hành các chính sách quản lý ngành, khiến doanh nghiệp thép chịu thiệt hại lớn.
Câu chuyện thứ nhất được cơ quan này “soi” là việc áp dụng chế độ xuất khẩu tự độ đối với thép năm 2008. Bộ Công Thương đạt được mục tiêu hạn chế nhập khẩu, nhưng hậu quả là doanh nghiệp tồn kho ở mức kỷ lục và thua lỗ.
Hồi tháng 3-4 năm 2008, giá thép leo thang chóng mặt, giá phôi thế giới lên tới mức kỷ lục, 1.200USD/tấn, trong khi mức giá bình thường chỉ khoảng 400-600USD/tấn. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp thép đã ồ ạt tái xuất hàng vạn tấn thép để kiếm lời.
Lo ngại việc này sẽ dẫn tới thiếu thép trong nước, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp cấp Giấy phép xuất khẩu tự động, nhằm hạn chế xuất khẩu, ngăn ngừa nguy cơ có thể mất cân đối cung cầu sau này.
Khi đó, theo số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp, xuất khẩu sắt thép trong tháng 6/2008 đạt 380.000 tấn, xấp xỉ bằng lượng sắt thép xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2008.
Chính sách không phù hợp khiến doanh nghiệp thép tồn kho lớn (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, điều đáng nói là, khi tình hình thị trường thép thay đổi, giá phôi đã sụt giảm thì Bộ Công Thương lại tỏ ra chậm chễ trong việc gỡ bỏ Giấy phép xuất khẩu tự động.
Rốt cục, lượng thép thành phẩm và phôi thép tồn kho rất lớn, tới hơn 2 triệu tấn. Trong khi đó, nếu thị trường thép diễn biến ổn định, lượng tồn kho thép chỉ vào khoảng 250.000-500.000 tấn. Mức này đủ đáp ứng nhu cầu thép trong vòng 2 tháng.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời kéo theo sự khó khăn đối với ngân hàng trong thu hồi vốn... Việc tái xuất hàng tồn kho đã không còn tác dụng vì giá thế giới đã đảo chiều, giảm sâu.
Thêm một lý do nữa là, việc tồn đọng tới 2 triệu thép này lại không hề được cập nhật trong báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước. Đây là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chính sách thị trường trong nước,với 51 đại diện Bộ, ngành, hiệp hội, tập đoàn tham gia.
Doanh nghiệp thua lỗ, người tiêu dùng vẫn chịu giá cao
Liên quan đến việc bình ổn thị trường thép, cơ quan thanh tra đã nhận định, chỉ đạo không tăng giá thép đối với Tổng công ty Thép Việt Nam dường như đã không có nhiều tác dụng với người tiêu dùng.
Thông thường, khi thị trường căng thẳng, đơn vị chiếm 40% thị phần thép này thường “không được tăng giá” hoặc, bán thấp hơn 10% so với thép liên doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng, các công trình xây dựng vẫn không tiếp cận được mức giá bán bình ổn đó.
Lợi nhuận doanh nghiệp bị giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn vốn và nguồn thu ngân sách của nhà nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, Tổng công ty thép Việt Nam đã giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ, riêng Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên gần 200 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng đánh giá, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống phân phối mặt hàng thép xây dựng vẫn chưa hình thành rõ ràng, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập khẩu với các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng.
Ngoài ra, một “căn bệnh” yếu kém khác cũng được nhấn mạnh trong kết quả thanh tra lần này. Đó là công tác lập quy hoạch ngành thép, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư của ngành thép theo Quy hoạch còn hạn chế. Bởi thế, mới có chuyện cung vượt cầu, qui hoạch thép bị phá vỡ nghiêm trọng, đầu tư tràn lan, manh mún, đầu tư kém hiệu quả.
Sau 2 năm thực hiện quy hoạch ngành thép, đến hết 30/8/2009, có tới 32 dự án ngoài quy hoạch, chưa có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến thoả thuận của Bộ Công thương nhưng vẫn được địa phương cấp phép.
Từ năm 2007 đến 2009, Bộ Công Thương cũng chưa tổ chức thanh tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thép.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề nghị rà soát các dự án đầu tư về thép, xử lý đối với những dự án sản xuất thép chậm triển khai không có lý do chính đáng; dự án có công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường, suất tiêu hao năng lượng cao và không phù hợp với định hướng phát triển của ngành thép.
(Theo VNR500)
- 273
- By Admin
- 08/10/2010
- 17