Doanh nghiệp thép: Chết không dám... "báo tử"
DN hấp hối, công nhân thất nghiệp
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tháng 8 vừa qua, sản xuất thép của các DN thành viên đạt 358.000 tấn, tiêu thụ được 356.000 tấn, tồn kho là 315.000 tấn. Nếu tính cả 8 tháng năm 2012 thì sản xuất đạt 2.984.000 tấn, tiêu thụ 2.945.000 tấn, bằng 90,25% so với cùng kỳ 2011.Đây là con số đáng buồn của các DN thép bởi sản xuất và tiêu thụ đã giảm sút gần 10% so với cùng kỳ năm trước trong khi năng lực sản xuất đã tăng lên đáng kể. Hiện tổng công suất thép xây dựng của các DN cả nước là 11 triệu tấn/năm với mức sản xuất như trên chưa đạt 1/3.Hiệp hội Thép cho biết, phải sản xuất ít nhất ở mức 420.000 tấn/tháng tương đương với 5 triệu tấn/năm thì các DN mới đảm bảo hoạt động ổn định. Với sản lượng thấp như hiện nay thì nhiều DN thép đang "hấp hối".
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, từ đầu năm tới nay có 5 doanh nghiệp chết lâm sàng, tuy nhiên trên thực tế con số ấy còn nhiều hơn. Cho đến nay chưa có DN thép nào tuyên bố phá sản, nhưng chỉ là chưa công bố mà thôi. Vì hiện nhiều công ty không có báo cáo sản xuất, nhiều người chạy nợ, thậm chí không có cả tiền để trả lương cho bảo vệ.
Những DN thép khỏe nhất như Công ty Tập đoàn Hòa Phát cũng khó khăn, phải lấy lợi nhuận từ các sản phẩm khác bù chéo cho sản xuất thép.
Ngay cả DN Nhà nước lớn như Tổng công ty Thép Việt Nam vừa qua cũng đã phải cho 3.000 lao động nghỉ việc, trong đó 900 lao động nghỉ việc trọn tháng, số còn lại phải nghỉ luân phiên do nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30-45%.
Các nhà máy Thép Miền Nam, Tấm lá Phú Mỹ, Gang thép Thái Nguyên, Nhà Bè... phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày để giảm sản lượng. Thép Thái Nguyên mấy tháng vừa rồi chỉ bán được 14.000-15.000 tấn/tháng, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước.
Theo ông Trần Văn Dương, TGĐ Tập đoàn Hòa Phát, năm 2012 bức tranh ngành thép rất thê thảm và tình hình còn có thể kéo dài sang cả năm 2013. Thép xây dựng, chiếm 3/4 sản lượng của ngành thép, đang thực sự gặp khó khăn. Với đà này, các DN thép không biết liệu có thể cầm cự được tới cuối năm 2013 không?
Không chỉ sản xuất cầm chừng, thời gian qua, các DN đã phải giảm giá thép liên tục để đẩy mạnh tiêu thụ. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, các DN đã 2 lần phải giảm giá thép tới 300.000 nghìn đồng/tấn.
Giá bán thực tế của các công ty chưa tính VAT hiện phổ biến ở mức 15,1 - 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 15,1 - 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây thông dụng, tùy từng thương hiệu và từng khu vực. Giá bán lẻ thép tại các địa phương phổ biến ở mức 17,4-18 triệu đồng/tấn tại miền Bắc và từ 17,3-17,9 triệu đồng tại miền Nam nhưng sức mua vẫn ở mức rất thấp.
Sức ép từ bên ngoài
Các DN đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng không ăn thua. Thép xây dựng chỉ xuất được sang các thị trường như Lào, Campuchia, Myanma và có số lượng cũng không vượt quá 300.000 tấn/ năm, còn xuất khẩu thép tấm, tôn mạ, thép ống thì đang vướng phải kiện chống bán phá giá, trước đây là Mỹ và Indonesia nay thêm Thái Lan và Malaysia cũng đang khởi kiện.Trong khi đó thì thép Trung Quốc lại đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Thép cuộn Trung Quốc hiện được các DN nhập về dưới dạng thép hợp kim có thuế nhập khẩu 0%. Sản phẩm này có thêm nguyên tố Bo với tỷ lệ 0,008% đã trở thành thép hợp kim và theo Hiệp định ASEAN + 1 (Trung Quốc) thì thuế suất thuế nhập khẩu thép hợp kim là 0%.
Hiện các DN Việt Nam đang nhập thép cuộn 6mm và 8mm có nguyên tố Bo về với số lượng ngày càng tăng. Nếu như 7 tháng năm 2011 chỉ nhập 35.000 tấn, thì 7 tháng đầu năm 2012 đã nhập tới 156.000 tấn gấp gần 5 lần. Thép này về Việt Nam được bán cho các công trình xây dựng với giá rẻ hơn thép cuộn do các DN trong nước sản xuất.
Theo Hiệp hội Thép, thép cuộn thường chiếm tỷ lệ 20% trong tổng tiêu thụ thép xây dựng. Hiện tại mỗi tháng nhu cầu thép cuộn cả nước khoảng 80.000 tấn trong khi đã có trên 20.000 tấn thép này nhập về từ Trung Quốc cạnh tranh làm DN khó khăn. Không chỉ vậy thời gian tới dự báo số lượng thép này nhập về còn tăng và không thể ngăn chặn được.
Các DN cho biết, đầu ra của thép xây dựng chính là các công trình. Hiện thị trường bất động sản đóng băng khiến cho thép không tiêu thụ được. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở dưới 1 tỷ đồng vẫn rất cao nếu những dự án này được khởi động thì chắc chắn thị trường bất động sản sẽ hồi phục, nhu cầu về thép, xi măng tăng lên và các DN thép, xi măng sẽ được giải cứu.
Hy vọng là thế, nhưng với sự bế tắc của thị trường và những sức ép từ hàng nhập ngoại... DN thép chưa dễ sớm thoát khỏi khó khăn. Năm 2013 vẫn sẽ là một năm u ám.
(Theo VEF)
- 217
- By Admin
- 25/09/2012
- 17