• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp nước ngoài đang thôn tính BĐS Việt Nam?

Theo đó, ông Nguyễn Văn Đực đã phân tích về hiện tượng dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia mua lại các dự án bất động sản "chết" trong nước ngày càng gia tăng.

Dự án bất động sản hồi sinh

- Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 570 triệu USD được giải ngân đã đổ vào lĩnh vực bất động sản. Ông bình luận như thế nào về những con số trên, điều này có cho thấy bất động sản đang có tín hiệu phục hồi, "ấm" lên hay không?

Không những doanh nghiệp nước ngoài đang mua lại những dự án của các doanh nghiệp trong nước mà ngay cả những doanh nghiệp Việt Nam đi mua lại dự án của những doanh nghiệp Việt Nam đã “chết” hoặc có những ngân hàng “bức tử” những dự án vì nợ xấu quá nhiều và sau đó chuyển sang một doanh nghiệp sân sau của họ. Tình trạng này đã xảy ra cách đây 3-4 năm.

Hầu hết những dự án bất động sản “chết” được bán với giá rất rẻ và những thua lỗ do doanh nghiệp "chết" phải chịu, những doanh nghiệp mua lại không cần phải làm thủ tục vì dự án đã có sẵn và tiến hành khởi công ngay, như vậy họ đã có lời rồi. Ví dụ dự án đáng giá 500 tỷ đồng nhưng chỉ mua 300 tỷ đồng.

Còn đối với doanh nghiệp nước ngoài lại mua những dự án cao cấp đã 'chết" với giá rẻ để chờ 3-5 năm kinh tế ổn định, tài chính ổn định thì lúc đó vẫn bán được giá cao. Nên mỗi doanh nghiệp có chiến lược, tính toán, doanh nghiệp trong nước mua sản phẩm giá thấp có thể mua xong và xây dựng lại bán ngay còn doanh nghiệp nước ngoài vốn nhiều không bán ngay mà chờ đợi đển bán với giá cao.

Hoạt động này không cho thấy bất động sản phục hồi, ấm lên mà thực chất giết một số người và một số người phát triển lại. Hiểu theo nghĩa ấm lên là không đúng, những "xác chết" đó chỉ được "sống dậy" và bắt đầu hoạt động lại nhưng về thị trường là một loạt các doanh nghiệp bất động sản "chết" là những doanh nghiệp Việt Nam còn những doanh nghiệp mới là những doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp nước ngoài thôn tính bất động sản Việt Nam
Đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân đổ vào lĩnh vực bất động sản

Điều này giống như nền kinh tế Việt Nam đều phụ thuộc vào nước ngoài từ sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, đến các ngành sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống... Chúng ta sẽ mất sân chơi trên chính sân nhà của mình và nhường nó cho nước ngoài, những người Việt trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.

- Theo ông, tình hình có trở nên tồi tệ hơn khi hiện tượng trên xảy ra trên diện rộng và quy mô lớn hơn?

Chắc chắn nó sẽ xảy ra trên diện rộng, quy mô lớn hơn nhưng chưa thể khẳng định điều này dẫn đến kết cục xấu hay tốt nhưng có điều rất nhiều đại gia Việt Nam trắng tay, những tầng lớp doanh nhân Việt nam trắng tay sau nhiều năm đầu tư tích lũy hoặc có thể lợi dụng cơ hội này để làm giàu. Bây giờ tầng lớp này chuẩn bị tiêu vong và thay bằng một số tầng lớp khác trong đó có tầng lớp người nước ngoài.

Đứng trên thị trường bất động sản thì có vẻ ổn định lại, không còn những "cái chết đau thương" nhưng thực tế đất nước mình sẽ bị những người làm chủ mới là những nhà tư bản nước ngoài, còn người Việt làm thuê suốt đời.

Trong nhiều lĩnh vực có lẽ lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực cuối cùng đã bị nước ngoài thôn tính. Họ rất thông minh trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, một cách làm thực dân kinh tế mới, không đánh vào bất động sản đầu tiên mà đánh vào các ngành khác.

Tôi cho rằng đây là phương án rất khôn ngoan, thông minh và đầy đủ kinh nghiệm. Họ đã nhường chiến trường cho người Việt gồm những doanh nhân với nhau, Nhà nước ra những Nghị định bất lợi cho doanh nghiệp, người dân tham lam đầu tư tạo nên "cơn sốt", tạo nên bong bóng lớn và họ đã nhìn thấy bong bóng này và chờ bong bóng sụp đổ, mới lùa quân vào và nhặt từng cái "xác chết' bất động sản, đây là thời điểm họ thôn tính.

Thực tế, kế hoạch thôn tính, người nước ngoài đã tính từ cuối năm 2012 đầu năm 2013, họ đã thăm dò nhưng lúc đó bất động sản của chúng ta vẫn còn "ngắc ngoải", cho đến giữa năm 2014 bất động sản bắt đầu "chết" và khi "chết" rồi họ mới vào "nhặt xác" với giá rẻ.

Thị trường bất động sản có vẻ hồi phục lại nhưng là sự thay ngôi đổi chủ. Những người Việt giàu có trong lĩnh vực bất động sản đã từ bỏ bất động sản để nhảy sang các ngành khác trong đó đặc biệt phát triển lĩnh vực nông nghiệp.

Tức là bất động sản sau một thời gian khiến doanh nghiệp ra đi có thể trắng tay. Đây là "cơn đau lòng" của Việt Nam suốt bao nhiêu năm trời đầu tư để có được tài sản.

Doanh nghiệp nước ngoài đang thôn tính

- Các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các dự án bất động sản nhà ở thương mại của doanh nghiệp trong nước với giá rẻ, như vậy có thể đặt kỳ vọng về việc giá bất động sản trong thời gian tới sẽ giảm theo và người dân mua nhà sẽ được hưởng lợi hay không, thưa ông?

Việc doanh nghiệp nước ngoài mua các dự án bất động sản giá rẻ và giá bán bất động sản trong tương lai ở mức cao hay thấp là hoàn toàn khác nhau. Khi người nước ngoài nắm hết những vị trí tốt của bất động sản giá cao, họ có thể thiết lập một hệ thống của họ và đợi 5-10 năm thậm chí 20 năm đợi khi nền kinh tế phất lên sẽ tung ra bán với giá cực cao. Đừng nghĩ họ mua bất động sản trong nước rồi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Điều này hoàn toàn là ảo tưởng vì người tư bản đặt lợi nhuận của họ lên trên hết, không đặt quyền lợi của người dân Việt Nam, không quan tâm người Việt Nam có nhà hay không có nhà, chỉ quan tâm miếng đất, dự án này sau khi mua phát triển như thế nào.

Họ vào đây là đặt lợi ích cao nhất vào một đất nước đang hỗn loạn về bất động sản, đừng nghĩ họ mua vào sẽ tạo ra nhà ở xã hội cho người dân.

- Đầu tư đến từ doanh nghiệp Trung Quốc ở mức cao trong số nhiều quốc gia tham gia việc đầu tư, mua lại các dự án bất động sản của Việt Nam, theo ông có việc donh nghiệp bất động sản chiếm vị trí quan trọng có tiềm ẩn những rủi ro nào không?

Lo ngại của một vài khu dân cư không đáng lo bằng việc chúng ta mở cửa cho bauxite, mở cửa cho Vũng Áng (Hà Tĩnh), giao đất rừng ở Tây Bắc, giao đất rừng ở Tây Nguyên, bở biển…. Tất cả những việc này chúng ta đã mở cửa mà cái này chúng ta đóng cửa là hết sức vô lý, cái đáng đóng thì không đóng nhưng lại đi đóng những cái đáng ra phải mở.

Thực tế, China Town không chỉ có ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, người Trung Quốc hình thành khu phố và họ ở đó cũng tạo thành đặc sắc riêng của họ. Thậm chí ở Mỹ có nhiều khu phố người Trung Quốc đã góp phần cho nền kinh tế Mỹ phát triển.

Chủ đầu tư Trung Quốc có tiền thì họ mua cũng giống như chủ đầu tư đến từ Mỹ, họ đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu và do họ nằm trong quần thể người Việt họ không thể làm gì xấu được.

- Bất động sản đang phát triển theo chiều hướng trên vậy bức tranh thị trường bất động sản trong tương lai theo phân tích của ông sẽ là như thế nào?

Nói chung nhiều đại gia bất động sản sẽ trắng tay sau "cuộc chơi" tương đối dài do toàn bộ tài sản đã được các doanh nghiệp nước ngoài mua.

Sự bàn giao rất êm thấm từ người chủ Việt Nam sang người chủ nước ngoài đứng ở góc độ chung thị trường bất động sản là tốt nhưng toàn bộ thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế của chúng ta bị người nước ngoài thôn tính.

Nguy cơ đó mới là nguy cơ rộng, lúc đó người Việt sẽ là người làm thuê, làm nhân viên, quản lý, bảo vệ cho những cao ốc còn chủ thực sự là người nước ngoài và người dân trở thành người ở thuê trên chính mảnh đất của mình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

  • 0
  • By Admin
  • 14/08/2014
  • 17