• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp kinh doanh BĐS và người mua nhà đều gặp khó

Ngân hàng chỉ hạ lãi suất đối với lĩnh vực nông thôn, xuất khẩu, sản xuất trong khi bất động sản vẫn chịu lãi cao thậm chí không vay được tiền khiến doanh nghiệp địa ốc lẫn người mua nhà đều lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh đang khảo sát mua căn hộ tại quận 12, Tp.HCM nói: "Chúng tôi xoay sở được gần 400 triệu đồng, định mua nhà sắp hoàn thiện giá 800 triệu đồng nên cần vay gấp 50% giá trị căn hộ. Thế nhưng khi tham khảo lãi suất thấp nhất là 21% thì phát hoảng".

Anh Ninh giãi bày, mỗi tháng gia đình nhỏ của anh phải trả tiền thuê nhà 3 triệu đồng, trừ các khoản chi phí hai vợ chồng dành dụm được chục triệu. Nếu vay tiền ngân hàng thì phải trả cả vốn lẫn lãi đến hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. Đổ hết khoản thu nhập hàng tháng vào việc mua căn hộ, bao gồm trả lãi vay và nợ gốc thì gần như vắt kiệt tài chính, khi có việc cấp bách không biết cậy vào đâu.

"Tôi muốn mua nhà để an cư còn bà xã cứ can ngăn, bảo chờ lãi suất hạ. Thế nhưng tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì chẳng biết bao giờ lãi suất mới hạ", anh than.

Trường hợp của anh Ninh không phải là cá biệt. Thống kê tại nhiều hệ thống sàn địa ốc, có đến hơn 80% khách hàng mua căn hộ tại các dự án bất động sản vấp phải lãi suất cao đã thay đổi quyết định không mua nhà hoặc chờ đợi.

Tại sàn địa ốc Techcomreal, nhu cầu vay tiền mua nhà để ở chiếm tỷ lệ 80-90% trên tổng số những khách hàng quan tâm dự án căn hộ. Thế nhưng, hiện cứ 10 người được tư vấn thì chỉ có một người chấp nhận vay tiền mua nhà với lãi suất 22-23%. Số còn lại đều chờ lãi suất hạ nhiệt mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Còn thống kê từ Công ty Đất Lành, lượng khách hàng vay vốn mua nhà từ đầu năm đến nay chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 5% tổng số căn hộ đã bán, vì lãi suất quá cao, khách hàng không dám vay.

Doanh nghiệp kinh doanh BĐS và người mua nhà đều gặp khó | ảnh 1
Các doanh nghiệp địa ốc chịu áp lực buộc phải bán được hàng dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và trầm lắng, trong khi người mua nhà lại ngao ngán trước lãi suất vay 21-23%. Ảnh: Vũ Lê.

Không chỉ có người có thu nhập khiêm tốn mất cơ hội mua nhà trả góp mà cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng lao đao vì đói vốn. Điển hình là dự án chung cư 584 Tân Kiên huyện Bình Chánh chuyển công năng từ nhà ở thành bệnh viện vì 500 căn hộ block B hoàn thiện nhưng có quá ít người nhận nhà.

Chủ đầu tư dự án 584 Tân Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình 584 Trần Kim Minh cho biết thống kê của chủ đầu tư đến tháng 9, dù mang tiếng là bán xong dự án nhưng chỉ thu về được 40-50% vốn do có quá nhiều khách hàng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp. Nguyên nhân, khách hàng chỉ đóng đến 40% giá trị căn hộ thì hết khả năng chi trả do ngân hàng không cho vay. Những người không thể theo tiếp dự án đa phần đều thuộc nhóm nhà đầu tư.

Cùng nỗi khổ đói vốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lilama SHB Lê Tấn Hòa cho biết, hàng loạt dự án căn hộ của doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng giãn hoặc chậm tiến độ.

Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Song Phát Trần Tấn Thiện nhận xét, nghịch lý của thị trường căn hộ trong thời điểm hiện nay là ngay cả các dự án có giá vừa túi tiền người dân cũng không dám mua vì vướng lãi suất quá cao.

Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực phân tích: "Lãi suất cao, cơ hội mua nhà trả góp của người dân gần như bằng không, nhà đầu tư càng sạch bóng. Lãi suất ngất ngưởng không đủ để giết bất động sản nhưng là cú đấm khiến cho thị trường thêm đen".

Doanh nghiệp kinh doanh BĐS và người mua nhà đều gặp khó | ảnh 2
Bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản được các chuyên gia dự báo có thể kéo dài đến quý II năm 2012. Ảnh: Vũ Lê.

Theo ông Đực, đối với doanh nghiệp phát triển địa ốc, tầm quan trọng của mức lãi suất cao hay thấp chiếm 10%, được vay hay không được vay chiếm 20% và bán được hàng hay không chiếm 70%. Song muốn bán được căn hộ cũng lệ thuộc ít nhiều vào lãi suất vì hầu hết khách hàng đều có nhu cầu vay tiền mua nhà.

Ông cho biết thêm, thị trường bất động sản chưa giờ gặp vận "đen" như hiện nay. Nhiều công trình ngưng hoạt động, có dự án vừa làm xong móng thì ngừng thi công. Thậm chí có nhiều công trình đã bán 40% sản phẩm (60% còn lại không bán được hàng), khách đóng 70% giá trị căn hộ nhưng ngân hàng đóng cửa nên chủ đầu tư vẫn không đủ tiền thực hiện dự án.

Chuyên gia này cho rằng, bên cạnh yếu tố thiếu vốn, lãi suất cao, thị trường lâm vào tình cảnh hiện nay là do hệ thống sản phẩm bị sai đối với nhu cầu thực sự của thị trường. Hiện nay tỷ lệ căn hộ cao cấp trên thị trường bất động sản quá lớn, không phù hợp với nội lực của nền kinh tế và khả năng tài chính của người dân.

Theo quan điểm của ông Đực, so với tình hình kinh tế đất nước và thu nhập của người dân Việt Nam, thị trường cần điều tiết 60% lượng căn hộ giá trung bình thấp, 30% nhà giá trung bình khá và 10% là nhà cao cấp.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Techcomreal Nguyễn Xuân Lộc cho rằng, thông tin giảm lãi suất từ giữa tháng 9 dù không ưu tiên cho bất động sản nhưng đã mang lại ý nghĩa giải tỏa tâm lý đối với người mua nhà và doanh nghiệp địa ốc. Điều này giúp những người tham gia thị trường địa ốc nuôi hy vọng lãi suất hạ để có thể tiếp cận vốn vay trong thời gian tới. Tuy nhiên nếu tình trạng lãi suất cao và khó vay vốn kéo dài thì thị trường căn hộ càng lâm vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan và gây khó khăn cho những chủ đầu tư phát triển căn hộ.

Ông Thiện cho rằng: "Tín dụng bất động sản không nhất thiết phải thả lỏng nhưng cần linh hoạt giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là ưu tiên cho các dự án có tính khả thi cao và đang trong quá trình hoàn thiện".

(Theo VnExpress)

  • 0
  • By Admin
  • 23/09/2011
  • 17