• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp địa ốc "bị quây" tứ phía

“Ông lớn” Sông Đà Thăng Long (STL) - chủ đầu tư Dự án Usilk City đình đám một thời vừa thông báo đến các cổ đông khoản lợi nhuận trước thuế quý I/2012 là âm 13,35 tỷ đồng; tỷ lệ nợ trên tổng tài sản lên đến 96%. Tính đến cuối quý I/2012, dư nợ của STL, theo báo cáo tài chính, là khoảng 3.103 tỷ đồng, trong đó 1.600 tỷ đồng là trái phiếu (nợ dài hạn), còn lại đa phần là nợ ngân hàng với nhiều khoản đã đáo hạn.

Một “đại gia” khác trong làng địa ốc phía Nam là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG), với hàng loạt dự án bất động sản tại Tp.HCM, cũng đang phải đối mặt với khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản sắp đáo hạn. Tổng cộng, từ nay đến cuối năm 2012, QCG phải trả nợ ngân hàng hơn 214 tỷ đồng.

Doanh nghiệp địa ốc "bị quây" tứ phía | ảnh 1

Theo ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hoạt động đầu cơ tràn lan, kéo dài, kinh doanh không theo quy luật cung cầu, hội chứng “làm giá” vật liệu xây dựng trong những năm 2007 - 2009 là nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường địa ốc “tụt dốc”. Tiếp đó, hàng loạt vụ lừa đảo, kiện tụng, phá giá thị trường… trong các năm 2010 – 2011, khiến niềm tin của giới đầu tư địa ốc suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến việc doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với tình thế muôn vàn khó khăn như hiện nay.

Trong tình cảnh hiện tại, có thể nói, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với những khoản nợ “khủng” đã và sắp đáo hạn, sẽ rất khó xoay sở, khi các nguồn tiền, nếu có về tài khoản, cũng sẽ bị ngân hàng “gom” ngay lập tức. Việc giải ngân cho các nhà thầu thúc đẩy thi công xây dựng dự án, vì thế sẽ càng khó khăn và sức ép đòi nhà từ khách hàng cũng sẽ căng thẳng hơn.

Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu đã phải “đâm đơn” ra toà mong vớt vát vốn liếng sau khi đã thực hiện thi công các hạng mục dự án cho chủ đầu tư. Điển hình là vụ việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) khởi kiện Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZLand) để đòi lại hơn 2 tỷ đồng mà Long Giang Land thực hiện thi công Dự án chung cư Vân Canh Tower (Hoài Đức, Hà Nội) do AZLand làm chủ đầu tư. Vụ kiện được tiến hành từ tháng 3/2012, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cuối năm 2011, Công ty TNHH Phát triển công nghiệp năng lượng cũng đã gửi đơn “kêu cứu” đến các cơ quan báo chí “tố” Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Sông Đà (SDU) chây ỳ việc trả nợ số tiền hơn 11 tỷ đồng thi công lắp đặt hệ thống điều hoà, thông gió tại Dự án Toà nhà hỗn hợp Sông Đà Hà Đông. Nhưng đến nay, nhà thầu vẫn chưa đòi được hết tiền từ phía chủ đầu tư dự án.

Một sức ép cũng vô cùng căng thẳng với chủ đầu tư các dự án là sự thúc ép tiến độ giao nhà từ phía người mua. Thị trường khó khăn, những người bỏ tiền mua nhà đang cảnh giác hơn với các động thái của chủ đầu tư. Nhất cử nhất động tại các dự án bất động sản bị giám sát gắt gao.

Vừa qua, hàng chục khách mua nhà tại Dự án AZ Vân Canh Tower (Hoài Đức, Hà Nội) đã “bao vây” trụ sở Công ty AZLand, chủ đầu tư dự án tại số 58 - Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, để yêu cầu trả lại tiền cho khách hàng do dự án chậm trễ thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư nhiều dự án chung cư tại Khu đô thị Mỗ Lao, Văn Quán, Vân Canh… cũng đang phải tìm cách trốn tránh khách hàng trước hàng loạt câu hỏi về tiến độ thực hiện dự án mà người mua đã bỏ tiền ra mua “nhà trên giấy”.

(Theo Đầu tư)

  • 0
  • By Admin
  • 28/06/2012
  • 17