• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp địa ốc: Khó khăn chồng chất

Trăm đường khó khăn

Những khó khăn của doanh nghiệp địa ốc đã được báo chí đề cập tới rất nhiều. Trong thời gian gần đây, tình hình không những không được cải thiện mà khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

Doanh nghiệp địa ốc: Khó khăn chồng chất | ảnh 1

Trong báo cáo mới nhất của UBND Thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành xây dựng trên địa bàn gặp khó khăn, nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng và ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt ...

Với các công ty bất động sản, tiếp cận vốn là một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu. Tuy nhiên, ông Mai Viết Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng GMT Hà Nội cho rằng bên cạnh vốn, công việc mới là vấn đề báo động. Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm, dự án cơ sở hạ tầng,… đều bị dừng lại khiến không ít doanh nghiệp “ngồi chơi xơi nước”. Công việc ít đi mà doanh nghiệp vẫn phải trả lương nhân viên và các chi phí cố định khác khiến hoạt động kém hiệu quả.

Trong công việc, nhân lực đóng vai trò quan trọng mang tới thành công cho doanh nghiệp lại rất khó tìm.

Những nhân sự giỏi, có năng lực và chuyên nghiệp đã bị các dự án nước ngoài chiếm dụng với mức lương cao. Số nhân công còn lại gần như không chuyên nghiệp, chỉ mang tính thời vụ. Lúc nhân công nhàn rỗi thì doanh nghiệp chưa có việc. Tới khi doanh nghiệp triển khai dự án thì nhân công lại bận… làm nông nên đôi lúc chủ đầu tư tìm bở hơi tai không tìm được người phù hợp. Thời điểm khan hiếm nhân công diễn ra từ tháng 4 tới tháng 6 và từ tháng 9 tới tháng 10, khoảng thời gian trùng với thời vụ của nông dân.

Ông Hùng cho biết chi phí tăng cao cũng là một trong các khoản “hành” doanh nghiệp. Trong thời gian qua, lạm phát khiến chi phí như chi phí mặt bằng, chi phí nhân công, chi phí tài chính (lãi suất), chi phí máy móc không ngừng tăng cao.

Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ra công bố hạ lãi suất các khoản nợ cũ xuống 15% kể từ ngày 15/7 vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc kì vọng sẽ giúp giảm được phần chi phí cho lãi suất.

Cần phải nói thêm, trong các doanh nghiệp bất động sản, chi phí lãi suất là rất lớn. Tuy nhiên ông Hùng xác định, muốn chi phí hạ nhiệt, cần phải có quá trình, có độ trễ nhất định.

Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô cũng nhấn mạnh vào chi phí lãi suất. Ông Kiên cho biết, chủ đầu tư phát triển xây dựn dự án bất động sản, đôi khi có đất rồi vẫn tính phải tính đến các yếu tố như thanh khoản, chi phí vốn, lãi suất.

Trong thời gian qua, lãi suất dù đã giảm vẫn đắt đỏ. Ông Kiên cho biết đặc thù của ngành bất động sản là khi triển khai dự án dù có trị giá 100 tỷ hay 1.000 tỷ, thì cơ cấu vốn vẫn thường là 10% vốn chủ sở hữu, 40% vốn vay ngân hàng và  50% vốn huy động từ khách hàng. Trong đó, vốn vay từ ngân hàng phải  trả lãi với tỷ lệ khá lớn.

Hiện tại 50% vốn từ khách hàng rất khó huy động khi thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp chỉ trông cậy vào ngân hàng với chi phí đắt đỏ.

6 tháng chưa lĩnh lương

Ông Mai Viết Hùng cho biết thời gian qua doanh nghiệp bất động sản nói chung và GMT nói riêng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do đã lường trước được tình hình, GMT đã chủ động tính toán, co kéo để đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên. Bộ máy hoạt động của GMT khá gọn nhẹ nên chi phí phát sinh nằm trong tầm kiểm soát. GMT luôn cố gắng duy trì thu nhập cho nhân viên ổn định như mọi năm và lương thưởng không bị chậm.

Ông Trương Chí Kiên chia sẻ Tập đoàn Him Lam Thủ đô không gặp nhiều khó khăn đế n vậy nên vẫn đảo bảo thu nhập cho nhân viên. Tuy nhiên, ông Kiên khẳng định rất nhiều rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó trong việc trả lương, chứ chưa nói tới thưởng.

Một doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn Hà Nội vẫn đều đặn báo cáo lãi hàng quý nhưng không ít kỹ sư đang nhận mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói, dù lương thấp như vậy nhưng 6 tháng nay công ty vẫn nợ lương.

Ông Hùng tếu táo: “Với mức lương như vậy, thà nghỉ việc đi làm xe ôm, thu nhập có khi còn khá hơn. Chứ 1,8 triệu đồng thì không thể nuôi thân đừng nói tới nuôi vợ con”.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc một công ty xây dựng tư nhân chia sẻ, từ tháng 10/2011 đến nay, công ty giảm 30% nhân sự. Những người ở lại chỉ được nhận 50% lương, do công ty không nhận được công trình nào.

Năm 2011, có thời điểm công ty chỉ có thể tạm ứng một ít cho người lao động, chứ không thể trả hết 1 lần. Tình hình này kéo dài sang đầu năm nay.

Anh Nguyễn Văn Cường, nhân viên thử việc của một Viện chia sẻ anh làm việc 5 tháng không lương mà chưa được ký hợp đồng chính thức. Thu nhập của anh chủ yếu là từ công việc được giao, làm tới đâu nhận tiền tới đó. Anh Cường chia sẻ có đồng nghiệp của anh làm 2 năm vẫn chưa thoát khỏi phận cộng tác viên.

Cũng tại Viện này, lương thưởng biến động theo biểu đồ hình sin. Khi nhiều việc, thu nhập nhân viên dao động khoảng 8 tới 9 triệu đồng/tháng. Khi ít việc, thu nhập chỉ dừng lại ở lương cơ bản 2,5 triệu đồng. Sau khi trừ đi bảo hiểm và công đoàn, người lao động chỉ được nhận khoảng 2 triệu. Mà trong thời gian này, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, tìm được dự án là công việc vô cùng khó khăn của Viện. Tình trạng chậm lương cũng diễn ra khá… đều. Tuy nhiên, Viện vẫn tạm ứng một chút cho nhân viên khi tiền chưa về.

Chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ trước kia chị làm việc cho công ty xây dựng N.T ở Hoàng Mai (Hà Nội). Tuy nhiên do công ty nợ lương nên chị phải tìm việc khác. Bây giờ, dù nghỉ việc đã gần 1 năm nhưng chị vẫn chưa đòi được dù chỉ 1 đồng.

(Theo VTC)

  • 0
  • By Admin
  • 18/07/2012
  • 17