• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp bắt tay tiếp sức cho dự án BĐS

Dự án căn hộ Lucky Apartment (quận Tân phú, Tp.HCM) vừa được khởi động trở lại vào giữa tháng 10 sau một thời gian bị đình trệ. Lucky Apartment do Công ty Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2010 và dự kiến bàn giao căn hộ vào quý I/2012. Thế nhưng, thị trường ảm đạm cộng với việc khó tiếp cận vốn đã khiến cho chủ đầu tư không thể hoàn thiện dự án để bàn giao nhà đúng tiến độ.

Lối thoát đã mở ra cho Lucky Apartment khi Công ty Bất động sản Nam Việt hợp tác với Công ty Phúc Hậu Tứ Hải đầu tư thêm 102 tỉ đồng, mỗi bên góp 50%. Đổi lại, Công ty sẽ được độc quyền phân phối dự án này. Lucky Apartment gồm 2 khối nhà cao 15 tầng với khoảng 300 căn hộ có diện tích từ 54-100 m2. Hiện nay, công trình này đã được xây tới tầng thứ 11 và dự kiến sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2013.

Doanh nghiệp bắt tay tiếp sức cho dự án BĐS | ảnh 1
Dự án chung cư 27 Trường Chinh tại quận 12, Tp.HCM.

Một thương vụ khác cũng theo kiểu tiếp sức là hợp tác giữa Công ty Kim Tâm Hải với Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Bất động sản Hưng Thịnh trong dự án chung cư 27 Trường Chinh (quận 12, TP.HCM). Dự án gồm khối chung cư cao 16 tầng với 168 căn hộ có diện tích từ 70-116 m2.

Dự án được khởi công từ tháng 10.2009, dự kiến bàn giao nhà vào quý I/2012. Công ty Kim Tâm Hải đầu tư vào đây khoảng 200 tỉ đồng, đã xong phần thô và cũng đã cất nóc dự án. Tuy nhiên, đến khâu hoàn thiện, chủ đầu tư đã đuối sức khi mới chỉ thực hiện tới tầng thứ tám và phải hợp tác với Hưng Thịnh để hoàn thành Dự án.

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh, cho biết Công ty sẽ đầu tư khoảng 40 tỉ đồng và cùng với công ty thành viên Hung Thinh Construction giúp chủ đầu tư hoàn thành Dự án. Đồng thời, cũng sẽ phụ trách khâu tiếp thị và bán khoảng 80 căn hộ còn lại của chung cư này.

Nổi bật nhất trong số những vụ hợp tác đầu tư theo kiểu tiếp sức có lẽ là trường hợp của Công ty Địa ốc Hoàng Quân. Kể từ giữa năm 2012, công ty này liên tục chào bán các dự án căn hộ mang thương hiệu Cheery. Đây là những dự án đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm trước với tên gọi khác nhau.

Ví dụ như Cheery 2. Dự án này trước đây có tên là Võ Đình Apartment, tọa lạc trên đường Lê Văn Khương (quận 12), do Công ty Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 11.2008, nhưng sau đó phải nằm đắp chiếu. Vì thế, Hoàng Quân đã bắt tay với Đạt Gia và Dự án đã được chào bán trở lại vào tháng 6.2012.

Sau Cheery 2, Hoàng Quân tiếp tục hợp tác với Công ty Thương mại Hóc Môn để khởi động lại dự án Trung tâm Thương mại - Căn hộ Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và đổi tên thành Cheery 3. Dự án này được khởi công từ tháng 4.2010, nhưng sau đó đã dừng lại vì thiếu vốn.

Gần đây, Hoàng Quân cho biết đã hợp tác với Công ty Đạt Gia để đầu tư phát triển Dự án Cheery 4 Apartment. Tiền thân của Cheery 4 là Babylon Residence (Thủ Đức), được xây dựng vào tháng 6.2009 và từng chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, kế hoạch bán hàng của chủ đầu tư bị thất bại và việc xây dựng cũng bị ngưng trệ theo.

Theo bà Huỳnh Kim Đoan, Tổng Giám đốc Công ty Eden Real, những vụ hợp tác đầu tư này thực chất là mua sỉ để bán lẻ. Có 2 dạng hợp tác. Một là nhà phân phối đóng tiền theo tiến độ dự án, song song đó kêu gọi người mua góp vốn. Thứ hai, nhà phân phối trả tiền một lần cho chủ đầu tư, sau đó tự đi tìm khách hàng để bán.

“Dù hình thức nào thì cũng đều mang lại rủi ro cao cho nhà phân phối. Trước đây, Eden Real từng tính đến cách làm này nhưng sau đó thấy rủi ro quá nên không làm”, bà Đoan cho biết. Rủi ro, theo bà Đoan, là do nhà phân phối chỉ là đơn vị hợp tác đầu tư nên không thể chủ động kiểm soát tiến độ, chất lượng của dự án và vì thế cũng mà khó kiểm soát được việc đóng tiền của người mua nhà.

Cũng thừa nhận có rủi ro với phương thức kinh doanh này, nhưng ông Minh, Công ty Hưng Thịnh, cho biết Công ty đã thẩm định kỹ dự án 27 Trường Chinh và xác định dự án này có mức độ rủi ro cực thấp. “Không phải dự án nào cũng có thể thực hiện được phương thức trên, bởi sẽ khó thu hút khách hàng nếu dự án không nằm ở địa điểm tốt và nhất là không cho thấy khả năng hoàn thành”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Minh, cũng có cách kiểm soát được dòng tiền của khách hàng. Cụ thể, Hưng Thịnh sẽ lập ra một tài khoản riêng. Khi khách hàng nộp tiền mua căn hộ thì tiền đó sẽ được chuyển vào tài khoản này và tiền chỉ được chi cho việc hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, Hưng Thịnh cũng chuẩn bị sẵn tiền để rót vào trong trường hợp khách hàng không đóng tiền đúng tiến độ.

"Đây là một giải pháp hay cho những dự án tốt nhưng đang thiếu vốn. Nó không chỉ có lợi cho chủ đầu tư, giúp họ giao nhà đúng tiến độ, mà còn giúp sàn giao dịch có được sản phẩm với giá bán phù hợp nhu cầu thị trường", ông Minh cho biết.

“Cần có tiêu chí rõ ràng phân loại hàng tồn kho”
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ

Muốn giải quyết vấn đề hàng tồn kho bất động sản, trước hết phải có tiêu chí phân loại rõ ràng. Tôi cho rằng, một sản phẩm bất động sản được gọi là tồn kho khi đã hoàn thiện và có thể bàn giao cho khách hàng vào ở được ngay, nhưng lại không bán được. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, loại sản phẩm này không nhiều. Nếu có tồn kho chỉ là những trường hợp đặc biệt và nằm ở phân khúc chung cư cao cấp, diện tích quá lớn, chưa kết nối hạ tầng… Đối với loại hàng tồn kho này thì không thể giải cứu.

Một dạng tồn kho khác với số lượng rất lớn là những căn hộ thuộc dự án đã làm xong móng và đủ điều kiện bán hàng, nhưng do thị trường đóng băng nên không bán được. Đây chính là nhóm sản phẩm lớn nhất và cần “giải cứu” nhất hiện nay. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phân loại để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Tôi cho rằng, đối với những dự án đã xây xong hoặc sắp xong phần thô, nhưng hết vốn để triển khai tiếp thì các tổ chức tín dụng nên xem xét cho vay. Còn đối với các dự án mới khởi công hoặc chưa làm gì, thì nên xem xét dừng triển khai để tránh những thiệt hại cho khách hàng và cả chủ đầu tư.

“Liên kết là giải pháp vượt khó”
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH)

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư, thì việc cùng nhau liên kết, hợp tác được xem là một giải pháp để vượt khó. Một doanh nghiệp có đất, nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm thì khó thực hiện tốt được dự án, nhưng khi hợp tác với doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, thì sẽ tập hợp thành sức mạnh tổng hợp phát triển dự án tốt hơn.

Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được khá nhiều lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hợp tác được, mà chỉ có thể hợp tác với các đối tác có sự tương đồng về năng lực, văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt là sự công khai, minh bạch, tin tưởng lẫn nhau trong suốt quá trình hợp tác. Xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh thời gian tới.

“Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các ngân hàng”
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Từ các khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị và đề xuất các giải pháp tháo gỡ tình trạng hàng tồn kho cho doanh nghiệp để thị trường năm 2013 có cơ hội phục hồi. Cụ thể:

Thứ nhất, các ngân hàng tăng cường cho vay và ưu đãi lãi suất đối với các dự án bất động sản dở dang khi các doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường. Cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp liên quan tương tự như “Gói 4 nhà” của BIDV.

Thứ hai, cần xem xét việc hoãn và giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp có tồn kho lớn.

“Doanh nghiệp bắt tay sẽ tạo tính thanh khoản cho thị trường”
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh

Không thể phủ nhận thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở luôn có thực và rất lớn. Đất Xanh với lợi thế có hệ thống phân phối rộng khắp, có công ty chuyên về xây dựng nên kiểm soát được đầu vào, giúp đầu ra của sản phẩm luôn có giá hợp lý và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, đối tác nào có dự án căn hộ có giá trị trung bình đang xây dựng dở dang cần hỗ trợ, Đất Xanh luôn sẵn sàng hợp tác để cùng nhau phát triển. Với một thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay, những cái bắt tay của doanh nghiệp, không chỉ có lợi cho các chủ đầu tư mà còn giúp thị trường tạo được tính thanh khoản

(Theo NCĐT,ĐTCK)

  • 0
  • By Admin
  • 26/10/2012
  • 17