• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp bất động sản thời lạm phát

Doanh nghiệp bất động sản thời lạm phát
 

Thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát là việc cần thiết cho nền kinh tế nói chung nhưng kèm theo đó là những tác động không nhỏ, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Các ảnh hưởng được nêu ra: Thứ nhất, làm cho lượng vốn đổ vào thị trường giảm sút, trong khi đó những đặc trưng cơ bản của BĐS là giá trị lớn nên khi thiếu vốn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Thứ hai, làm giảm lượng cung BĐS ra thị trường. Thứ ba, làm chậm tiến độ môt số dự án. Thứ tư, làm tăng một số chi phí đầu vào. Thứ năm, làm giảm sự sôi động của thị trường.

TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW phân tích, đến cuối năm 2007, tổng số dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng với thị trường BĐS ở mức khoảng trên 100 ngàn tỉ đồng, cả hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS đều đã dự báo được mức lãi phải trả. Vấn đề là khi lãi suất ngân hàng tăng lên (dưới tác động của lạm phát, chống lạm phát), mức tăng lãi suất trung bình khoảng 5%, các đối tượng trên vô hình chung đã phải chịu thêm khoản lãi ngoài dự toán là 5 ngàn tỉ đồng. Cùng với việc phải tăng chi phí cho lãi suất ngân hàng, thì các hoạt động giao dịch BĐS trở nên trầm lắng trên cả thị trường, giá giảm nhưng giá nguyên, vật liệu lại có xu hướng gia tăng làm tăng chi phí đầu vào. Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS đối mặt với nguy cơ lỗ khi tiến hành thi công.

Trong khi các nhà đầu tư BĐS trong nước đang thiếu vốn thì hệ thống ngân hàng lại có xu hướng giảm tín dụng đối với các đối tượng đi vay đề đầu tư, kinh doanh BĐS. Như vậy, hoạt động bên cung ở trong nước trên thị trường BĐS hiện tại sẽ có xu hướng giảm, đi kèm với nó là những thay đổi, chuyển hướng trong chính nhóm này để một mặt nhằm giãn được thời gian đáo hạn của các khoản vay từ ngân hàng, mặt khác tăng thêm nguồn vốn để triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án. Bên cạnh đó còn xuất hiện xu hướng chuyển nhượng, hợp tác, thậm chí bán trọn gói dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam ngày càng tăng là cơ hội “thoát hiểm”cho những doanh nghiệp không còn phương án nào khác nhưng cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư BĐS trong nước.

Theo TS Trần Kim Chung, “kịch bản” tốt nhất cho thị trường BĐS từ nay đến năm 2009 là kinh tế vĩ mô ổn định, các dự án BĐS sẽ hồi phục và đi lên. Kịch bản trung bình, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường vẫn diễn biến trầm lắng nhưng ngân hàng cho đình hoãn, giãn tiến độ đòi trả lãi và thu hồi vốn tín dụng. Khi đó các doanh nghiệp BĐS sẽ phải tái cơ cấu danh mục đầu tư nhưng vẫn duy trì được những phần lợi ích trung bình. “Kịch bản” xấu nhất là kinh tế vĩ mô không có chuyển biến tích cực, kinh tế thế giới không có tín hiệu khả quan, ngân hàng thúc ép thu hồi vốn. Tuy nhiên, kể cả khi kịch bản tốt nhất xảy ra thì doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn sẽ mất một phần lợi ích trong đầu tư và tái cơ cấu chờ thị trường đi lên. Nếu là kịch bản trung bình thì dự báo thị trường sẽ mất khoảng 6 tháng điều chỉnh những khó khăn, mất mát về lợi ích. Nếu kịch bản xấu thì các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khả năng suy giảm thanh khoản trong các dự án và danh mục đầu tư; nhiều doanh nghiệp sẽ phải chuyển nhượng các dự án đang triển khai...

Trước những khó khăn hiện nay, các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh BĐS cần thực hiện đa dạng hóa các kênh huy động vốn; rút ngắn thời gian thực hiện dự án; tiết kiệm chi tiêu, thời gian; đồng thời đẩy mạnh sáng tạo, tìm tòi các nguyên, vật liệu thay thế, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động, góp phần giảm thiểu chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động (về nhân lực, các chính sách marketing, các dịch vụ đi kèm...). Ngoài ra, không thể thiếu những giải pháp từ phía Nhà nước như: hoàn thiện cơ chế chính sách và rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục hành chính…

 Theo Kinh tế Đô Thị

  • 0
  • By Admin
  • 06/08/2008
  • 17