Doanh nghiệp bất động sản tăng vốn: Canh bạc lớn?
Các công ty BĐS vẫn đang rầm rộ mùa đại hội cổ đông, và không ít doanh nghiệp đã niêm yết đua nhau công bố các kế hoạch tăng vốn, nhằm đón đầu cơ hội khi thị trường BĐS hồi phục. Theo đó, đa phần các doanh nghiệp dùng hình thức phát hành cổ phiếu cho các cổ đông (gồm cả hiện hữu, riêng lẻ và chiến lược). Tuy vậy, việc săn vốn rẻ từ kênh chứng khoán không thể thực hiện lúc nào cũng được.
Đơn cử, dịp đầu năm nay, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) tổ chức chào bán trên 30 triệu cổ phiếu ra công chúng (mệnh giá 10.000 đồng/CP). Nhưng trong đợt đầu tiên, số nhà đầu tư tham gia đặt mua chỉ đạt 54 người với 21.774 cổ phần. Như vậy, trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, Sacomreal chỉ phân phối thành công khoảng 0,07% số lượng cổ phiếu.
Chỉ đến khi có 5 nhà đầu tư lớn đồng ý mua toàn bộ số cổ phần còn lại, tương đương trên 30 triệu cổ phiếu với tổng số tiền tương ứng khoảng trên 300 tỷ đồng thì Sacomreal mới hoàn tất quá trình chào bán.
Khác với Sacomreal, nhiều doanh nghiệp khác có dự định phát hành cổ phiếu tăng vốn muộn hơn (khoảng quý II-III/2015) nhưng số đơn vị chắc chắn hoàn thành 100% kế hoạch chiếm rất ít. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng thông qua việc chào bán tổng cộng 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, nhà đầu tư chiến lược (gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) với mệnh giá 19.000-21.000 đồng/CP. Nam Long dự kiến thu về số tiền khoảng 300 tỷ đồng. Tuy vậy, dù có lợi thế về thương hiệu và khá dày dạn kinh nghiệm trong việc săn dòng vốn rẻ, nhưng theo Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long - ông Nguyễn Xuân Quang, hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa thể “chốt” được nhà đầu tư nào mà chỉ đang tìm hiểu và đàm phán các phương án với đối tác.
Hàng loạt doanh nghiệp BĐS dù quy mô nhỏ hay lớn cũng đều mạnh dạn tham gia cuộc đua tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu. Mặc dù có quy mô khá nhỏ trong ngành địa ốc nhưng Thăng Long Invest Group cũng dự định tăng vốn từ 265 tỷ đồng lên thành 680 tỷ đồng trong năm nay.
Đất Xanh cũng tính kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.062 tỷ đồng lên con số 1.172 tỷ đồng. Còn Công ty CP Đầu tư Thương mại BĐS An Dương Thảo Điền thì dự định tăng vốn gấp đôi trong năm 2015. Cụ thể, công ty sẽ phát hành tổng cộng 54,59 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc đối tác, mục tiêu đến giữa năm nay sẽ tăng vốn điều lệ lên thành 1.092 tỷ đồng.
2014 là thời điểm tăng vốn rất tốt nhưng rất nhiều doanh nghiệp BĐS đã bỏ lỡ. Ảnh: Vũ Lê |
Phát Đạt với quy mô lớn hơn một chút cũng tính sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.302 tỷ đồng lên thành 2.018 tỷ đồng trong năm 2015 thông qua phát hành cổ phiếu như các đơn vị. Trong khi đó, địa ốc Hoàng Quân có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên thành 4.000 tỷ đồng bằng cách phát hành tổng số 63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 137 triệu cổ phiếu hoán đổi (với các công ty con) để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ sở hữu lên 100%.
Cá biệt, Công ty CP Tập đoàn FLC dù đã tăng vốn điều lệ lên 3.748 tỷ đồng trong năm 2014 nhưng năm nay, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục lập kế hoạch phát hành cổ phiếu với mục tiêu tăng vốn điều lệ lên tới 8.400 tỷ.
Được biết, dù phần lớn các đề xuất tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu đều được thông qua nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng vốn liên tục từ những đợt phát hành này có thể sẽ khiến cổ phiếu của các công ty bị pha loãng.
Về đề tài này, ông Võ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Phát Hưng từng bị cổ đông chất vấn và đưa ra giải thích, chính vì vốn thấp nên cơ hội đầu tư và phát triển của doanh nghiệp đã bị hạn chế, do đó tăng vốn là kế hoạch chính đáng, mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Ông Tuấn cũng phân tích, phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu vẫn có lợi hơn so với đi vay ngân hàng. Lãi suất phổ biến hiện nay trên thị trường từ 10-12%, những mức lãi suất thấp thường không ổn định. Phía công ty cũng từng bị rủi ro vì sập bẫy lãi suất thấp, hậu quả là phải gồng gánh trả lãi dần. Do đó, theo ông Tuấn, "cách chuẩn bị tốt nhất cho chu kỳ BĐS mới là phải có sẵn tài chính trong tay và phương án hiệu quả nhất vẫn là tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh - chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Bản Việt thì "tăng vốn thông qua kênh chứng khoán vào thời điểm này (khoảng đầu và giữa năm nay) có phần khá muộn màng".
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, lẽ ra, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2014 với thanh khoản cao, diễn biến sôi động và rất lạc quan thì các doanh nghiệp địa ốc phải nắm bắt thời cơ mà hành động ngay. Khi thời điểm này qua đi thì cơ hội săn vốn rẻ cũng thu nhỏ lại.
Ông Minh đánh giá, năm 2015, hàng loạt các công ty rầm rộ phát hành cổ phiếu tăng vốn càng khiến cho đường đua thêm phần ngột ngạt. Trong khi đó, quá trình IPO của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cổ phần hóa diễn ra khá nhiều khiến nguồn cung trên thị trường vốn dồi dào hơn, từ đó làm cho cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng phân tích, việc tăng vốn của các doanh nghiệp địa ốc trong năm nay khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn 2007-2008. Dù cùng một hành vi nhưng thực ra, bản chất của 2 giai đoạn này không giống nhau. Cụ thể, trước đây các doanh nghiệp tăng vốn nhằm mục đích thu lợi từ giá cổ phiếu cao (thành công thì hưởng lãi to nhưng thất bại cũng chẳng sao) thì hiện nay doanh nghiệp tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư thiết thực, và là chiến lược sống còn của họ.
Thời điểm năm 2007, khi cần vốn, các doanh nghiệp BĐS (khi đó phần lớn có quy mô vừa và nhỏ) có thể dễ dàng vay ngân hàng vì chính sách tiền tệ khi đó đang dễ dãi. Nhưng hiện nay, bản thân các công ty buộc phải tự đi bằng đôi chân của chính mình, phải tự xoay sở bằng nhiều cách khác nhau nhằm mở rộng quy mô. Khi xây dựng được quy mô lớn mạnh, thương hiệu vững, uy tín cao thì họ mới có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn thông qua các kênh khác nhau như phát hành cổ phiếu, trái phiếu và vay vốn ngân hàng.
Còn với những công ty đại chúng, nếu họ huy động vốn từ chứng khoán thành công cũng có nghĩa sức khỏe doanh nghiệp đã được bảo chứng. Thông thường, với các doanh nghiệp tốt, các quỹ đầu tư bao giờ cũng đánh hơi trước và nhập cuộc rất nhanh chóng. Ngược lại, những đơn vị yếu kém hoặc đang gặp phải vấn đề đương nhiên rất dễ rơi vào cảnh chỉ có thể chào bán được cho cổ đông nội bộ, thậm chí còn ế cả cổ phần.
Ông Hiển nhấn mạnh: "Trường hợp doanh nghiệp không thể huy động được vốn từ kênh phát hành cổ phiếu thì họ còn các lựa chọn khác, đó là phát hành trái phiếu, vay vốn ngân hàng hoặc tìm kiếm sự bảo lãnh của các công ty chứng khoán, tuy nhiên các cánh cửa này cũng thu hẹp dần".
Trong trường hợp không thể huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu, các công ty bất động sản chỉ còn cách tìm đối tác hợp tác đầu tư (lợi thế không cao bằng tự đầu tư) cũng như cậy nhờ sự bảo lãnh của các công ty chứng khoán sẽ bị ép giá. Theo ông Hiển, về lâu về dài nếu không thể mở rộng quy mô từ việc tăng vốn, nhiều khả năng các doanh nghiệp này bị tụt hậu so với doanh nghiệp cùng ngành, sức cạnh tranh yếu.
Theo giới phân tích, sự hồi phục của thị trường địa ốc chỉ mới ở bước đầu và cũng rất khó lường. Như đánh giá của TS Võ Trí Thành thì thị trường địa ốc vẫn còn đầy tiềm năng trong nửa thập niên tới (giai đoạn 2015-2020). Tuy nhiên, ông Thành cũng khuyến cáo, nhà đầu tư không nên lơ là nợ xấu và cần phải giám sát chặt bong bóng BĐS để có thể hạn chế rủi ro. Đối với các doanh nghiệp, cần phải hạn chế phát triển "nóng" trước khi quá muộn.
- 0
- By Admin
- 15/05/2015
- 17