• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp bất động sản "nín thở chờ thời"

Dự án dở dang không có vốn tiếp tục triển khai, trong khi đó giá BĐS và khối lượng giao dịch đều sụt giảm mạnh. Hiện nay, những doanh nghiệp có dự án dở dang gặp nhiều khó khăn về vốn.

Tiềm năng là rất lớn nhưng những thách thức hiện thời không dễ vượt qua, doanh nghiệp đang phải “nín thở chờ thời”. Với những dự án chưa triển khai, nhiều doanh nghiệp chọn cách tạm dừng để chờ cho những chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS và Nhà đất Việt Nam cho biết, với kênh huy động vốn từ khách hàng thì có hai cách. Một là huy động vốn theo hợp đồng mua bán nhà ở trong tương lai. Hai là huy động vốn theo kiểu góp vốn để xây dựng, sau này được chia lợi nhuận hoặc được quyền mua nhà và bây giờ chúng ta đang làm theo cách ấy.

Trên thế giới, người ta còn khuyến khích huy động vốn từ các nguồn khác. Ví dụ như từ các quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tiết kiệm nhà ở, trái phiếu công trình. Vấn đề phát hành trái phiếu ở Việt Nam cũng đã được luật pháp quy định.

Trái phiếu doanh nghiệp (hay gọi tắt là trái phiếu) được hiểu là một loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu khi đến hạn. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay.

Người mua trái phiếu cũng phải tìm hiểu kỹ năng lực của công ty cũng như chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau này một phần hoặc toàn bộ trái phiếu tùy theo thỏa thuận được chuyển thành tiền đặt cọc hoặc tiền góp vốn mua căn hộ.

Theo ông Nam, tất nhiên Nhà nước cũng phải có khung pháp lý minh bạch trong vấn đề này. Thủ tướng vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và BĐS.

Điểm đáng chú ý là Ban chỉ đạo này có sự tham gia của nhiều Bộ ngành, bởi trên thực tế vấn đề BĐS liên quan đến nhiều lĩnh vực như tín dụng, thuế, đất đai rồi cơ chế tài chính… Như vậy, sự chỉ đạo sẽ đồng bộ và tập trung hơn thông qua các chính sách và công cụ điều hoà hài hoà, toàn diện hơn.

Ông Nam đánh giá, khi thực hiện phương thức chống lạm phát, trong ngắn hạn, thị trường bị chững lại và các doanh nghiệp BĐS chắc còn nhiều khó khăn, nhưng về lâu dài thị trường sẽ hồi phục.

Thực ra, nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị Việt Nam trong hiện tại và tương lai là rất lớn. Hiện nay, nhà ở đô thị mới đạt 11m2/người, chúng ta phấn đấu đến 2011 khoảng 14m2/người, ở các đô thị nước ta hiện có 22 triệu người, nếu cứ tăng thêm 1m2/người thì phải có thêm 22 triệu m2 sàn.

Theo như thống kê của Ngân hàng Thế giới, thị trường Nhà ở và BĐS sẽ phát triển mạnh mẽ đến khi mức thu nhập bình quân trên đầu người đạt 8.000 -10.000USD. Trong khi đó, đến nay mức GDP của Việt Nam mới chỉ đạt được 800 -1000USD/người.

Nói đến nhà ở thì phải nói đến rất nhiều loại hình, đặc biệt là nhà ở cho thuê, chúng ta chưa có thị trường này. Vì nhà ở nhu cầu vốn rất lớn, cho thuê thì thời hạn kéo dài nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp, vì vậy mà Nhà nước cũng khuyến khích các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, vốn ngân hàng, vốn trong dân để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở cho thuê.

Ông Đặng Hoàng Vũ, TGĐ công ty Địa ốc Thanh Bình cũng cho rằng, với tình hình như hiện nay, trong ngắn hạn thì các doanh nghiệp phải tự xoay xở và chờ đợi.

Việc các doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng như hiện nay thì đương nhiên trong tương lai sẽ thiếu hàng hoá và đấy là vấn đề cố hữu của thị trường BĐS Việt Nam.Và khi nền kinh tế vĩ mô ổn định trở lại thì thị trường BĐS lại tăng.

Bởi vậy trong dài hạn, Nhà nước phải làm sao tạo được nhiều sản phẩm, huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư BĐS, lúc đó nguồn cung mới nhiều. Còn thực tế hiện nay, nguồn cung của chúng ta nhiều chủ yếu là nhiều trên giấy. Nguồn cung thực sự không có.

Nhìn chung, tiềm năng của thị trường BĐS là rất lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhận thấy điều này.

Trong 6 tháng đầu năm nay có 19,6 tỉ USD trong tổng 31,6 tỉ USD vốn FDI là đầu tư vào BĐS (chiếm trên 60%, cá biệt ở TPHCM, tỉ trọng này là 70%).

Vì vậy, những khó khăn hiện tại chỉ là tức thời, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam cần biết kiên nhẫn chờ đợi và phải tìm ra cách giải quyết những khó khăn trước mắt, chủ động chuẩn bị tốt tiềm lực và nâng cao tính chuyên nghiệp để cạnh tranh thì về trung và dài hạn sẽ vẫn gặt hái được thành công.

Đồng thời các nhà đầu tư BĐS trong nước cũng phải biết liên doanh, liên kết để huy động và tập trung nguồn lực, kể cả với doanh nghiệp nước ngoài, biết chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Có như vậy mới có thể giải được bài toán nhu cầu vốn trước mắt cũng như lâu dài.

Theo Kinh Tế Đô Thị

  • 0
  • By Admin
  • 31/07/2008
  • 17