Doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng 3 dở dang
Doanh nghiệp đang mắc kẹt với nợ xấu và sản phẩm tồn đọng |
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, chưa bao giờ Chính phủ quan tâm đến BĐS như bây giờ. “Chính phủ đã nỗ lực phá băng BĐS” với hàng loạt các giải pháp nới tín dụng, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, bỏ lãi suất phạt quá hạn, giảm lãi suất nợ điều chỉnh…
Thế nhưng, chính ông Nghĩa lại cho rằng nỗ lực này chưa phá được băng vì các DN đã ở tình trạng suy kiệt vốn đầu tư nhưng nợ xấu còn đó không tiếp cận được vốn mới, sản phẩm tồn đọng lớn. Thị trường vẫn trong vòng xoáy khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM dự báo “năm 2012 tình hình cũng sẽ không nhiều khởi sắc” bởi DN đang lâm vào tình trạng 3 dở dang: đền bù dở dang, dự án dở dang, công trình dở dang bởi thiếu vốn. Ông cho biết: “Điều sống còn của DN là đầu ra hơn là vốn”. Chỉ riêng lượng tồn đọng căn hộ chưa bán ở TP Hồ Chí Minh đã tới 20.000 căn. Sản phẩm tồn đọng không bán được, thị trường trì trệ kéo theo sự đình trệ ở các ngành liên quan.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam: 100.000 DN BĐS dịch vụ, BĐS xây dựng và DN SX vật liệu xây dựng đã phải ngừng hoạt động. Tình trạng này có thể gây hậu quả kéo dài cho những năm tiếp theo. Một số nhà máy ximăng đã đóng cửa và theo một con số thống kê 90% DN BĐS thua lỗ trong năm 2011 vì hàng không bán được. Bởi vậy theo ông Nam giải pháp cấp bách là giải quyết tình trạng mất sức mua của thị trường điều chỉnh chính sách hỗ người tiêu dùng để khơi thông đầu ra cho thị trường, đây mới là điều quan trọng nhất đối với thị trường BĐS lúc này.
Kiến nghị giải pháp khơi thông thị trường, theo ông Châu: “Nhà nước nên có gói giải pháp phù hợp hỗ ngân hàng để ngân hàng có cơ sở cho người tiêu dùng vay mua nhà với lãi suất thấp”. Các chuyên gia NHTMCP Á Châu (ACB), BIDV và các doanh nghiệp BĐS cũng đồng tình với quan điểm là tập trung hỗ trợ người tiêu dùng để khơi thông đầu ra, thị trường có thanh khoản, DN có lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, Đại diện của ACB cho biết lãi suất cho vay mua nhà từ 20%/năm giảm xuống còn 16%, riêng đối với ACB là 15%. ACB nhận định, khi mặt bằng lãi suất huy động thấp, dòng tiền có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư khác, trong đó BĐS là sáng giá nhất. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng dự báo khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn thì dòng tiền trong dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm sẽ trở lại đầu tư vào BĐS. Ông cũng kỳ vọng, thời gian tới khi Chính phủ giải ngân nốt 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, sẽ có tác động lan tỏa và góp phần gỡ thế bế tắc cho thị trường BĐS.
Mặc dù vậy DN BĐS nên liên kết nhiều hơn với ngân hàng để có những gói sản phẩm thích hợp, các điều kiện vay vốn thích hợp hỗ trợ người mua.
TS.Lê Xuân Nghĩa dự báo, nền kinh tế có thể sẽ hồi phục vào cuối năm 2012, trực tiếp tác động lên thị trường BĐS. Hơn nữa, Chính phủ đã có hẳn một chương trình cho thị trường BĐS vì đây là thị trường nền tảng… NHNN đã tính đến giải pháp xử lý nợ xấu và một đề án cho vay mới, theo đó sẽ khoanh nợ cũ cho những DN nào có khả năng tồn tại và phát triển, xóa nợ bằng dự phòng rủi ro.
(Theo TBNH)
- 0
- By Admin
- 22/06/2012
- 17