• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận đất đai

Xây dựng dự án trung tâm hành chính tỉnh

Mặt khác tiếp cận đất đai cũng là 1 trong số 9 chỉ số thành phần được tính điểm để xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Liên tục trong 4 năm gần đây, chỉ số tiếp cận đất đai của Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) không có sự cải thiện. Thậm chí, năm 2009 kết quả điều tra ý kiến DN cho thấy: có đến 50% DN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết mặt bằng kinh doanh của DN có tính ổn định thấp hoặc rất thấp; 30% DN cho biết họ gặp cản trở về mặt bằng kinh doanh; hơn 20% DN đánh giá rằng thủ tục đất đai phức tạp, đang là những rào cản rất lớn khiến DN không thể “an cư” đầu tư. Vì thế, năm 2009 tiêu chí này của BR-VTchỉ xếp thứ 48/63 tỉnh thành.

Vướng từ giải phóng mặt bằng

Cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Long Hương 2 do công ty TNHH Hiệp Hòa Phát làm chủ đầu tư được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất  từ tháng 4/2004, sang năm 2010, dự án vẫn không thể giải tỏa được phần đất quốc phòng bị dân lấn chiếm. Theo quy định, đây là đất Nhà nước quản lý nên không phải đền bù và khi có quyết định giao cho chủ đầu tư, tỉnh phải giao đất sạch. Không giao được đất sạch, chủ đầu tư không thực hiện được các bước tiếp theo, dẫn đến dự án giậm chân tại chỗ nhiều năm liền.

Tương tự, dự án nâng cấp mở rộng mỏ sét Mỹ Xuân I, Mỹ Xuân II, do công ty CP gạch ngói gốm Mỹ Xuân làm chủ đầu tư kéo dài từ năm 2003 đến tháng 11/2010, mới có quyết định đền bù giải tỏa và dự kiến phải đến cuối tháng 12 năm nay, chủ đầu tư mới hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng. Hàng loạt dự án khác cũng bị trở ngại, kéo dài 5-10 năm như: tư KCN Mỹ Xuân A2 mở rộng, của công ty TNHH phát triển Quốc tế FOMOSA; KCN Mỹ Xuân B1 của IDICO-CONAC; Khu đô thị mới Phú Mỹ do Tcông ty CP đầu tư xây dựng A.T.A làm chủ đầu tư; Khu nhà ở cán bộ công nhân viên ciment Cẩm Phả...

Chỉ riêng huyện Tân Thành, theo thống kê, năm 2009, có 25 chủ đầu tư đăng ký nhu cầu đất sạch trong 6 tháng cuối năm với 2.153,60 ha cho 28 dự án. Thế nhưng đến gần hết năm, mới chỉ kiểm kê được hơn 50% diện tích đất đăng ký. Trong đó chỉ khoảng 1/2 diện tích có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường... Các địa phương thu hút được nhiều dự án  đầu tư như: Xuyên Mộc, Long Điền, TP Vũng Tàu... tình trạng cũng tương tự.

Thiệt hại khôn lường

Theo các chuyên gia, việc khó tiếp cận đất đai dù là ở giai đoạn nào thì cũng đều làm DN mất rất nhiều cơ hội làm ăn và càng không thể tăng sức cạnh tranh. Thiệt hại vô hình và hữu hình rất lớn. Ông Lưu Ngọc Thanh - Giám đốc công ty CP xây dựng gạch ngói gốm Mỹ Xuân, chủ đầu tư dự án nâng cấp mở rộng mỏ sét Mỹ Xuân I, Mỹ Xuân II dẫn chứng: “Chúng tôi dự toán ban đầu dự án trên 10 tỷ thôi, nhưng đến giờ đã lên 16, 17 tỷ rồi. Thiệt hại về tiền của cho DN là không nhỏ, và lớn hơn là thời gian kéo dài, cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ”. Ông Thanh bức xúc: “Phải nói đến giờ này chỉ số tiếp cận đất đai rất thấp và gây nhiều bức xúc cho các nhà đầu tư. Nhiều hướng dẫn từ cấp tỉnh về chính sách đền bù, đến nay chưa hoàn thiện, dẫn đến các DN muốn tiếp cận đất đai, muốn có mặt bằng sạch phải đợi rất lâu. Tình trạng này làm hạn chế việc đầu tư của DN và thu hút đầu tư của tỉnh”.

Cũng cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Tám - Tổng Giám đốc công ty TNHH Hiệp Hòa Phát, chủ đầu tư Cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Long Hương 2 cho biết, do thời gian kéo dài quá lâu, chi phí đầu vào cụm này đã tăng rất cao so với thời điểm có quyết định thu hồi đất. Cụ thể, riêng phần hạ tầng, giá vật tư xây dựng cơ sở hạ tầng lúc đầu XD dự án chừng khỏang 100 tỷ bây giờ lên 200 tỷ. Cạnh đó, giá đất, mức đền bù cũng lên từ 1 đến 3 lần do Thị xã Bà Rịa từ đô thị loại 4 hiện đã lên loại 3, giá đất đã điều chỉnh lên 2 lần.

Đây cũng là những mức thiệt hại mà nhiều chủ đầu tư khác đang phải gánh chịu.

Địa phương chậm chạp

Theo ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh, mặc dù trong các phiên họp của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều đặt ra vấn đề này để xem xét giải quyết có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thường xuyên có những điều khoản thay đổi nên ngay địa phương cũng  vẫn chưa theo kịp nhu cầu đất sạch của DN. Ông Trần Minh Sanh cũng viện dẫn: 1 dự án với diện tích chiếm đất khoảng 5 - 10 ha, nhưng nếu chỉ 1 hộ dân với vài trăm m2 đất khiếu nại thì sẽ phải dừng lại toàn bộ. Đấy chính là 1 cái khó cho chính quyền đồng thời cũng là một cản trở đối với DN trong tiếp cận đất đai.

Ở góc độ nhà phân tích kinh tế, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do “cách nhìn” - tư tưởng e dè DNNVV, DN trong nước không đủ tiềm lực...  dẫn đến việc phân bổ đất đai, sử dụng đất đai tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc chúng ta sẵn sàng giành cho nhà đầu tư nước ngoài những mảnh đất đẹp, còn đối với DN trong nước, nhất là DNNVV thì chúng ta lại tính toán, tiếc đến từng vài trăm mét đất. Điều đó là rất bất công”.

Bà Lan cho rằng, thực tế, DN VN nói chung và DN BR-VT nói riêng hầu hết là DN nhỏ và vừa, mà đặc thù của DN nhỏ và vừa là sức cạnh tranh thấp do thiếu vốn, thiếu thông tin và không thể thay đổi công nghệ nên nếu không có các chính sách ưu tiên thì càng khó có thể tiếp cận được đất đai.

Đối với các DN trong nước, nhất là khu vực dân doanh, tiếp cận được nguồn đất tốt sẽ là “bệ phóng” để họ vươn lên không thua kém bất cứ nhà đầu tư nào...”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


(Theo DDDN)

  • 0
  • By Admin
  • 15/12/2010
  • 17