Doanh nghiệp BĐS vẫn khó chạm vốn
Đã có chủ đầu tư cho biết vừa ký hợp đồng liên kết với ngân hàng (NH) về việc hỗ trợ vốn cho khách hàng vay mua nhà, nhưng số này không nhiều.Khu dự án Lilama SHB (Q.Tân Phú, Tp.HCM) triển khai dở dang nhưng hiện vẫn không tiếp cận được vốn - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Chờ tiêu chí...
Công ty CP Đức Khải và NH TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh 8 vừa ký hợp đồng liên kết hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua sản phẩm dự án The Era Town (P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM). Theo đó, phía Vietinbank cam kết cho khách hàng của Đức Khải vay vốn để thanh toán tiền mua căn hộ The Era Town, hiện đã hoàn tất phần thô. Ông Nguyễn Ngọc Lâm - chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải - cho biết ngoài nguồn vốn dành cho khách hàng, với tỉ lệ được vay tối đa là 70% giá trị căn hộ, Vietinbank cũng cam kết dành cho công ty này một khoản tín dụng lên tới 1.200 tỉ đồng để phục vụ việc triển khai dự án.Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng “may mắn” được NH mở hầu bao, hàng loạt doanh nghiệp cho biết dù đã quay lại liên hệ với NH, sau khi NH Nhà nước tuyên bố mở van tín dụng BĐS, nhưng đều thất vọng ra về khi các NH viện đủ thứ lý do để từ chối hoặc trì hoãn xem xét hồ sơ vay, tái cơ cấu nợ.
Ông Lê Hữu Nghĩa - giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết vừa mới liên hệ với hai NH, vốn là chỗ từng có quan hệ tín dụng với Lê Thành trước đây, nhưng được thông báo còn phải chờ hội đồng tín dụng chi nhánh xét hồ sơ, rồi mới chuyển lên hội sở chính để tiếp tục... duyệt lại hồ sơ vay. “Tôi nghĩ nếu có giải quyết thì nhanh nhất cũng mất đến hàng tháng...”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, công ty này hiện đang triển khai hai dự án, trong đó có dự án Le Thanh Twin Towers có vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng đang làm dở dang. Thời gian qua, vốn làm dự án chủ yếu là vốn tự có, dư nợ vay NH của công ty hiện nay chưa tới 24 tỉ đồng. Việc vay thêm 50 tỉ đồng cũng chỉ để phòng ngừa trường hợp thị trường tiếp tục khó khăn.
Tương tự, ông Lê Tấn Hòa - tổng giám đốc Công ty Lilama SHB - cho biết công ty hiện có hai dự án đang triển khai dở dang, một dự án đã lên đến tầng thứ 14 và một đến tầng 7, rất cần tiền để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, sau khi quay lại liên hệ với một số NH mới đây, ông Hòa đã thất vọng khi các NH cho biết đang... chờ tiêu chí cụ thể từ NH Nhà nước về việc cho vay BĐS.
“Các NH đưa ra nhiều lý do để từ chối giải ngân hoặc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bảo Hoàng - phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức - nói. Theo ông Hoàng, có NH yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có dòng tiền định kỳ và ổn định, chẳng hạn mỗi tháng hay mỗi quý doanh nghiệp thu về một lượng tiền nhất định nào đó, mới giải ngân.
Chờ lãi suất giảm
“Giá BĐS đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và là cơ hội tốt cho người có nhu cầu mua nhà để ở như vợ chồng tôi...” - chị Thùy Linh (Bình Chánh, TP.hcm), người vừa đăng ký mua một căn hộ hơn 70m2 tại dự án The Era Town, nói. Theo chị Linh, chỉ sau khi Vietinbank tuyên bố hỗ trợ một phần vốn cho khách hàng mua căn hộ dự án này, vợ chồng chị mới quyết định đăng ký mua, do số tiền tiết kiệm được bấy lâu nay cũng chưa đến 50% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, chị Linh cho biết rất băn khoăn về mức lãi suất còn quá cao hiện nay.“Nếu lãi suất cho vay của NH không giảm nhiều trong thời gian tới, sẽ rất khó so với thu nhập của người làm công ăn lương chúng tôi...”, chị Linh lo lắng.
Ông Hoàng Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng - cho rằng khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay chính là thanh khoản kém. Do đó, muốn “cứu” BĐS trước hết phải tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về nhà ở vay được vốn với lãi suất chấp nhận được để mua nhà.
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ bức xúc khi cho rằng mặc dù BĐS đã được loại ra khỏi danh sách những lĩnh vực không khuyến khích, nhưng các khoản vay trước đây vẫn bị “neo” ở mức lãi suất cao.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng cho biết mới đây đã chủ động liên hệ với NH, được hứa xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay cũ nhưng sau đó thì... im luôn, không liên lạc được, hi vọng cơ cấu lại nợ vay cũng không thực hiện được.
(Theo TTO)
- 0
- By Admin
- 23/04/2012
- 17