Doanh nghiệp BĐS làm "cạn" niềm tin thị trường
KH ngày càng mất niềm tin với các công ty BĐS |
Vừa qua, nhóm hơn 20 khách hàng mua căn hộ chung cư tại dự án Petroland (P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng và dầu khí Petroland làm chủ đầu tư) đã gửi đơn đến các cơ quan truyền thông “kêu cứu” về việc chủ đầu tư dự án đã trễ giao nhà so với tiến độ được cam kết trong hợp đồng là 14 tháng.
Giải thích với khách hàng, phía chủ đầu tư đưa ra “cam kết mới” sẽ giao nhà không chậm quá ngày 30/10, nhưng sau đó lại liên lạc với từng khách hàng ký phụ lục hợp đồng là giao nhà chậm nhất vào ngày 15/12/2012.
Đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng. Đáng báo động nhất là tại thị trường Hà Nội, chỉ trong vòng 1 tuần qua, 3 dự án ì xèo của cùng một công ty vướng vào kiện tụng, tòa án.
Cụ thể, chủ đầu tư tòa nhà 93 Lò Đúc bị tố thu hồi trái phép căn hộ đã bán cho khách hàng; rồi chuyện khách hàng có nguy cơ bị mất trắng tiền góp vốn vào dự án Binh Đoàn 12 Đại Mỗ; hay vụ Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà bị bắt do cố tình bưng bít thông tin để tiến hành huy động hơn 200 tỷ đồng tại dự án giãn dân phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kèm theo đó là hàng chục thông tin khác liên quan đến chuyện chủ đầu tư tự ý tăng phí chung cư, phí giữ xe, tăng giá bán căn hộ, thu hồi vốn xong nhưng lại bỏ hoang dự án...
Trước những sự việc như thế, nhiều chủ đầu tư vẫn vô tư đổ lỗi do tình hình khó khăn, chi phí quản lý tăng... nhưng thực tế thì vẫn ngang nhiên bán hàng. Đâu thể vì những khó khăn của chính bản thân doanh nghiệp mà bắt khách hàng phải hứng chịu? Hơn nữa, nếu đã biết “sức khỏe” doanh nghiệp không ổn nhưng vẫn xây dựng dự án mới để huy động vốn thì chẳng khác nào hình thức chiếm dụng...
Hay như một số chủ đầu tư đã bán sản phẩm cách đây 1 - 2 năm nhưng hiện tại có đối tác khác trả giá cao hơn để mua lại toàn bộ dự án thì ngay lập tức họ “lật kèo” với khách hàng để kiếm món lợi khác lớn hơn.
Điều đáng nói là “những con sâu làm rầu nồi canh” lại có tác động mạnh đến niềm tin và cách nhìn của người mua. Một khi khách hàng đã hoài nghi, thì mọi lời hứa hẹn cũng không có ý nghĩa gì, thậm chí, nhà sắp xây xong, người mua vẫn đặt câu hỏi... Vì vậy, một khi niềm tin được lạm dụng quá nhiều thì cũng có ngày cạn kiệt.
(Theo DNSG)
- 0
- By Admin
- 05/10/2012
- 17