Doanh nghiệp BĐS hết thời gian dối trong báo cáo tài chính
Ngày 22/12/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp. Thông tư này được xem là văn bản có những quy định thay đổi lớn nhất trong chín năm qua.
Thông tư 200/2014/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2/2015 và được áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2015, thay thế cho chế độ kế toán doanh nghiệp được ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 244/2009/TT-BTC.
Có một số thay đổi quan trọng trong Thông tư 200/2014/TT-BTC được xem là sẽ có ảnh hưởng lớn đối với báo cáo tài chính của doanh nghiệp và các chỉ tiêu tài chính mà các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà phân tích tài chính có thể rất quan tâm.
Đầu tiên có thể kể tới sự thay đổi về doanh thu đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.
Thông qua báo cáo tài chính, người ta sẽ biết được dự án nào của doanh nghiệp
đang thiếu vốn, chậm tiến độ. Ảnh minh họa
Thông tư đưa ra các quy định về việc ghi nhận doanh thu BĐS mà Quyết định 15/2006/QĐ-BTC trước đây chưa đề cập đến cụ thể như doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án không được ghi nhận doanh thu bán BĐS theo tiến độ xây dựng hoặc theo số tiền đã huy động trước của khách hàng theo tiến độ.
Trong trường hợp có thỏa thuận, chủ đầu tư giao nhà thô và khách hàng sẽ hoàn thiện nội thất của BĐS hoặc chủ đầu tư sẽ hoàn thiện nội thất của BĐS theo đúng yêu cầu của khách hàng thì chỉ ghi nhận doanh thu khi đã hoàn thành, bàn giao phần xây thô cho khách hàng.
Đối với loại hình BĐS phân lô bán nền, doanh thu của doanh nghiệp chỉ được ghi nhận sau khi chuyển giao nền đất cho khách hàng.
Các trường hợp chủ đầu tư BĐS đã ghi nhận doanh thu đối với số tiền khách hàng đóng theo tiến độ mà công trình chưa hoàn thành trước thời điểm Thông tư 200/2014/TT-BTC có hiệu lực thì phải sửa chữa những sai sót đã ghi nhận doanh thu và hồi tố trong báo cáo tài chính.
Còn với các doanh nghiệp có hoạt động cho thuê tài sản, đã nhận trước tiền thuê của nhiều kỳ, nếu thời gian cho thuê đạ trên 90% thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thì doanh nghiệp có thể lựa chọn phương pháp ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động cho thuê.
Đối với BĐS đầu tư nắm giữ chờ tăng giá (nghĩa là BĐS không phải hàng hóa kinh doanh trong hoạt động của doanh nghiệp), doanh nghiệp không trích khấu hao mà xác định tổn thất do suy giảm giá trị (khi giá trị trên thị trường thấp hơn giá trị sổ sách của BĐS đầu tư chờ bán) và ghi nhận số tổn thất vào chi phí.
Về mặt trình bày báo cáo tài chính, Thông tư 200/2014/TT-BTC yêu cầu doanh nghiệp phải trình bày chi phí xây dựng thành phẩm BĐS dở dang có thời gian hoàn thành ước tính hơn 12 tháng hoặc vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường trên khoản mục riêng trên bảng cân đối kế toán.
Với quy định này, người đọc báo cáo tài chính sẽ dễ dàng nhận biết được giá trị các công trình xây dựng dở dang đang bị đình trệ (chủ yếu do chủ đầu tư thiếu vốn), vốn là một hiện trạng thường gặp trong những năm gần đây.
Những quy định mới và chi tiết nói trên sẽ góp phần giúp các báo cáo tài chính thể hiện trung thực tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đầu tư, kinh doanh bất BĐS.
Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Bảo đảm - PwC Việt Nam
- 126
- By Admin
- 16/04/2015
- 17