Doanh nghiệp BĐS dồn dập tạo "sóng" cho thị trường cuối năm
Đơn giản, bởi dù chỉ kéo dài một vài tháng, song đây lại là thời điểm có tỷ lệ giao dịch thành công chiếm hơn phân nửa và doanh số bán hàng cũng như lợi nhuận thu về có khi bằng tất cả thời điểm trong năm cộng lại.Do vậy, không khó hiểu khi lần lượt hay cùng lúc các doanh nghiệp bất động sản, từ những “tổng lớn” cho đến những chủ đầu tư nhỏ lẻ cũng tranh thủ từng khoảnh khắc để có thể biến cơ hội thành lợi nhuận. Một trong các “chiêu” thường được giới đầu tư đưa ra là tạo sóng kích cầu với vô số những động thái cả tích cực lẫn chưa hẳn là tích cực, miễn sao đạt được mục đích cuối cùng là đẩy hàng, thu lợi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, do kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nên may ra đến hết quý 1/2011 mới mong thị trường khởi sắc. |
Nhiều kiểu lấy lòng “thượng đế”
Khách hàng mỗi ngày một khó tính, nhà đầu tư mỗi ngày một "khôn" hơn. Điều đó doanh nghiệp bất động sản nào cũng đều nhận thấy trên con đường kinh doanh ngày một khó khăn hơn của mình.
Và thông thường, nếu đối thủ đưa ra bất kỳ một chiêu thức quảng cáo, tiếp thị hay khuyến mại nào thì ngay lập tức, doanh nghiệp cùng nhóm sẽ lần lượt đưa ra các chiêu thức cạnh tranh tương tự hoặc "hoành tráng" hơn nhằm... moi được tiền thiên hạ.
Vào cuối tháng 11 vừa qua, Công ty CBRE Việt Nam với tư cách là nhà phân phối tiếp thị dự án Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy) đã tổ chức 2 ngày bán hàng đặc biệt. Theo đó, 100 khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án sẽ được mua đúng với giá gốc do chủ đầu tư niêm yết cùng nhiều ưu đãi, quà tặng đi kèm.
Tiếp đó, hàng loạt các dự án khác như Vinpearl Đà Nẵng, City Garden... cũng lần lượt được chủ đầu tư công bố khuyến mại, giảm giá. Giới đầu tư cho rằng, đây có thể được xem là môt trong những chiêu câu khách tốt trong bối cảnh thị trường vẫn trong tình trạng ảm đạm, giao dịch thưa thớt.
Cũng là để câu khách, nhưng cách làm của Công ty Sông Đà – Thăng Long lại có vẻ "chơi trội" hơn khi chi đến 7 triệu USD chỉ để đầu tư bọc lớp bên ngoài bằng titan cho hệ thống thang máy tại dự án Usilk City (An Khánh, Hà Nội).
Theo đại diện Sông Đà – Thăng Long, tính cả số tiền đầu tư để nhập khẩu 78 thang máy nguyên chiếc Mishubishi từ Nhật Bản, tổng số tiền đầu tư cho hệ thống thang máy của Usilk City lên tới gần 500 tỷ đồng. Nhưng việc này không chỉ là để “câu” khách mà còn chứng tỏ quyết tâm của doanh nghiệp này trong việc tạo dựng hình ảnh cho dự án trên.
“Thang máy cùng với hệ thống sảnh là nơi đón tiếp đầu tiên của khu chung cư, đây có thể nói là bộ mặt của khu chung cư. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo nên ấn tượng khi bước tới khu vực này như bước vào khách sạn 5 sao”, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Sông Đà - Thăng Long cho hay.
Không chỉ lấy lòng thượng đế bằng các dịch vụ đi kèm, chủ đầu tư dự án Villa Park (Tp.HCM) thay vì chỉ xây xong móng, đã quyết định hoàn thiện toàn bộ, hạ tầng kỹ thuật mới chính thức chào bán dự án ra thị trường. Ông Lý Điền Sơn, Tổng giám đốc Công ty Khang Điền, chủ đầu tư Villa Park cho hay, đây là dự án biệt thự cao cấp đầu tiên do công ty đầu tư nên muốn khẳng định vị trí của mình tại phân khúc nhà ở cao cấp thì chỉ có cách là lấy lòng thượng đế bằng việc thật, người thật.
Đại diện Khang Điền cũng cho biết, sau khi doanh nghiệp dụng phương thức này, một số chủ đầu tư khác trên địa bàn Tp.HCM cũng đă "bắt chước" và bước đầu đã có hiệu quả.
“Người Anh có câu “Come and See”, để nói về những việc thật và hiệu quả thật thì không lý do gì lại để khách hàng phải thấy trong khuôn viên dự án những thảm cỏ vừa mới được trồng từ hôm qua”, ông Sơn nói.
Liệu có tạo được "sóng"?
Thực tế những năm gần đây cho thấy, tạo được “sóng” mua nhà ở, đất đai cũng là “chiêu” đã mang lại ít nhiều thành công cho các chủ đầu tư.
Còn năm nay? Khó khăn về kinh tế, tài chính vẫn đang đeo bám nhiều hộ gia đình, giới đầu tư nên những khoản tiền “ném vào đất” cũng không còn được rầm rộ như nhiều năm trước.
Trong câu chuyện về “tạo sóng” trên thị trường, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Bất động sản và Dịch vụ Địa chính Hà Nội (Hanoiland), cho rằng thị trường hiện đã có sôi động hơn so với quãng thời gian giữa năm do đây là thời điểm dòng tiền của cá nhân, tổ chức bắt đầu về tài khoản.
Do đó, khi mà thị trường chứng khoán, vàng... biến động khó lường thì “gửi tình yêu vào đất” sẽ là một sự lựa chọn của không ít nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo vị này, nếu chủ đầu tư sử dụng các “phép thử” vào thời điểm này cũng như con dao hai lưỡi.
“Theo dự đoán của cá nhân tôi, thị trường cuối năm cũng chỉ có những gợn sóng nhỏ nhất định, do đó thành công chỉ đến với nhà đầu tư nào áp dụng chiến lược tạo sóng đúng đắn, tức là chỉ đối với những sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị đầu tư tốt theo nhu cầu của thị trường”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nam Đô (Tp.HCM), dù đã gần hết năm, song thị trường bất động sản Tp.HCM, đặc biệt là phân khúc đất dịch vụ và nhà cao cấp vẫn chưa qua kỳ “ngủ đông”, giao dịch vẫn trầm lắng. Lý do theo vị này là do kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nên may ra đến hết quý 1/2011 mới mong thị trường khởi sắc.
“Thực ra, ngoại trừ nhà ở cao cấp, các phân khúc khác vẫn có cơ hội vì nhu cầu vẫn lớn, nhưng nhìn chung, bất động sản năm nay cũng không khả quan lắm nên nếu muốn thành công thì phải đợi năm sau”, ông Tùng dự đoán.
(Theo Vneconomy)
- 0
- By Admin
- 07/12/2010
- 17