Doanh nghiệp BĐS dễ mất cơ hội vì thiếu vốn
Nhiều dự án của doanh nghiệp dang dở vì thiếu vốn - Ảnh: D.Đ.Minh
Đỏ mắt tìm đối tác
Mất khá nhiều thời gian theo đuổi dự án khu công nghiệp An Nhựt Tân (Long An), Công ty Thép Long An đã thực hiện xong phần nặng nề nhất của dự án là đền bù, giải phóng mặt bằng với số tiền lên đến 150 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến giai đoạn chính là xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án thì công ty lại kẹt vốn, phải chạy đôn chạy đáo tìm đối tác liên doanh để tiếp tục thực hiện dự án theo đúng tiến độ. Theo kế hoạch ban đầu, số tiền này sẽ được vay từ ngân hàng, nhưng đến thời điểm này, gánh nặng lãi suất khiến cho công ty chùn bước. Nếu tính lãi suất cho vay trung bình khoảng 20%/năm thì số lãi phải trả mỗi tháng "nghĩ đến đã toát mồ hôi". Phương án tìm đối tác trong hoặc ngoài nước để tiếp tục thực hiện dự án này là điều mà Công ty Thép Long An đang tính đến.
Đại diện Công ty Thép Long An cho biết, dự án khu công nghiệp An Nhựt Tân rất khả thi. Trong khi công ty đang xoay xở tìm vốn để triển khai dự án thì đã có nhiều công ty khác đánh tiếng thuê đất ở khu công nghiệp này. Thậm chí, một công ty thép lớn tại TP.HCM muốn ký biên bản ghi nhớ về việc thuê 1/6 diện tích đất trong khu công nghiệp An Nhựt Tân trong 50 năm với số tiền thuê lên tới 200 tỉ đồng, bằng 50% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, do đang khó khăn về vốn nên Công ty Thép Long An cũng chưa mạnh dạn ký kết các biên bản này. "Tôi hy vọng sẽ nhanh chóng kiếm được đối tác liên doanh để thực hiện đúng tiến độ. Trong quá trình chờ đợi tìm kiếm đối tác, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai dự án bằng việc vay vốn ngân hàng theo từng đợt" - vị đại diện này nói. Đây cũng là tình trạng của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản hiện nay.
Nở rộ nhượng dự án
Có lẽ chưa bao giờ, việc sang nhượng dự án lại nhiều như hiện nay. Hàng loạt dự án tốt, khả thi, có thể nhìn thấy trước lợi nhuận mang lại khi đưa vào khai thác, nhưng chủ đầu tư đành phải tìm người chia sẻ nguồn lợi nhuận này chỉ vì thiếu vốn. Chủ đầu tư dự án cao ốc văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại tại Q.7 (TP.HCM) - đang tìm đối tác sang nhượng lại dự án này - cho biết, dự án đã lên kế hoạch và triển khai cách đây gần 2 năm. Đó là thời điểm các ngân hàng rất cởi mở với các dự án bất động sản. Theo kế hoạch, gần 70% vốn cho dự án này là vay ngân hàng, số vốn tự có của công ty hơn 30% đã được chi cho các khâu giấy tờ, pháp lý, giải phóng mặt bằng... Phần vốn vay ngân hàng là để thi công nhưng sau đó bị kẹt lại. Tìm đối tác để sang nhượng dự án đang là biện pháp ưu tiên của công ty trong cả tháng vừa qua.
Nguồn cung dự án nhiều, nguồn cầu cũng tăng lên đáng kể trong năm qua do ngày càng có nhiều quỹ đầu tư được thành lập tại Việt Nam cũng như các tập đoàn nước ngoài thâm nhập tìm kiếm cơ hội làm ăn trên thị trường bất động sản. Nhưng để hai phía gặp nhau thì lại không hề đơn giản. Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản phân tích, nắm được điểm yếu của các công ty trong nước là thiếu vốn, không ít chủ đầu tư nước ngoài ra sức "ép giá", đòi hỏi quyền lợi và có những yêu cầu quá đáng. Nhưng do lâm vào tình thế không có tiền, có thể còn mất trắng cả dự án nên nhiều doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận thiệt thòi để dự án có thể được tiếp tục.
Theo Thanh Niên
- 247
- By Admin
- 14/06/2008
- 17