• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Doanh nghiệp BĐS: Thị trường đang ấm lên rõ rệt!

Phó Cục trưởng Cục QL nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây Dựng- ông Vũ Văn Phấn nhận xét, giá BĐS đã giảm sâu về mức tương đối phù hợp với sức mua của đại đa số người dân nói chung. Hiện giá đã giảm đều từ 20 – 30 %, thậm chí có nhiều dự án giảm tới gần 50% so với giá ban đầu tại thời điểm sốt. Ngoại trừ các dự án trong nội thành trung tâm giảm ít còn tất cả các dự án ngoài khu vực Vành đai 3, ngoại thành đều giảm so với trước đây.

Cũng theo ông Phấn, thời gian qua thị trường có giao dịch, số lượng mua bán BĐS tăng lên. Tổng hợp các nguồn thông tin từ các doanh nghiệp BĐS, từ Sở Xây dựng, từ các sàn Hà Nội có khoảng 6.350 dự án giao dịch thành công. Quý I có 800 giao dịch, quý II có 1.050 giao dịch, qúy III có 1.8000 giao dịch, quý IV có 3.000 giao dịch. Như vậy quý IV giao dịch tăng gấp 4 lần quý I và 3 lần quý 2.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với ông Phấn, ông Trần Ngọc Quang - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đánh giá, thị trường bất động sản hiện đang đón nhận nhiều thông tin tích cực. Nổi bật trong các phân khúc là sự ấm áp của phân khúc căn hộ chung cư loại trung bình. Về tâm lý khách hàng, nhìn chung lòng tin của khách hàng đối với bất động sản đã có dấu hiệu quay trở lại.

Đánh giá về các đơn vị phân phối và dịch vụ bất động sản, ông Quang cũng nhận định hiện các dịch vụ bất động sản vẫn phát triển một cách thiếu đồng bộ và yếu kém, đặc biệt trong việc quản lý vận hành các bất động sản, trong đó quản lý chung cư là một phần. Tuy nhiên một số chủ đầu tư, đơn phân phối sản phẩm bất động sản đã thực sự nỗ lực và sáng tạo trong cách làm hướng tới hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch nên đã góp phần thúc đẩy thị trường và khơi dậy lại lòng tin của khách hàng.

Tuy nhiên ông Quang cũng nhấn mạnh: "Các biểu hiện của thị trường thời gian vừa qua dù đã tốt vẫn chưa ổn định, thiếu bền vững và còn cần đến nhiều sự nỗ lực bền bỉ từ tất cả các phía".

Đứng ở góc độ doanh nghiệp phát triển dự án, ông Trần Như Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho rằng: "Cho dù diễn đạt dưới ngôn ngữ nào, cho mục tiêu nào, phát ngôn ở vị trí nào, chúng ta đều phải thừa nhận thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh sâu sau một thời gian tăng trưởng và phát triển hấp tấp, thiếu chuẩn bị".

Cũng theo ông Trung, thị trường giai đoạn 2014 đã thể hiện những sự chuyển biến, cho dù nhỏ, thông qua những chỉ số thanh khoản chỉ tăng cỡ 2 - 3% quý so với quý, nhưng rất đáng ghi nhận bởi hai yếu tố:

Thứ nhất, thị trường điều chỉnh tự nhiên – không có hiện tượng hôm nay đang xấu, bỗng nhiên ngày mai tốt, mặc dù có quá nhiều thông tin tích cực dẫn trước; Thứ 2, thị trường không phục hồi ở tất cả các phân khúc, hiện số liệu của các sàn, các công ty tư vấn đều cho thấy 50 - 80% số lượng giao dịch chủ yếu ở các dự án ở vị trí tốt, có hoạt động xây dựng, hoặc đã hoàn thiện. Nhiều dự án, với điều kiện ngược lại thì hầu như không có thanh khoản.

Bàn luận về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, Thành viên Ban Cố vấn Chính phủ cũng cho hay: "Tôi đồng ý rằng, hiện các giao dịch bất động sản đang tăng, tính thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản có thể sốt lại thì vẫn rất khó. Lý do là hiện nền kinh tế đang phục hồi nhưng mức độ phục hồi rất chậm. Với đà phục hồi này thì khó có thể trở thành bong bóng bất động sản".

"Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam tuy đã dò đáy đi lên từ quý IV/2013 nhưng đi lên rất chậm. Các chỉ số tăng trưởng công nghiệp, PMI… đạt thấp. Các tổ chức quốc tế như ADB, WB… đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm nên thị trường bất động sản cũng khó sốt", ông Nghĩa cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn. Trong đó, chưa kể đến các khoản được cơ cấu lại nợ, kể cả những khoản “lách” của ngân hàng để tăng trường tín dụng. Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu khó xử lý nhanh, nhiều vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ… Để phục hồi tăng trưởng tín dụng có thể khéo dài vài ba năm và thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng.

  • 0
  • By Admin
  • 28/05/2014
  • 17