Doanh nghiệp BĐS Đà Nẵng “thua trên sân nhà”
Thiếu liên kết
Kể từ ngày chia tách tỉnh - năm 1997, công cuộc chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới, mở rộng thành phố đã đồng loạt triển khai rầm rộ. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh nhà đất và sự sôi động của thị trường bất động sản mới xuất hiện thực sự trong vòng 6 năm trở lại đây; đặc biệt, từ năm 2007 - 2008 đến nay. Theo đó, sự hình thành các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đi lên từ những góp nhặt, manh mún của một số cá nhân, “cò đất”. Số doanh nghiệp khởi nghiệp, có phương án kinh doanh và đặt nền móng vững chắc ở lĩnh vực này rất ít. Chính vì vậy, dù UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Hiệp hội Bất động sản thành phố từ tháng 5.2009, song đến giữa tháng 12.2010, hiệp hội này mới chính thức ra mắt với chỉ hơn... 15 hội viên.
Tân Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng - ông Đàm Quang Tuấn (GĐ CTCP đầu tư xây dựng 579) - cho biết, đã đến thời điểm cần thiết phải có sự liên kết trong kinh doanh bất động sản. Từ trước tới nay, các DN kinh doanh lĩnh vực này tại Đà Nẵng là nhỏ lẻ, vốn ít, dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp và kết quả tất nhiên là yếu tính cạnh tranh... Những yếu kém này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch, không lành mạnh ở thị trường bất động sản.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho rằng, TP luôn có nhiều chính sách ưu đãi cho các DN địa phương; tuy nhiên, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm, quy mô các DN Đà Nẵng còn quá nhỏ để đảm đương các dự án có quy mô lớn. Cũng theo ông Chiến, hiện nguồn thu ngân sách của địa phương chủ yếu từ bất động sản, chiếm hơn 50% tổng thu hằng năm. Hàng loạt các siêu dự án bất động sản hàng triệu USD được triển khai đồng loạt ở TP, đặc biệt ven biển. Tuy nhiên, phần lớn là các dự án đầu tư nước ngoài, do các DN từ Hà Nội, Tp.HCM thực hiện. Các dự án thuộc đầu tư của DN Đà Nẵng không đáng kể, chỉ vài khu dân cư mới, khu đô thị nhỏ. Cái thua tất yếu trên sân nhà là do quy mô, nếu có tổ chức, có liên kết thì các DN kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng sẽ có cơ hội. Đất ở Đà Nẵng chưa hết, thị trường bất động sản ở địa phương còn nhiều tiềm năng...
Góp phần hoàn thiện chính sách đất đai
Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN - ông Nguyễn Trần Nam - cho biết, hiện nguồn thu bất động sản chiếm 10% GDP cả nước. Dư nợ của các ngân hàng cho vay, đầu tư bất động sản là trên 230.000 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, tỉ trọng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) “hút” vào thị trường bất động sản ở VN là rất lớn. Với tốc độ đô thị hoá, công cuộc xây dựng phát triển hạ tầng như hiện nay, thị trường bất động sản còn sôi động nhiều. Ông Nam mong muốn, Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng lớn mạnh, là thành viên đắc lực cùng với các địa phương cả nước và Hiệp hội BĐS VN đảm đương nhiều dự án quy mô lớn trong nước. Kinh doanh có liên kết, có tổ chức, định hướng không chỉ làm lành mạnh hoá thị trường bất động sản, mà còn góp phần cùng chính quyền địa phương, Nhà nước hoàn thiện chính sách về đất đai, nhà ở.
Thời điểm cuối năm 2010, dù thị trường bất động sản cả nước vẫn “yên ắng”, nhưng riêng Đà Nẵng vẫn "nóng sốt" từng ngày. Việc mua bán không chỉ sôi động ngầm trong các khu tái định cư, khu dân cư mới mà các dự án đô thị mới vẫn có tần suất giao dịch lớn. Ngay các dự án nhà biệt thự cao cấp ven biển với giá bán từ 600 nghìn USD đến 2 triệu USD vẫn bán rất nhanh khi tung ra thị trường.
(Theo Lao Động)
- 0
- By Admin
- 25/12/2010
- 17