Doanh nghiệp BĐS: Chấp nhận lỗ để bán hàng
Hạ giá kích cầu
Khác với sự trầm lắng của mọi năm, năm nay thị trường BĐS Nam-Bắc liên tục đón nhận nguồn cung căn hộ mới. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển về căn hộ diện tích nhỏ, giá thành thấp đang trở nên rõ rệt hơn. Tại phía Nam, có thể kể đến những dự án giá rẻ như Cheery 3, Ehome 3, Sunview 3… với mức giá dao động từ 13-14 triệu đồng/m2 căn hộ 50-70m2.Tại Hà Nội, dự án căn hộ giá rẻ đình đám Đại Thanh cũng vừa tung ra thị trường hơn 1.000 căn hộ với mức giá chỉ từ 13 triệu đồng/m2. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, thời điểm hiện tại những căn hộ có diện tích trên 70m2, giá thành từ 25 triệu đồng/m2 đã trở nên khó bán. Vì thế căn hộ diện tích vừa phải, giá thành hợp lý sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian sắp tới, không chỉ ở Tp.HCM mà ngay cả Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình việc “xẻ” nhỏ căn hộ là một cách làm khôn ngoan khi đánh được vào phân khúc đang có nguồn cầu lớn nhất, từ đó sẽ tránh được tình trạng dồn ứ dự án.
Trên thực tế, hàng tồn kho là vấn đề đau đầu nhất trên thị trường hiện nay, mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng khó tìm cách tháo gỡ. Một số biện pháp “cứng” như Nhà nước sẽ mua lại một số dự án với mức giá hợp lý để làm nhà công vụ, phục vụ tái định cư đã được tính đến, nhưng chắc chắn sự tác động sẽ chưa cao.
Trong khi đó, biện pháp “mềm” là lấy lại lòng tin của người mua, từ đó kích nguồn cầu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình chung của nền kinh tế. Theo thống kê, thị trường Hà Nội và Tp.HCM hiện có hơn 60.000 căn hộ tồn kho, dự báo năm 2013 con số này có thể lên tới 100.000 căn.
Hàng tồn kho cao, cộng thêm nhiều dự án mới tung ra thị trường, trong khi nguồn cầu rất yếu ớt đã tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp. Theo ông Đực, tại Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận lỗ 50% để bán hàng. Tại Hà Nội cũng đã có những DN chấp nhận lỗ 20-30%.
Trăm phương ngàn kế
Khối hàng tồn kho cao trong thời điểm nguồn vốn cạn kiệt đã khiến chủ đầu tư phải kiệt sức để duy trì. Tình thế nan giải này bắt buộc chủ đầu tư phải tung ra “trăm phương ngàn kế” để bán hàng. Ngoài những biện pháp đã quen thuộc như chiết khấu cho khách hàng, giảm giá bán, ưu đãi lãi suất vay, cho thế chấp chính căn hộ mua để vay… nhiều chủ đầu tư còn xoay nhiều phương án khác.Bán nhà khi chỉ mới xây thô kèm ưu đãi là một trong những biện pháp giải quyết hàng tồn. |
Tại thị trường miền Bắc, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận bán nhà xây thô cho khách kèm theo nhiều ưu đãi về lãi suất và khuyến mại để hạ giá thành. Có thể kể đến những dự án điển hình như Flamingo Đại Lải Resort, Tiểu khu đô thị Nam La Khê, Golden Land… khách hàng mua dưới dạng xây thô, giá bán sẽ được giảm đáng kể.
Thậm chí dự án Tiểu khu đô thị Nam La Khê, nếu mua nhà thô, mỗi lô nhà phố có giá 3,7-3,8 tỷ đồng/căn, trong khi đó, giá hoàn thiện đầy đủ lên tới 4,1-4,2 tỷ đồng.
Không chỉ đơn độc kích cầu, nhiều chủ đầu tư đã bắt tay hợp tác để tạo tiếng vang, thu hút nhà đầu tư. Tại Tp.HCM, từ ngày 3 đến 7/10 tới, Tuần lễ An cư sẽ được tổ chức, với hơn 1.000 căn nhà phố được tung ra thị trường có mức giá từ 1 tỷ đồng trở lên.
Các ngân hàng cũng góp mặt để tham gia hỗ trợ tín dụng. Tương tự, tại Hà Nội, từ ngày 19 đến 21/10, Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ BĐS Hà Nội và Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5 tổ chức phiên giao dịch BĐS có quy mô dự kiến khoảng 50 gian hàng, mức giá của các sản phẩm dao động 10-25 triệu đồng/m2.
Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, chỉ một vài phiên giao dịch khó làm thị trường sôi động trở lại, nhưng ít nhất cũng có tác dụng thu hút sự quan tâm của một bộ phận khách hàng có nhu cầu thật.
Trên thực tế, có thể thấy rõ qua 2 năm thị trường đóng băng, các doanh nghiệp BĐS đã tung gần hết các chiêu trò để kích cầu. Trong thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đã tính đến chuyện xin chia nhỏ sản phẩm, chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng... để giảm giá bán, từ đó giảm thiểu lượng hàng tồn kho.
Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, thị trường BĐS sẽ hồi phục chậm, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trông chờ các giải pháp từ phía Nhà nước. Chính vì vậy, dù đã có nhiều động thái để giải tỏa hàng tồn kho, tìm lối đi “thoáng” hơn cho mình, con đường phía trước của nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn còn nhiều chông gai.
(Theo Sài Gòn ĐTTC)
- 0
- By Admin
- 24/09/2012
- 17