• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đổ vỡ bất động sản khiến kinh tế Tây Ban Nha suy sụp

Trong bối cảnh đó, mọi sự chú ý dường như đổ dồn về Tây Ban Nha, nước đang chịu khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng. Báo Le Figaro của Pháp đi sâu tìm hiểu nguyên nhân khủng hoảng này với bài viết chạy tựa: “Tây Ban Nha đã sụp đổ vì bong bóng bất động sản như thế nào?”.

Đổ vỡ bất động sản khiến kinh tế Tây Ban Nha suy sụp | ảnh 1
Ảnh minh họa

Tờ báo nhắc lại cách đây vài năm, ai đến Tây Ban Nha đều không khỏi ngạc nhiên trước số lượng và qui mô quá lớn của các công trình xây dựng bất động sản. Mãi đến những năm 2000, giá bất động sản ở nước này không ngừng tăng. Các ngân hàng thi nhau cho vay tiền cho nhà đầu tư kinh doanh nhà đất và người mua bất động sản. Khi ấy, bất động sản là ngành chủ lực giúp kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng vượt bậc.

Thế mà hiện tại, ở các thành phố  xây dựng tấp nập trước kia chỉ còn cảnh đìu hiu, với nhiều căn hộ không người mua và nhiều công trình hạ tầng xây xong rồi bỏ đó. Khi trước, các ngân hàng Tây Ban Nha còn tự hào cho rằng, mình là những ngân hàng chắc chắn nhất thế giới, vậy mà giờ đây các ngân hàng này đang lâm cảnh “yếu ớt nhất thế giới”, đến mức Madrid phải kêu cứu với Liên minh châu Âu, để được hổ trợ 100 tỷ euro nhằm cứu các ngân hàng đang cạn vốn.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao Tây Ban Nha lại lâm vào thảm cảnh này? Tờ báo cho rằng, tất cả  đều do việc đầu cơ bất động sản một cách thái quá. Khi ấy, giới kinh doanh bất động sản và người mua nhà đất đều dễ dàng vay tiền ngân hàng.

Một cựu giám đốc của một công ty bất động sản nhớ lại: “Không có một rào cản nào để tiếp cận nguồn vốn cả. Bất cứ ai cũng có thể vay để đầu tư bất động sản”.

Thế rồi, khủng hoảng đến, nạn thất nghiệp tăng lên. Người lao động trước kia vay tiền mua nhà, giờ đây do mất việc làm, không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Họ cũng không thể bán lại căn hộ đã mua vì khó tìm người mua và vì giá bất động sản sụt giảm rất nhiều. Như trường hợp của nhà xã hội học 30 tuổi tên Luis, năm 2007, anh vay tiền ngân hàng mua một căn hộ với giá 252.000 euro, thế mà giờ đây các công ty bất động sản chỉ chấp nhận mua lại với giá 120.000 euro, tức giảm hơn một nửa. Còn nếu như bán lại cho ngân hàng thì số nợ còn lại anh phải trả là 190.000 euro.

Thế nhưng, các hộ gia đình không phải là những người chậm trả nợ  nhất. Theo thống kê, tỷ lệ các gia đình chậm trả nợ khi đáo hạn chiếm chỉ có 3,7%, trong khi đó, con số này ở các nhà kinh doanh bất động sản lên đến 22,8%.

Đối với chính quyền, họ cũng có phần trách nhiệm không nhỏ gây ra khủng hoảng. Vào thời điểm ngành bất động sản thịnh vượng, chính quyền các địa phương thi nhau tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư bất động sản.

Nhiều dân biểu  địa phương là thành viên trong hội đồng quản trị của các đại ngân hàng trong vùng, đã điều khiển hoạt động tín dụng để kiếm phiếu và để trục lợi. Kết quả, mạnh địa phương nào địa phương ấy xây dựng. Tờ báo mỉa mai rằng, Tây Ban Nha xây dựng không tính toán. Các công trình xây dựng của nước này ngốn hết 57 triệu tấn xi măng mỗi năm. Tây Ban Nha xếp thứ 52 về diện tích lãnh thổ, thứ 27 về dân số, nhưng là nước thứ năm tiêu thụ nhiều xi măng nhất thế giới.

Thế là, chính quyền viện đủ lí do để được xây dựng, người dân thi nhau vay nợ ngân hàng để mua nhà, các nhà đầu tư thi nhau vay tiền xây dựng. Sức mua bất động sản tăng lên, kéo theo tiền gửi tiết kiệm giảm xuống. Các ngân hàng hết vốn đành phải chạy vạy đi tìm nguồn vay trên thị trường tài chính nước ngoài. Như vậy, chỉ cần thị trường tín dụng thế giới co lại thì lập tức bong bóng đầu cơ bất động sản bị vỡ tung.

Vào năm 2007, Mỹ  bắt đầu lâm cảnh khủng khoảng tín dụng, thế  là lập tức các ngân hàng Tây Ban Nha phải đóng vòi cho vay. Trong thảm trạng này, một dân biểu Tây Ban Nha nhận định: “Đó là một ảo tưởng tập thể, ảo tưởng về sự làm giàu dựa trên bất động sản”. Theo dân biểu này, ai cũng có lỗi, từ ngân hàng, hộ gia đình đến chính phủ, họ đã nhận ra vấn đề quá muộn./.

(Theo Chinhphu.vn)

  • 144
  • By Admin
  • 22/06/2012
  • 17