Do "trao tay" quá nhanh, cấp GCN bị chậm
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT vừa có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai về tình hình thực hiện cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP (gọi tắt là GCN), trong đó có kết quả kiểm tra tình hình cấp GCN tại một số dự án phát triển nhà ở Hà Nội, Tp.HCM.Tại Hà Nội, 3 dự án kiểm tra gồm dự án nhà ở The Manor, Dự án xây dựng nhà ở liền kề và căn hộ để bán tại xã Mỹ Đình, tòa nhà 198 Nguyễn Tuân. 3 dự án kiểm tra tại Tp.HCM gồm dự án nhà ở của Công ty cổ phần Xây dựng Hoàng Anh, Dự án xây dựng nhà ở liền kề và căn hộ ở để bán của Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Gia Hòa; Dự án An Phú, An Khánh của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà.
Dự án The Manor, nơi nhiều căn hộ chưa được cấp GCN. |
Theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ TN-MT), đến thời điểm kiểm tra, 100% căn hộ chung cư và nhà liên kế cũng như villa của các dự án được kiểm tra tại Hà Nội đều đã bán hết nhưng 100% số người mua chưa được cấp GCN. Lý do của tình trạng này là do tỷ lệ mua bán trao tay qua nhiều người quá lớn, mà không làm thủ tục theo quy định. Theo thống kê, tại Dự án The Manor khoảng 30%, tòa nhà 198 Nguyễn Tuân khoảng 70% căn hộ được mua bán trao tay nhiều lần.
Ông Trần Hùng Phi cho biết thêm: Tình hình cấp sổ đỏ tại Tp.HCM cũng gặp nhiều vướng mắc. Tại dự án nhà ở của Công ty cổ phần Xây dựng Hoàng Anh, công ty đã lập thủ tục GCN cho các hộ và nộp hồ sơ về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp thành phố, nhưng "vướng" ở quy định cách tính diện tích sàn theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, gây ra sự không thống nhất số liệu về diện tích sàn giữa hợp đồng (xác định theo quy định tại Nghị định 90 trước đó) với việc xác định lại diện tích. Tại dự án cao ốc An Khang và cao ốc Thịnh Vượng tại quận 2 của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà, những hộ mua nhà đã nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN nhưng tình trạng tương tự như dự án Hoàng Anh 2 là chưa thống nhất được diện tích sàn ghi trên GCN.
Đánh giá về kết quả đợt kiểm tra, ông Trần Hùng Phi cho rằng: "Sự phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận, huyện không nhịp nhàng dẫn đến tình trạng chồng chéo nội dung thẩm định hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ. Đặc biệt, xuất hiện nhiều trường hợp chậm cấp sổ đỏ là do chủ đầu tư dùng giấy tờ đất đai và dự án được phê duyệt để thế chấp tại các ngân hàng, hoặc cho đến thời điểm bàn giao nhà cho người mua, chủ đầu tư vẫn cố tình không làm thủ tục cấp sổ đỏ. Kiểm tra tình hình cấp GCN cho bên mua nhà tại một số dự án phát triển nói trên cũng cho thấy hiện tượng dùng đất thuê có thời hạn, sau đó chuyển công năng sang xây dựng nhà chung cư để bán mà không nộp tiền sử dụng đất, là chưa phù hợp với các quy định pháp luật về đất đai. Theo quy định, trường hợp chủ đầu tư thuê đất của Nhà nước trả tiền hàng năm khi xây dựng nhà để bán phải có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước".
Khi nhận định về nguyên nhân kéo dài việc cấp GCN ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân khi mua nhà đất, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng: "Tình hình mua bán trao tay diễn ra khá phổ biến khiến quá trình xét duyệt hồ sơ cấp GCN rất khó khăn do thông tin về chủ sở hữu căn hộ không thống nhất với thông tin trên hợp đồng mua bán. Nghị định 71 giải quyết khá nhiều bức xúc trong lĩnh vực nhà ở nhưng đưa ra hướng dẫn cách tính diện tích mới khác biệt so với hướng dẫn cũ trong khi không có hướng dẫn xử lý khoảng giao thời. Việc phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vượt quá khả năng với nhiều người sử dụng đất, nhất là khu vực nông thôn là một trở ngại. Bên cạnh đó, năng lực Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu, hồ sơ chưa đảm bảo và việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà đầu tư và người dân còn chưa tốt".
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai sớm hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định 88.
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 21/03/2011
- 17