Đô thị xanh ở Hà Nội và việc dịch cư theo chiều đứng
Dịch cư theo chiều đứng là một quá trình chuyển hóa về nghề nghiệp, trình độ, lối sống, và điều kiện hạ tầng… Trong quá trình đó, những con người vốn sống ở nông thôn nghèo nàn lạc hậu sẽ dần dần tạo dựng được một nếp sống đô thị, họ sẽ được tiếp thu một nếp sống của Đô thị Sinh thái mà không bị cuốn hút vào Đô thị bê tông mầu xám.Đô thị xanh đang được nói đến nhiều trong các diễn đàn về quy hoạch, kiến trúc. Theo kiến trúc sư Tai Lee Siang, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Singapore, thì thế giới đương đại đang bị uy hiếp bởi hình ảnh đô thị mầu xám, nó khiến cho trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và con người đang mất dần không gian để sống và để thở. Ông cũng cho rằng thế giới càng văn minh thì con người càng khao khát hướng tới sự chuẩn mực của một Đô thị xanh hoàn hảo, tức là hướng tới sự thiết lập mối quan hệ bền vững về sự thân thiện giữa con người và thiên nhiên.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hoá diễn ra chậm hơn so với thế giới, nên vấn đề chưa trở nên quá muộn khi nói đến hậu quả môi trường của những Đô thị mầu xám, nhưng cũng không còn quá sớm khi bàn đến việc xây dựng những Đô thị xanh, ở hầu hết các đô thị Việt Nam và đặc biệt ở Hà Nội hôm nay, các kiến trúc sư đang có cơ hội xây dựng những mô hình đô thị mầu xanh chuẩn mực, trong đó các mâu thuẫn về giao thông, nguồn cung cấp năng lượng, khả năng tự điều hoà không khí, vấn đề xử lí rác thải… đều được xem xét từ đầu, khi đô thị hình thành từ vùng đất hoang sơ.
Phố Hoàng Diệu (Hà Nội).
Đô thị xanh của Hà Nội ở đâu?
Thủ đô Hà Nội cũ có địa giới hành chính với tổng diện tích là 921 km2, bao gồm cả nội thành và ngoại thành, trong đó có gần 400 km2 là khu đô thị bê tông, hơn 500 km2 còn lại vẫn là làng xóm thuần nông hoặc các khu bán nông, bán thị. Nay, địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng tới hơn 3000 km2, thì cho dù khu đô thị mới với nhiều nhà bê tông có phình lên gấp đôi hiện nay, chắc hẳn 2500 km2 còn lại vẫn là khu đất xanh với những cánh đồng sản xuất lúa, ngô, khoai, sắn, nơi cung cấp rau xanh, nơi trồng hoa với công nghệ cao để xuất khẩu… Đó cũng là những khu du lịch sinh thái, khu nghỉ ngơi cuối tuần cho cư dân thành phố.
Theo cấu trúc phong thuỷ đã định hình thì: Thành phố sẽ như một ngôi nhà lớn tựa lưng vào vòng cung Núi Tản Ba Vì, nhìn ra Hồ Tây mênh mông - một Đại Minh Đường hình bán nguyệt – phía trước nữa, có một Đại Thanh Long chảy theo hướng Tây Bắc, Đông Nam, đó là sông Hồng.
Với cấu trúc như vậy, thành phố sẽ có nhiều hành lang sinh khí (dẫn gió) là các trục xuyên tâm hình dẻ quạt mà trục Thần Lộ nối từ vùng Hoà Lạc, qua Đền Kim Ngưu cạnh Phủ Tây Hồ, lên Cổ Loa rồi lên Đồng Đăng sẽ là trục chính. Với quy mô hành chính rộng như thế, thì chạy theo các trục xuyên tâm này sẽ có những trục mầu xanh giao nhau với các vành đai xanh tạo nên các ô xanh lớn. Ta chưa hi vọng có những đô thị xanh chuẩn mực, nhưng ta có thể có khu đô thị sinh thái cài răng lược với các khu đô thị bê tông.
Công trình chạy theo các trục xuyên tâm dẫn khí và đặt trong các ô xanh này, dù mang chức năng gì cũng không nên là các công trình cao tầng, khối lượng đồ sộ và cần được trải rộng, thấp dần về phía Hồ Tây và sông Hồng.
Khu công nghệ cao Hoà Lạc rộng 1600 ha đang được xây dựng với sự trợ giúp của tổ chức JICA Nhật Bản, khu các trường Đại học Quốc gia, các Trung tâm nghiên cứu khoa học, các liên hiệp xí nghiệp vô tuyến viễn thông, phần mềm… đều đang được coi là nền kinh tế mũi nhọn của đất nước và đều đang được xếp vào khu vực quan trọng nhất của nền công nghiệp không khói. Đây sẽ phải là những đô thị xanh của Hà Nội.
Giải pháp thiết kế quy hoạch và kiến trúc cho các loại đô thị xanh: Các khu này cần được xây dựng theo kiểu đan xen giữa khu vực tập trung những công trình kiến trúc hiện đại với trục giao thông chính và các dịch vụ xã hội (như khách sạn, siêu thị, trường học, bệnh viện…) có thể mang lại sự thuận lợi cho nhiều người, ở ngay bên cạnh đó là khu làm việc và khu ở yên tĩnh, bám theo địa hình tự nhiên, tạo không khí trong lành, phục vụ cho những nhóm người có nhu cầu lao động trí óc. Địa hình thiên nhiên có yếu tố cảnh quan môi trường cần được đặc biệt coi trọng.
Cần có bản phân tích so sánh hiệu quả kinh tế giữa kinh phí đầu tư và hiệu xuất lao động do môi trường mang lại, để đưa ra các quyết định có tính chiến lược khi mang lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài lên bàn cân. Địa hình khu bán sơn địa rất phù hợp loại đô thị này. Đây là một đô thị xanh được thiết lập từ đầu (không qua giai đoạn là đô thị xám) và sẽ là đô thị chuẩn mực và là mũi nhọn kinh tế quan trọng nhất của Thủ đô chúng ta.
Để thiết lập mối cân bằng năng lượng và điều hoà không khí, khu vực này nhất thiết phải có kênh dẫn nước từ sông Đà về và có hồ chứa nước, đủ để cung cấp nước sinh hoạt và góp phần điều hoà khí hậu. Nơi đây cũng đủ quy mô để lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời và năng lượng trái đất. Vấn đề xử lý nước thải và rác thải phải được tính toán trong một chu trình khép kín.
Chùa Tây Phương.
Bên cạnh khu Làng Văn hoá các dân tộc, là các khu di tích thắng cảnh thiên nhiên như Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Trăm Gian, Chùa Tây Phương, khu Tản Viên Sơn Thánh, Đền Sóc Sơn, Đền Cổ Loa… Cùng với nó là các khu du lịch sinh thái, các Resort cho các Nhà đầu tư quản lý, các sân Golf…
Loại hình dự án này đã được hình thành, nhưng chưa được nghiên cứu đầu tư bài bản, nên còn mang nặng tính kinh doanh nhặt nhạnh, như ở khu vực Đồng Mô, Ba Vì, Suối Hai, Ao Vua… sự phát triển mang tính tự phát, nặng về khai phá, san ủi nhiều, yếu tố thiên nhiên môi trường chưa thực sự được trân trọng, đồng thời các giải pháp về vệ sinh môi trường kém, nên đã làm giảm đi tính hấp dẫn về giá trị văn hoá lịch sử của khu vực này. Bản thân các khu này không tạo nên đô thị xanh, nhưng đô thị xanh có thêm các khu vực này sẽ tăng thêm giá trị. Đó chính là “phần hồn” của đô thị xanh ở quanh vùng Thủ đô ngàn năm văn hiến, mà Singapore hay bất kì một đô thị xám ở một nước phát triển nào cũng không có được.
Đây là một phần rất quan trọng của Di sản văn hoá, nếu ta để mất đi, sẽ không hồi phục được, bởi vậy Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể, rà soát lại và có chính sách khai thác thận trọng và khoa học hơn.
Vấn đề dịch cư theo chiều đứng
Sau khi sát nhập cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và cả 4 xã của huyện Lương Sơn về địa giới hành chính của Thủ đô, thì dân số Thủ đô lúc này lên đến trên 6 triệu dân. Diện tích cả nội và ngoại thành Hà Nội sẽ được mở rộng, bao gồm phần lớn diện tích của các làng mạc hiện có và các cánh đồng trồng lúa, trồng hoa mầu, nơi hiện đang tạo việc làm và nuôi sống trên 3 triệu người nông dân và thợ thủ công. Lúc đó, ta phải giải quyết vấn đề này ra sao?
Trong quá trình đô thị hoá những năm trước đây và những năm sắp tới, một số ít làng mạc thôn xóm có thể bị thu hồi 100% đất để xây đô thị mới, phần đông làng xóm khác chỉ bị thu hồi một phần ruộng canh tác. 3 triệu người nông dân tuy đã bị mất một phần ruộng, nhưng phần đông trong số họ vẫn ở lại trên quê hương, họ lại đã có tiền đền bù, có người mất hết ruộng nhưng lại có rất nhiều tiền mà cả đời họ chưa bao giờ có thể mơ tới. Làm cách nào để giúp người nông dân tiêu tiền vào những việc thiết thực và giúp họ tạo dựng cơ nghiệp mới, giúp họ nâng cao mức sống, để họ thực sự trở thành “người Thủ đô”? Giải quyết được vấn đề này là một việc có ý nghĩa kinh tế và xã hội vô cùng lớn.
Để có thể giải quyết được bài toán khó này, nhất thiết phải thực hiện một cách triệt để các dự án Dịch cư theo chiều đứng.
Dịch cư theo chiều đứng là một quá trình chuyển hoá về nghề nghiệp, trình độ, mức sống, lối sống, nhà ở, điều kiện phục vụ hạ tầng… Trong quá trình đó, những con người vốn sống ở nông thôn nghèo nàn lạc hậu này sẽ dần dần tạo dựng được một nếp sống đô thị, họ sẽ được tiếp thu một nếp sống Đô thị sinh thái mà không bị cuốn hút vào Đô thị bê tông mầu xám.
Các bước dịch cư theo chiều đứng
Thực tế nhiều năm qua cho thấy người nông dân vốn cần cù chất phác, nhưng họ sống đơn giản, ít lo toan tính toán. Bởi vậy, khi được đền bù khá nhiều tiền, họ chỉ biết xây nhà và sắm sửa chi tiêu vô ích. Có người chỉ sau một thời gian ngắn đã rơi vào cảnh bần cùng hoá.
Tuy vậy cũng có nhiều người biết sử dụng đồng tiền vào việc hữu ích và trở nên rất giàu: Dân trồng đào ở làng Nhật Tân quận Tây Hồ đã sang Đông Anh mua đất mầu về cải tạo được 35 ha đất trồng đào, do đất ít, người ta chuyển sang trồng đào thế cho thuê. Có nhiều người một vụ Tết thu được 5-7 trăm triệu đồng; ở quận Hoàng Mai, có gia đình sau khi nhận tiền đền bù rồi, họ vẫn còn gần 1000 m2 đất, giá đất đang lên nhưng ai hỏi mua họ đều từ chối không bán. Cả gia đình quây quần lại làm nghề sản xuất đậu phụ và nuôi lợn. Họ lại có tiền sắm ô tô để về các chợ quê mua đậu hạt và hàng ngày chở đậu phụ đến những người mua buôn, cuộc sống của họ nhờ đó mà ngày càng khá giả.
Về nghề nghiệp phải được phân loại và có hỗ trợ chỉ dẫn của chính quyền. Có những vùng vẫn tiếp tục trồng lúa nhưng cũng có vùng chuyển sang trồng rau, trồng hoa, trồng dâu nuôi tằm, dệt củi, ươm tơ hoặc làm các nghề thủ công phù hợp với năng khiếu và truyền thống địa phương. Đặc biệt các vùng xanh đan xen này rất thuận lợi tạo dựng khu nghỉ cuối tuần theo hình thái Du lịch toàn dân.
Về quy hoạch
Các cộng đồng dân cư vống sống theo tổ chức làng xã, nay cần được quy hoạch lại để phù hợp với dây chuyền công nghệ cung cấp năng lượng, cấp nước… và với tổ chức ngành nghề mới (sản xuất rau, hoa khác… với sản xuất lúa ngô khoai sắn, sản xuất đồ thủ công mât tre, đồ mộc, khác với các nghề làm bún, miến, đậu phụ hoặc dệt vải ươm tơ…)
Về kiến trúc
Xưa kia, khi chưa có tiền, người nông dân chỉ mong làm được ngôi nhà ngói 3 gian hai chái. Ngày nay, quê hương họ trở thành đô thị, người dân nơi đây đều đã có chút tiền và đều đang khao khát có ngôi nhà mới và đang khao khát đổi đời. Tìm ra được một loại hình kiến trúc thích hợp đã khó, giúp cho người dân chấp nhận những loại hình đó còn khó hơn. Nếu để tự do, người ta lập tức tự xây ngay một nhà ống bằng bê tông cao 3, 4 tầng... Điều đáng tiếc là họ chỉ nhận thức được ngôi nhà đó không phù hợp với cuộc sống của họ khi ngôi nhà đã xây xong, muốn làm lại thì họ không còn tiền nữa. Hãy tìm cho người nông dân những mẫu kiến trúc thích hợp để họ chuyển đổi cuộc sống. Việc tuyên truyền giải thích về cái đẹp thôi, chưa đủ sức thuyết phục.
Cần chọn lựa và bắt đầu từ những hộ gia đình có nguyện vọng tham gia hình thái Du lịch toàn dân để giúp người dân hiểu được loại kiến trúc nào là thực sự văn minh và được những người văn minh ưa chuộng? Cần xây dựng thử các Prototyle để giúp người dân những bài học trực quan. Ở Mai Châu - tỉnh Hoà Bình chỉ nhờ một ông già biết tiếng Pháp trước năm 1954 mà cả làng trở thành một địa chỉ hấp dẫn về hình thái du lịch toàn dân. Không lẽ gì Sóc Sơn, Ba Vì, Ao Vua… không làm được?
Đây là một công việc vô cùng khó. Nhưng khó chứ không phải không làm được. Sóc Sơn cách sân bay 4km, có thể lập một trại sáng tác kiến trúc để trưng bày các hình mẫu trên địa bàn thực.
Theo T/C Quy Hoạch Xây Dựng
- 0
- By Admin
- 17/09/2008
- 17