• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đô thị mới có làm méo mó hình ảnh nhà ở Hà Nội?

Nhưng do sự phát triển không đồng bộ, các đô thị mới đang xuất hiện hàng loạt bất cập khiến nhiều người đang phải băn khoăn khi lựa chọn đến sống ở những khu vực  này...

Hiện nay ở Hà Nội, thuật ngữ “Khu đô thị mới” thường được hiểu là một khu nhà ở mới xây dựng tập trung theo quy hoạch được duyệt, có đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống nhà ở và các công trình công cộng khác để sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc không kinh doanh.

Các khu đô thị mới trong thời kỳ này được xây dựng để giải quyết nhu cầu nhà ở của đông đảo người dân đô thị trong thời kỳ thành phố Hà Nội phát triển vượt bậc sau đổi mới.

Về địa điểm xây dựng, hầu hết các khu đô thị mới ở Hà Nội đều được xây dựng ngay cạnh các trục giao thông. Có một số khu đô thị mới bám mặt đường quốc lộ hoặc tiếp giáp 2 đến 3 tuyến đường chính gây mất an toàn giao thông và làm ô nhiễm môi trường ở của cư dân.

Thêm một bất cập nữa, đó là nhiều khu dân cư cũ đã bị xoá bỏ để giải phóng mặt bằng lấy đất xây khu đô thị mới, nhưng qua một thời gian sống, các khu đô thị mới lại chẳng hơn được khu ở cũ của người dân. Dọn về khu ở mới chưa được bao lâu, các cư dân phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn về phí dịch vụ cao, thiếu không gian cây xanh, không gian giao tiếp công cộng. Thậm chí, khi chọn lựa cho mình nơi sinh sống là các chung cư cao cấp, người dân cũng bị đối mặt với quá nhiều khổ sở dẫn đến phải kiện cáo…

Đô thị mới có làm méo mó hình ảnh nhà ở Hà Nội? | ảnh 1
Đô thị mới là một xu thế phát triển tất yếu, nhưng chính đô thị mới cũng làm méo mó hình ảnh nhà ở Hà Nội.

Các vấn đề nảy sinh trong các loại khu đô thị mới khác nhau cũng rất khác nhau. Các khu đô thị cao cấp xây dựng theo kiểu phương Tây, du nhập vào bởi các chủ đầu tư ngoại quốc từ Tây Âu, Hàn Quốc, Indonesia... với không gian ngăn nắp, quy củ đến cứng nhắc và gò bó này không phù hợp với lối sống của phần lớn người dân Hà Nội. Hàng rào quanh khu đô thị tưởng chừng để tạo sự an toàn cho người dân nhưng thực tế nó không ngăn chặn được trộm cắp mà ngược lại, nó còn khoanh định khu vực thu hút sự chú ý của các đối tượng tội phạm.

Mặt khác, theo TS.KTS Lương Tú Quyên, TS.KTS Đỗ Thị Kim Thành (Khoa Quy hoạch đô thị - Nông thôn, Đại học Kiến trúc Hà Nội), tường bao và người gác cổng tạo thành sự ngăn cách giữa khu đô thị cao cấp với cộng đồng dân cư xung quanh, gây khó khăn, tạo tâm lý ngại ra vào cho chính khách khứa, bạn bè và người thân mỗi khi nhà nào có công việc hiếu hỉ, tiệc tùng.

Ngoài ra, đa phần các khu đô thị mới được xây dựng tại các khu vực ngoại ô của thành phố Hà Nội trước khi mở rộng, ít nhiều đều lấy đất canh tác hoặc đất thổ cư của nông dân, ngạo nghễ tồn tại bên cạnh các làng xóm cũ tạo thành sự tương phản trong không gian giữa hai khu vực, làm cho mâu thuẫn giàu nghèo càng trở nên sâu sắc.

Liên quan đến vấn đề này, một thống kê sơ bộ cho thấy, ở Hà Nội hiện có 1200 làng nghề thủ công, nhưng đang hoạt động có hiệu quả và được công nhận chính thống chỉ có 256 làng nghề. Nhưng, các làng nghề còn lại đang dần dần bị “mất chỗ” chỉ vì sự xâm thực quá nhanh chóng của các khu đô thị mới.

Theo thống kê của UBND TP.Hà Nội riêng trên địa bàn H.Mê Linh có gần 40 dự án nhà ở, khu nhà vườn, khu công nghiệp, chung cư, biệt thự nhà vườn, dịch vụ giải trí, du lịch... Tiêu biểu là các dự án như khu đô thị Cienco5 (68ha); khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong; khu đô thị mới CEO (21ha); dự án Diamond Park (14ha), khu đô thị Tiền Phong, khu đô thị mới AIC (hơn 90 ha), khu đô thị mới Minh Giang Đầm Và,…

Theo báo cáo tổng hợp các dự án đang triển khai bồi thường năm 2010 tính đến ngày 1/1/2011, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 45 dự án đang được triển khai, chiếm đến 365,09ha đất trên địa bàn.

Tương lai mở ra cho huyện Mê Linh có vẻ rất sáng sủa. Nhưng, việc ồ ạt phát triển đô thị đang biến cánh đồng hoa đẹp đẽ ở đây biến mất.

Về mặt lô gic, việc giữ đất nông nghiệp và phi nông nghiệp không phải là điều tối ưu trong bối cảnh hiện nay, nhất là mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng là chủ trương đúng đắn. “Việc lấy đất để thực hiện các dự án, hình thành các khu đô thị mới là việc không tránh khỏi trong xu thế hiện nay, đặc biệt trong quá trình phát triển của Hà Nội”, ông Nguyễn Trọng Ký, Phó Tổng Giám đốc công ty Techcovina nói. Có điều, giải quyết ra sao với vấn đề đất nông nghiệp chuyển sang khu đô thị, đất trồng hoa dành để làm dự án là cả một vấn đề cần quan tâm xem xét. Mục đích xây dựng các khu đô thị mới để tạo ra môi trường sống sầm uất, nhưng rất có thể sự sầm uất ấy được tạo dựng lên bên cạnh sự xơ xác của một làng nghề, của những người dân chỉ biết quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”!

Nhà quê giữa phố!

Có một thực tế khó chối bỏ là hệ thống các công trình dịch vụ công cộng trong các khu đô thị mới phần lớn đều không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một vài siêu thị với hàng hoá nhu yếu phẩm, đồ đông lạnh và đồ hộp không cung cấp được thực phẩm tươi sống và yêu cầu mua bán giá rẻ. Bể bơi, sân tenis không đủ để nghỉ ngơi và vui chơi giải trí; nhà trẻ, mãu giáo và bãi đỗ xe quá tải so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, chợ có đã mọc lên ở hầu khắp các khu đô thị mới. Cảnh mua bán, rác rưởi… làm nhiều người buộc phải liên tưởng đến những khu chung cư cũ đang tồn tại như một thách thức lớn đối với việc phát triển nhà ở tại thủ đô.

Tại những khu quá cao cấp nếu chợ cóc không được mở tự phát, người dân trong khu đó buộc phải ra ngoài để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của mình.

Theo KTS Trần Huy Ánh, nhờ sự đóng băng của thị trường bất động sản Hà Nội, sẽ có nhiều sáng kiến phục vụ khách hàng tận tình hơn. Những cuộc sàng lọc này sẽ hình thành mô hình nhà ở lý tưởng trong tương lai của Hà Nội, đáp ứng được cả nhu cầu ở và tạo ra nét đặc thù riêng cho thủ đô .

Cũng theo KTS Ánh, một TP muốn đẹp thì phải có sự chung tay của tất cả các cư dân TP, không một KTS tài năng nào có thể làm thay mấy triệu cư dân được. Muốn cả TP chung tay thì mỗi công dân phải biết nhiệm vụ cụ thể của họ là gì, nếu họ tích cực thì họ sẽ nhận được gì. Đã từng có những ngày đẹp đẽ như vậy từ những năm 1960, cả TP ăn cơm nhà đi đào hồ, gánh đất làm ra công viên Thống Nhất, đường Thanh Niên… Thời nay cũng vậy. Nếu như tất cả các dự án đô thị được minh bạch: đất TP giao cho ai, cư dân TP được lợi gì ? Các công trình xây dựng mới xây bằng gì? Hết bao nhiêu, kiểm soát thế nào? Người dân cần góp gì, có được thảo luận bình đẳng không, các ý kiến của các chuyên gia có được tôn trọng không …Thế nào cũng có nhiều ý tưởng hay. Ngược lại thì nó cứ thế thôi, nhưng chúng tôi vẫn tin HN sẽ có một tương lai tốt, vì đã từng chứng kiến nhiều dự định làm HN xấu đi đã phá sản mà không biết tại sao, có lẽ đấy là số phận của Hà Nội.

(Theo VnMedia)

  • 0
  • By Admin
  • 13/12/2011
  • 17