Đô thị hóa đang thiên vị tăng trưởng kinh tế
Địa bàn khảo sát báo cáo là các xã Đình Dù (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Vũ Quý (Kiến Xương, Thái Bình) và Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM). TS. Dinh và các cộng sự đã tiến hành điều tra, thu thập dữ liệu, xây dựng báo cáo từ tháng 12/2007 cho đến tháng 9/2008.Nguy cơ "trắng tay"
Kết quả điều tra các hộ bị thu hồi đất cho thấy nguyên nhân khiến họ không có khả năng chuyển đổi ngành nghề và phát triển sản xuất là do khi bị thu hồi đất, họ đã mất đi tư liệu sản xuất chính và thiếu các điều kiện cơ bản trong kinh doanh cũng như trợ giúp ổn định sinh kế.
Điều tra tại TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên và Thái Bình cho thấy có tới 83% số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp, 66,58% số hộ thiếu vốn kinh doanh và 54,26% số lao động chưa có nghề ổn định.
Báo cáo dẫn lời của ông Nguyễn Văn Sàn, xã Đình Dù nói có thực trạng "các cháu trẻ lang bạt kỳ hồ kiếm ăn, tuổi già, lỡ chừng thì không có ruộng, hết việc làm".
Hay ông Đỗ Xuân Thụy, Bí thư chi bộ thôn Vũ Quý, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, Thái Bình cho biết: "Khi nhận tiền hỗ trợ việc làm, ai có nhu cầu vào làm việc tại công ty, phải đóng 1 xuất 5 triệu đồng. Nhà có nhiều người vào làm, phải bù tiền đất vào, thế là tiền đền bù chi phí đóng hết cho mua xuất vào làm tại công ty."
Đối tượng chủ yếu không tìm được việc làm sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp là những lao động có độ tuổi cao, trên 40, nhất là lao động nữ. Số này vừa già vừa yếu vừa khó đào tạo nghề mới nên không có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp lớn.
Không có việc làm đã dẫn đến một thực trạng không hiếm là nguy cơ "trắng tay" khi sử dụng hết tiền đền bù đất. Có không ít những người còn tiêu xài tiền đền bù vào cờ bạc, đề đóm... Ở TP Hồ Chí Minh, số này chiếm khoảng 44,45%, Hưng Yên 26% và Thái Bình 14%.
Nhiều hộ nông dân khi nhận được tiền đền bù không biết chuyển sang kinh doanh nghề gì, đã dùng số tiền này cho ăn uống, tiêu dùng hàng ngày. Khi hết tiền, họ trở thành người nghèo và nảy sinh tâm lý chán nản.
Một nông dân, bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đình Dù đưa ra nhận xét: "Tình trạng tái nghèo diễn ra nghiêm trọng đối với các hộ bị thu hồi đất, chỉ có khoảng 60% tạm lo được cuộc sống còn 40% trở nên nghèo".
Trình độ người xây dựng chính sách còn hạn chế
Theo nhóm thực hiện báo cáo, số đông dân chúng có cảm nhận "quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa còn thiên vị nhu cầu tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến sự phát triển bền vững của vùng nông thôn đô thị hóa, trước hết là vấn đề thu nhập, việc làm, sức khỏe cộng đồng, văn hóa và những vấn đề an sinh xã hội".
Báo cáo cũng dẫn lời của ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng chính sách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên nhận xét: "Trình độ của người xây dựng chính sách thu hồi đất còn hạn chế, quá thiên về chính sách trải thảm đỏ cho doanh nghiệp".
Có trường hợp như bà Trương Thị Tuyến, Phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nêu ra, đó là có nhiều doanh nghiệp xin dự án chỉ để mua đi bán lại đất đai kiếm lời từ chênh lệch giá đất.
"Phải giải quyết hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Như hiện nay mới chỉ tạo lợi ích cho doanh nghiệp là chính", bà Tuyến nói.
Đồng nghiệp của ông Tâm, bà Trịnh Kim Uyên băn khoăn: "Việc đào tạo nghề, tạo nghề mới cho nông dân bị thu hồi đất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chưa có chính sách điều tiết giữa doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân cùng kết hợp làm các khu đô thị, gắn một chút quyền lợi của người dân vào phát triển các khu công nghiệp, tránh gây thiệt thòi, mất công bằng về thu nhập và đời sống trong quá trình đô thị hóa".
PGS.TS Đinh Ngọc Dinh, Chủ nhiệm dự án đưa ra kết luận: "Những bức xúc lớn, bất bình của người dân bị thu hồi đất là do họ không được thụ hưởng mức chênh lệch giữa giá đền bù đất nông nghiệp với giá cơ hội tăng lên tới hàng chục, hàng trăm lần khi mặt bằng đất đó được chuyển mục đích sử dụng, từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, mà những lợi ích theo giá cơ hội này hầu như chỉ dành cho doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư".
Theo Vietnamnet
- 0
- By Admin
- 27/09/2008
- 17