• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đồ gỗ nội thất gặp khó tại thị trường trong nước

Thống kê của Bộ Công thương 9 tháng đầu năm 2012 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 19,7% và nhập khẩu 1,1 tỷ USD, tăng 6,4%. Tuy nhiên, kim ngạch và lợi nhuận lại tỷ lệ nghịch, lợi nhuận ròng của ngành đạt thấp, chỉ khoảng 5 - 7% so với 8 - 9% của năm 2010. Mặc dù cơ cấu xuất khẩu đã chuyển biến tích cực từ gỗ thô sang các mặt hàng dân dụng có kỹ thuật, mỹ thuật cao hơn, nhưng nguồn nguyên liệu của Việt Nam thiếu trầm trọng. Hàng năm phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu gỗ, chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm.

Gặp khó trên sân khách, nội thất đồ gỗ Việt Nam đành tìm về sân nhà, nhưng sân nhà đã chật đông “khách ngoại”. Kết quả khảo sát thị trường của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy, năm qua, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của DN Việt Nam, còn lại thuộc về các sản phẩm của các DN nước ngoài. Đồ gỗ Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ nội thất đang chật vật tìm “miếng cơm” ngay trong chính "cái nồi" của mình là thực tế không thể phủ nhận.

Đồ gỗ nội thất gặp khó tại thị trường trong nước | ảnh 1
Các DN đồ gỗ nội thất Việt Nam đã để thị trường nội địa rơi vào tay các DN ngoại


Tại các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… khó có thể tìm thấy một thương hiệu đồ gỗ “made in Vietnam” lấn lướt được hàng nhập ngoại. Các tên tuổi lớn vẫn thuộc về Chilai, Klassy, Nhà Xinh, Phố Xinh, Nhà đẹp… với sản phẩm là hàng ngoại nhập, chứ không phải là Danh Mộc, Mifaco, Lavanto, Thiên Ấn, Trần Đức, Thanh Dũng, Trường Thành hay Đồng Kỵ…, mặc dù vài năm trở lại đây, xu thế dùng gỗ tự nhiên đã trở lại trong thói quen tiêu dùng của người Việt.

Hội chợ triển lãm đồ gỗ và trang trí nội thất được tổ chức tại Tân Bình, Tp.HCM đầu tháng 11 vừa qua cho thấy, mẫu mã của các thương hiệu đồ gỗ Việt thua xa so với Klassy, Phố Xinh hay Chilai. Chị Ngọc, khách hàng tại Triển lãm nhận xét: “Chưa biết chất lượng thế nào, nhưng điều cần đầu tiên là phải bắt mắt thì đồ gỗ của mình lại gây thất vọng, mẫu mã đơn điệu, đường nét cẩu thả…”. Vừa nói, chị vừa túm tay lắc mạnh một cái giường trong Triển lãm. “Giường mang đi triển lãm mà vẫn kêu… cọt kẹt”.

Dù tự tin về thương hiệu của mình so với các thương hiệu nội địa khác, với vị trí nhất nhì Tp.HCM, nhưng bà Phạm Phương Liên, Phó giám đốc Thanh Dũng Furniture cho biết, Công ty chỉ đa dạng sản phẩm bán nội địa chứ không mơ mộng gì chuyện xuất khẩu.

Tại khu vực phía Bắc, thương hiệu gỗ Đồng Kỵ - tỉnh Bắc Ninh với các sản phẩm gỗ nội thất đạt đến độ tinh xảo, mẫu mã đẹp và chất lượng tốt cũng không tránh khỏi hệ lụy thời khủng hoảng. Hiện nhiều cơ sở sản xuất cũng như công ty thuộc làng nghề này phải “đóng cửa” vì không bán được hàng mà nguyên nhân vẫn là “quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, mà giờ thì thị trường này cũng đang gặp khó khăn. Do quá tập trung vào thị trường Trung Quốc, đồ gỗ Đồng Kỵ đã không chú trọng quảng bá thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối trong nước, dẫn đến tình trạng “lơ ngơ” khi trở lại với thị trường nội địa.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM nhận định: “Thị trường nhà ở vốn đóng góp 90% nhu cầu của thị trường đồ gỗ nội thất, nhưng DN chưa nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng để đưa ra xu hướng thiết kế phù hợp với không gian nội thất”.

Thực tế, thị trường trong nước đang bị các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan chiếm lĩnh. Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và mỹ nghệ Tp.HCM Huỳnh Văn Hạnh thừa nhận, doanh số ở thị trường nội địa cho thấy, nhiều năm qua, chúng ta đã không khai thác tốt thị trường trong nước. Nếu chịu đầu tư, các DN hoàn toàn có thể tăng doanh số trong những năm tới.

Thách thức luôn đi cùng cơ hội, khi thị trường thế giới khó khăn, quay lại thị trường nội địa là việc làm muộn còn hơn không. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty Mifaco cho biết, hiện doanh thu xuất khẩu của Công ty khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm, nhưng nếu khai thác tốt thị trường nội địa thì vài năm tới, cũng có thể đạt được con số tương đương. Tuy nhiên, cần phải có sự liên kết để tham gia vào chuỗi sản phẩm phù hợp với mình.

(Theo ĐTCK)

  • 235
  • By Admin
  • 20/11/2012
  • 17