Dinh thự vàng trên cao nguyên trắng
Nhưng nếu từng lên Bắc Hà, chắc hẳn sẽ thấy sắc trắng của rừng mơ dịp xuân sang như chỉ làm nổi bật thêm dinh thự sắc vôi vàng của ông vua Mèo Hoàng A Tưởng, một kiến trúc cổ hiếm hoi và độc đáo nhất của miền cao Tây Bắc từ hơn 80 năm qua.Chóp mái của gian nhà chính với sự hoà hợp Á – Âu trong chi tiết trang trí |
Con đường về quê hương của rượu ngô, của mùi thắng cố ngai ngái ở các chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, Cốc Ly… nay đã giản đơn thật nhiều, chỉ một đêm trên chuyến xe liên tỉnh từ Hà Nội, sớm hôm sau đã có mặt ở Bắc Hà để tha hồ phiêu bồng với danh lam thắng cảnh. Còn với những người đam mê vẻ đẹp kiến trúc, dinh thự của ông vua Mèo Hoàng A Tưởng nằm ngay trung tâm thị trấn Bắc Hà thực sự là một điểm khám phá không thể bỏ qua.
Các trụ đỡ thẳng đứng tạo điểm nhấn rõ rệt theo phong cách kiến trúc Tây Âu |
Vùng đất Bắc Hà xưa do một tộc trưởng người Tày có tên là Hoàng Sín Dần đến định cư từ hơn 200 năm trước và trở thành thổ ti của vùng đất này. Ở thời kỳ phong kiến của Việt Nam, chế độ thổ ti được quy định cho các tù trưởng hay chúa đất ở các vùng dân tộc thiểu số, cai quản một vùng đất rộng lớn theo kiểu cha truyền con nối và chịu thuần phục của triều đình trung ương. Con cháu đời sau của Hoàng Sín Dần là Hoàng A Tưởng, cũng trở thành một thổ ti theo nguyên tắc ấy, được giao cai quản vùng Bắc Hà ở đầu thế kỷ 20 và được người bản địa gọi là “vua Mèo”. Nguyên do Hoàng A Tưởng trở thành “vua Mèo” (vua của người H’mông) vì vùng đất này có đến 80% dân số là người H’mông. Gia đình Hoàng A Tưởng cai quản một vùng rộng lớn trồng cây thuốc phiện, và đứng đầu độc quyền trong lĩnh vực giao thương các mặt hàng như muối, thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng tiêu dùng, bán cho các đồn binh của Pháp, và giao thương qua ngả Bắc Hà lên vùng Vân Nam của Trung Quốc, trở thành một lãnh chúa giàu có, quyền uy nhất vùng.
Gian nhà chính là nơi ở và làm việc của vua Mèo Hoàng A Tưởng. |
Nhờ những phi vụ làm ăn với người Trung Quốc, những mối bang giao với các đồn binh Pháp, cộng với của cải vật chất dồi dào, Hoàng A Tưởng quyết định xây dựng cho mình một dinh cơ nhằm phô trương sự sành điệu, giàu có và cũng dùng dinh cơ đó làm thành luỹ bảo vệ gia đình mình. Công việc chuẩn bị xây một khu nhà ở hiện đại với quy mô và tầm cỡ thuộc vào bậc nhất Tây Bắc thời bấy giờ được cân nhắc tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Vua Mèo cho mời một thầy địa lý nổi tiếng của Trung Quốc sang tìm thế đất, tương truyền mất đến 2 năm ông thầy phong thuỷ mới chọn được vị trí đắc địa, âm dương giao hoà, sơn thuỷ hữu tình để đặt viên đá đầu tiên cho công trình xây dựng dinh thự. Mặt chính diện của dinh thự quay về hướng đông nam, lưng tựa núi Cô Tiên tạo sự vững chãi, chắc chắn, trước mặt là dòng suối uốn lượn, theo thế “tựa sơn đạp thuỷ”, xa hơn là dãy núi mẹ bồng con như bức bình phong che chắn lam sơn chướng khí.
Hình tượng con dơi trong kiến trúc dinh vua Mèo. |
Đến khi xây dựng công trình, vua Mèo không giữ bản sắc dân tộc của mình trong kiến trúc nhà ở theo kiểu nhà sàn gỗ của người Tày, mà quyết định tạo một sự phá cách độc đáo. Ông cho mời hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc đến thực hiện việc thiết kế dựa trên thế đất mà thầy phong thuỷ đã chọn. Kiến trúc dinh thự Hoàng A Tưởng hình thành từ sự kết hợp độc đáo của hai trường phái Đông Phương và Tây Âu trong xây dựng, với các nguyên vật liệu sánh vào hàng xa xỉ là xi măng, sắt thép, nếu so với các kiến trúc cùng thời ở Tây Bắc lúc bấy giờ. Sự hoà trộn của hai trường phái này đã hình thành nên một ngôi nhà độc nhất vô nhị, trông khá giống cách dựng nhà kiểu tứ hợp viện của Trung Quốc, hay kiến trúc hình chữ “khẩu” với bốn mặt kết cấu liên hoàn khép kín, có bố cục chặt chẽ khi các cửa đều hướng ra khoảng sân rộng, nơi được dùng thiết tiệc và tổ chức các đêm xoè đặc trưng của người Tày.
Mặt tiền chính của dinh thự. |
Dinh thự bắt đầu xây dựng từ 1914, việc thực hiện giám sát do hai kiến trúc sư người Trung Quốc và người Pháp đảm nhiệm. Vật liệu sắt thép, chất kết dính được chuyển lên từ miền xuôi bằng phương tiện máy bay, hoặc dùng sức ngựa kéo từ Lào Cai đưa vào; các loại đá, cát, mật mía để trộn vữa lấy từ các nguồn ở địa phương, gạch ngói cũng được sản xuất bằng nguồn đất sét tại chỗ, việc nung gạch do các chuyên gia người Trung Quốc phụ trách.
Sự bề thế, hài hoà theo triết lý Đông Phương và kiến trúc thuộc địa trong dinh thự Hoàng A Tưởng được phô diễn rất rõ ràng. Từ hai cầu thang lượn theo lối lên tiền sảnh thể hiện sự sang trọng, với kết cấu đối xứng vừa tạo thế vững chãi, vừa tạo nên điểm nhấn trang trí cho phần mặt tiền thêm đẹp và uy nghi hơn. Các bức phù điêu đắp nổi ở các chi tiết góc cột, đầu hồi mang hình con dơi (hàm ý chữ Phước, Phúc), các ô gió mang biểu tượng chữ “thọ”, một nét trang trí mang âm hưởng Phương Đông không thể nhầm lẫn, xen đó là các hàng cột, trụ đỡ thẳng đứng, khuyết từng nét sổ thẳng chống đỡ các khung vòm với trần cao thông thoáng đậm nét Tây Âu. Từng chi tiết của dinh thự đều là một sự tác hợp hoàn hảo từ công năng sử dụng đến góc độ mỹ thuật trong trang trí nội – ngoại thất.
Cầu thang dẫn lối lên tầng của nhà chính và nhà phụ phía sau. |
Dưới các vòm nối của dinh thự có khá nhiều những mảng đắp nổi hình bông lúa, một kiểu tư duy phồn thực, sinh sôi nảy nở đậm triết lý Á Đông, nhưng xét về mặt kiến trúc thì đây là một chi tiết trang trí khá lạ mắt hiếm thấy ở các kiến trúc thuộc địa cùng thời ở khắp vùng Bắc Bộ. Đứng từ khoảng sân nhìn lên gian chính, chóp mái chính diện có bức phù điêu đắp nổi hai cành nguyệt quế đối xứng, ở giữa gắn tấm gương lớn, lại là một sự hoà trộn Á – Âu trong chi tiết trang trí ngoại thất, dưới tấm gương ghi 1921, đây chính là năm hoàn tất dinh thự vua Mèo trong suốt 7 năm liền xây dựng.
Các phòng chính – phụ bố cục chặt chẽ, cửa đều hướng ra khoảng sân rộng. Cửa vòm, hành lang, lan can… những chi tiết quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thuộc địa. |
Diện tích khu dinh thự đến hơn 10.000 mét vuông, diện tích xây dựng nhà chính 420 mét vuông với kết cấu 2 tầng, ba gian, dùng làm nơi sinh hoạt gia đình, hội họp. Hai bên tả hữu nhà chính là hai dãy nhà ngang ba gian thấp hơn nhà chính làm phòng ở riêng cho các bà vợ thứ của Hoàng A Tưởng và hai kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà với tổng diện tích 300 mét vuông. Tiếp giáp với hai dãy nhà này còn có hai nhà phụ, dùng làm nhà kho và nơi ở cho binh lính và nông phu, có tổng diện tích 160 mét vuông. Các gian nhà tuy không đồng nhất về mặt chiều cao, được bố trí lệch tầng, nhưng kết lại với nhau rất nhịp nhàng và thanh thoát. Đây là một kiến trúc hiếm gặp của thời kỳ thuộc địa, với công năng vừa làm nhà ở, làm việc, và cũng là pháo đài để phòng thủ, bảo vệ. Dinh thự vua Mèo thực sự là một nét chấm phá độc đáo, một quần thể kiến trúc đẹp trên quê hương của rượu ngô, của những phiên chợ rộn ràng sắc màu thổ cẩm ở miền cao nguyên trắng Bắc Hà, mà ai từng đến, hẳn phải hơn một lần nhớ.
(Theo SGTT)
- 358
- By Admin
- 02/05/2012
- 17