Dinh lãnh sự Pháp: Lịch duyệt dáng cũ hồn xưa
Toà nhà mang những nét đẹp của kiến trúc Pháp thế kỷ 19 này thoạt đầu được dùng làm tư dinh của các vị tướng điều khiển quân đội Pháp tại Nam bộ. Vì lý do quan trọng đó nên dinh được thiết kế sang trọng vào hàng bậc nhất trong số các dinh thự thời bấy giờ. Sau hiệp định Genève, tòa nhà được dùng làm tư dinh của Đại sứ Pháp tại Sài Gòn và từ 1975 đến nay, nơi đây là tư dinh của các Tổng Lãnh sự Pháp tại Tp. HCM.
Ngay từ khi được xây dựng, dinh thự này đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển chung của khu vực trung tâm Sài Gòn thời bấy giờ. Vừa mang tính biểu trưng quyền lực vừa đáp ứng sự tiện nghi một nhà ở nên phần kiến trúc và nội thất của nơi này có nhiều chi tiết độc đáo. Tòa nhà cũng là một trong những ví dụ sinh động cho lối kiến trúc biết khai thác và ứng dụng tích cực những yếu tố thời tiết, khí hậu, văn hóa của bản địa. Nằm trong khu công viên đầy bóng mát, kiến trúc nơi này có cấu trúc hình chữ nhật bao quanh bốn cạnh là hành lang rộng với những khung cửa sổ lớn nhìn ra khu vườn yên tĩnh. Nhờ đó ánh sáng và không khí trong lành có thể lùa vào tất cả các phòng. Không gian bên trong được chia thành những phòng rộng để sử dụng làm các không gian chức năng. Dẫn lối lên tầng trên là chiếc cầu thang duyên dáng nằm ở góc tây bắc của căn nhà.
Hành lang dài, thoáng rộng với nhiều cổ vật trưng bày ở hai bên |
Phòng ăn lớn với sức chứa tối đa cho 16 thực khách là một không gian sáng và ấm cúng nhờ vào những vật liệu ấm của bàn ghế và tủ gỗ, ban ngày căn phòng đầy ánh sáng từ những khung cửa lớn mở ra phía những hành lang thoáng đạt. Khi trào lưu sử dụng máy điều hòa bắt đầu thịnh hành những năm 60s, những song cửa sắt mang phong cách Art Deco mở ra hành lang đã được thay thế bằng những ô cửa kính. Phòng khách lớn với trần cao 6 mét và thoáng mở nên không gian lúc nào cũng thư thái và mát mẻ. Căn phòng này có trần được trang trí bằng motif các hình ô vuông, đây là chi tiết tạo ra nét riêng so với kiến trúc còn lại. Đồ nội thất được chế tác tinh xảo từ các lọai gỗ quý có nguồn gốc từ thời nhà Nguyễn và đã được phục chế một lần vào thời gian những năm 50s. Trong phòng còn có khá nhiều đồ trang trí mang nét dân dã cổ truyền Việt Nam như những đồ trang trí sơn son thếp vàng, những loại đồ sành sứ và các tác phẩm nghệ thuật giá trị như tranh sơn mài của họa sỹ Nguyễn Gia Trí.
Dẫu thế, qua tác động của dòng chảy thời gian, việc trùng tu cho dinh là điều cần kíp. Dinh được đại trùng tu vào năm 1959 và mới nhất là trong hai năm từ 1998 và 1999 do công ty Glauser thực hiện. Với nhiều nỗ lực trong tôn tạo và giữ gìn, kiến trúc của dinh vẫn giữ đúng theo nguyên bản và có rất ít sửa đổi so với bản đồ thiết kế gốc khi toà nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Công việc bắt đầu từ việc sửa chữa mái ngói, các thanh xà ngang đuợc thay mới cùng với những viên ngói được làm đúng như ban đầu. Những bức tường được xử lý lại để chống thấm tốt hơn, cải tạo hệ thống điện nước và sau đó là gia cố lại khung sắt của trần nhà - vốn được thiết kế với nhiều chi tiết khá tương đồng với các chi tiết tại Bưu điện Trung tâm Thành phố. Thêm vào đó, phần mái che của cầu thang bên ngoài dẫn lên sảnh lớn đã được tháo dỡ để làm tăng thêm nét thanh nhã của mặt tiền. Khu vườn với những cây cổ thụ cũng được mở rộng và sáng hơn bằng việc chặt bớt cây và dời vị trí hồ bơi ra xa.
Cũng trong thời gian sửa chữa, những người thợ vô tình cạo lớp sơn bên ngoài lan can hai chiếc cầu thang ở hai góc tòa nhà thì lộ ra lớp gang bên trong. Nhờ đó mới phát hiện ra những chiếc thang này có xuất xứ từ trên những chiếc tàu thủy quân Pháp thời xưa. Chiếc cầu thang độc đáo bằng gang nhờ chi tiết thú vị về nguồn gốc lịch sử đó mà tăng thêm giá trị. Dù có một số thay đổi nhưng nhờ công tác bảo tồn đầy tính cẩn trọng nên diện mạo của dinh thự vẫn nguyên vẹn những nét tinh tế như ban đầu và không gian kiến trúc cũng như nội thất vẫn đậm tinh thần của những ngày cũ.
Cầu thang cuốn bằng gang mang giá trị lịch sử thú vị |
Bước qua cánh cổng cao là chúng ta như đi lạc vào một khu vườn nhiệt đới tươi mát với thảm cỏ và bóng cây. Những bức tường lớn ngăn cách giữ đã lại sự ồn ào và náo nhiệt bên ngoài để cho bên trong này luôn có được một không gian tĩnh tại và trang trọng. Và phần khám phá còn lại thuộc về không gian nội thất của dinh thự, vì thế, càng trở nên nhiều hấp dẫn.
Phòng khách lớn với trần cao 6m được trang trí bằng các motif hoa văn vuông và không gian luôn mát mẻ, thư thái |
Khuôn viên rợp bóng xanh, yên tĩnh với tiếng chim hót và gió lao xao qua lá, toát lên hình ảnh hiền hoà của một khu vườn nhiệt đới đặc trưng. |
- 375
- By Admin
- 05/08/2013
- 17