Định hướng nào cho thị trường bất động sản cuối năm?
Với những lợi thế như vậy, liệu điều gì sẽ xảy ra với bản thân nội bộ thị trường BĐS?Khách hàng ùn ùn đi xem đất dự án Green River ở Bình Dương ngày 9.10. Ảnh: Quỳnh Mai |
Lợi thế thu hút vốn nhàn rỗi
Hiện nay theo các chuyên gia, trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nhàn rỗi, BĐS đang có lợi thế nhất định. Trong vòng 1 năm nay, VNINDEX chỉ quẩn quanh mốc 450 - 550 điểm. Diễn biến thị trường cứ lên vài phiên sẽ có hàng loạt NĐT bán ra ồ ạt rồi thị trường lại rồi xuống vài phiên, cứ lình sình làm cho các NĐT phát chán. TTCK trở thành nơi kiếm tiền chợ hơn là nơi thu hút vốn đầu tư....
Thị trường vàng cũng là một kênh thu hút vốn đầu tư quan trọng, thế nhưng những diễn biến của giá vàng khiến cho nhiều NĐT không dám... “chơi với lửa”. Một điều quan trọng khiến cho vàng không còn sức hấp dẫn chính là tính không ổn định và bản thân giá vàng đã trở nên quá đắt đỏ.
Khi 2 kênh đầu tư truyền thống là vàng và CK kém hấp dẫn thì BĐS đương nhiên được hưởng lợi. Quan trọng hơn hết, giá vàng đang ở đỉnh đã khiến cho giá nhà đất đang trở nên “rẻ” hơn rất nhiều nếu so với vàng. Tuy nhiên, giá vàng tăng cao cũng khiến cho nhà đất trong khu vực nội thành Tp.HCM vốn được định giá và giao dịch bằng vàng sẽ trở nên đắt đỏ. Trong vài năm trở lại đây, tập quán định giá BĐS và giao dịch bằng vàng đang bị đào thải dần. Tại các sàn giao dịch BĐS chuyên giao dịch nhà đất trong nội thành như ACBR..., số lượng nhà đất niêm yết bằng vàng đã giảm đáng kể chỉ còn khoảng 30% kể từ khi giá nhà, giá vàng vượt mốc 25 triệu đồng/lượng.
Hưởng lợi nhiều nhất từ việc vàng tăng giá là thị trường đất dự án, căn hộ vốn chỉ giao dịch bằng tiền chứ không quy ra vàng như nhà đất trong khu vực nội thành Tp.HCM. Nếu như trước đây, phải cần đến 3 lượng vàng mới mua được 1m2 đất (mặt tiền đường 35m) trong dự án Him Lam - Kênh Tẻ thì nay chỉ cần có 2 lượng vàng đã mua được 1m2. Tương tự, trước đây 1 lượng vàng mua được 10m2 đất ở các dự án lân cận TP mới Bình Dương thì nay có thể sẽ mua được 14 - 15m2....
Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư
Thị trường BĐS các tỉnh thành phía nam trong 3 năm trở lại đây đang có sự cạnh tranh gay gắt để thu hút vốn đầu tư nhàn rỗi. Trong mùa cao điểm năm 2009, trong khi thị trường BĐS Tp.HCM chết lặng, thì thị trường BĐS Đông Nam Bộ, đặc biệt là Bình Dương có một mùa cao điểm sôi động.
Hơn 10 dự án BĐS quy mô lớn nằm quanh dự án hạt nhân TP mới Bình Dương đã được thị trường giải quyết gọn chỉ trong vòng có 2 tháng trước Tết Nguyên đán. Thực tế cho thấy, trong vòng 2 năm trở lại đây, khi bước vào mùa cao điểm của thị trường BĐS cuối năm, Bình Dương thường chiếm lợi thế. Lợi thế lớn nhất của thị trường BĐS Bình Dương đó là quỹ đất dồi dào, nguồn cung lớn, mặt bằng giá thấp ngoại trừ một số dự án ở trung tâm của thành phố mới Bình Dương. Những lợi thế này trở thành vũ khí để thị trường BĐS Bình Dương cạnh tranh hiệu quả.
Đồng Nai cũng có lợi thế quỹ đất dồi dào, mặt bằng giá thấp như chưa thể sánh bằng Bình Dương về công tác quy hoạch bài bản và có điểm nhấn cho cả vùng. Riêng đối với Tp.HCM, do quỹ đất eo hẹp, từ 3 năm nay đã không còn có dự án bán đất như ở Bình Dương hay Đồng Nai. Thay vào đó, thị trường chỉ có căn hộ các loại. Nền đất trong các dự án có trước Nghị định 181 hiện nay vẫn còn, nhưng giá đã được đẩy lên đến đỉnh trong các cơn sốt của nhiều năm trước.
Việc đầu tư vào BĐS ở Tp.HCM hiện nay đang rất kém hiệu quả, tỉ suất lợi nhuận/vốn nhiều khi không bằng lãi suất NH. Thực tế, bước vào mùa cao điểm của thị trường BĐS việc cạnh tranh kéo nguồn vốn về phía mình chỉ là cuộc chiến nội bộ của Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, với những lợi thế nhất định về quy hoạch, hạ tầng ... bước vào mùa cao điểm của thị trường BĐS năm 2010, thị trường BĐS Bình Dương đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc thu hút vốn đầu tư so với Đồng Nai.
(Theo Lao động)
- 0
- By Admin
- 13/10/2010
- 17