Điều kiện nhập cư vào thành phố lớn
Một điểm khác, điều 20 quy định những người vào làm trong các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thì được đăng ký thường trú ngay vào TP trực thuộc T.Ư.Đây là những điểm mới theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú đang được công bố lấy ý kiến rộng rãi, trước khi dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào năm 2013.
Ông Trần Thế Quân - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, nội dung chủ yếu của dự thảo luật này là sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư; về xóa đăng ký thường trú; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú.Theo đánh giá của Bộ Công an, từ sau khi luật Cư trú có hiệu lực thi hành (1.7.2007), quyền tự do cư trú của công dân ghi nhận trong Hiến pháp được cụ thể hóa hơn bằng những quy định rõ ràng, thủ tục thông thoáng... Tuy nhiên, đến nay luật Cư trú đã bộc lộ những sơ hở, bất cập, cần được sửa đổi bổ sung để tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Cụ thể, điều 20 luật Cư trú quy định, công dân cư trú liên tục tại TP đó từ 1 năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp (gồm nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ) thì được đăng ký thường trú. Song, điều luật không quy định diện tích tối thiểu bao nhiêu m2/người đối với diện tích nhà cho thuê, mượn, ở nhờ, dẫn đến nhiều trường hợp “lách” luật, quá đông người đăng ký cư trú ở một địa chỉ.
Một điểm khác, điều 20 quy định những người vào làm trong các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thì được đăng ký thường trú ngay vào TP trực thuộc T.Ư. Dẫn đến đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn cho cả những người không thuộc doanh nghiệp mình để họ đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Theo ông Quân, dự thảo quy định tăng điều kiện về đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc T.Ư từ 1 năm tạm trú liên tục lên 3 năm. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện: “Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”. Riêng đối với nội thành Hà Nội, luật Cư trú dự kiến quy định: “Phải có chỗ ở hợp pháp là nhà thuộc sở hữu hoặc được cho thuê lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên”.
Ngoài ra, luật Cư trú sửa đổi cũng bổ sung hành vi nghiêm cấm cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Ông Trần Thế Quân cũng khẳng định, việc sửa đổi luật Cư trú đã được Bộ Công an thực hiện thận trọng, chặt chẽ: “Có một số ý kiến cho rằng việc siết chặt nhập cư tại các TP lớn là trái với Hiến pháp nhưng chúng tôi thấy rằng các quy định này không vi phạm về quyền chỗ ở, không ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân. Mặt khác, Hiến pháp quy định việc cư trú của công dân phải tuân theo quy định pháp luật. Đảm bảo đúng định hướng khi thực hiện dự án luật này là đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và cộng đồng xã hội”, ông Quân nói.
Vẫn là các biện pháp hành chính
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc ban hành luật để quản lý dân cư, quản lý cư trú của người dân là cần thiết nhưng nhất định không thể là các biện pháp hành chính để bắt người dân phải thực hiện theo. “Việc quản lý dân cư chặt chẽ không phải trông chờ hoàn toàn vào quy định của pháp luật. Nó phải có các cơ chế khác để điều tiết thông qua các chính sách khuyến khích hay chính sách hạn chế thông qua thuế, phí chẳng hạn để người dân tùy vào điều kiện đáp ứng của mình mà quyết định bám trụ lại TP hay về quê sinh sống”, ông Lợi nói.Ông Lợi phân tích: “Ngày xưa thời bao cấp tem phiếu, theo Quyết định 118 thì người ta còn được cấp 6 mặt hàng với định lượng cụ thể, còn như cơ chế bây giờ thì người dân phải tự lo cuộc sống của mình, có ai lo cho người ta đâu mà bàn chuyện cấm với hạn chế. Hiến pháp đã quy định mọi người dân đều có quyền tự do cư trú, cho nên quản lý cư trú phải bằng nhiều biện pháp chứ không nên nhắm vào việc siết điều kiện này, điều kiện khác để hạn chế quyền cư trú của công dân bằng biện pháp hành chính".
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM Trần Du Lịch khẳng định không nên gắn việc quản lý trị an với việc quản lý cư trú khi sửa luật Cư trú. “Theo quan điểm của tôi, trước khi đặt vấn đề sửa luật Cư trú, bàn việc cấm hay mở quyền cư trú, nên đặt vấn đề tăng quyền tự chủ cho chính quyền đô thị thông qua việc xây dựng, ban hành luật chính quyền địa phương trước, trong chính quyền địa phương có chính quyền đô thị và họ có điều chỉnh cư trú cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đô thị”, ông Lịch nói.
Luật cư trú hiện hành
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ươngCông dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
2. (Giữ nguyên quy định như hiện hành)
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Dự thảo luật cư trú sửa đổi
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ươngCông dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ ba năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5 m2/người và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
5. (bổ sung thêm): Đối với các quận nội thành của thành phố Hà Nội, công dân đăng ký thường trú theo quy định tại các khoản 1, 3 và 4 điều này phải có chỗ ở hợp pháp là nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà ở được cơ quan, tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở cho thuê lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ hai năm trở lên”.
(Theo Thanhnien)
- 131
- By Admin
- 06/10/2012
- 17