• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Điêu đứng vì trót mua chung cư Tincom Pháp Vân

Ngậm trái đắng vì tin lời chủ đầu tư

Nóng lòng muốn có một căn nhà để che nắng, trú mưa nhiều khách hàng đã vay tiền thậm chí bán nhà chấp nhận đi thuê ở tạm và trả lãi ngân hàng để góp vốn xây dựng chung cư với chủ đầu tư, nhưng sau hơn 2,5 năm đóng tiền góp vốn đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang với những chiếc móng đóng cọc sắt hoen gỉ.

Điêu đứng vì trót mua chung cư Tincom Pháp Vân | ảnh 1
Dự án Tincom Pháp Vân ngổn ngang cỏ và sắt hoen gỉ

Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Lê Trung Thành - khách hàng mua nhà tại Tincom Pháp Vân do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (nay là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và thương mại Thăng Long) làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng và Quyền mua căn hộ số 904/201/TINCOM-PV tại dự án Chung cư Tincom - Pháp Vân, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).

Tuy nhiên, hợp đồng thực hiện từ tháng 4 năm 2010 nhưng đến nay dự án vẫn không triển khai mà chỉ đào móng, đóng cọc sắt và dừng thi công. Hiện vì lý do cá nhân, không có nhu cầu mua nhà tại dự án này nữa, anh Thành đã gửi đơn xin thanh lý hợp đồng góp vốn tới công ty nhiều lần nhưng không nhận được hồi âm.

“Tôi đã đến trực tiếp trụ sở của chủ đầu tư, nhân viên nhận đơn chỉ nói đã gửi đơn của tôi lên ban lãnh đạo nhưng ban lãnh đạo liên tục tắt máy hoặc không nghe máy điện thoại của khách hàng”, anh Thành phản ánh.

Cũng giống trường hợp của anh Thành, chị Huyền Trang - khách hàng mua nhà tại dự án này cũng đang điêu đứng khi số tiền chị vay góp vốn cho dự án qua Công ty Hưng Long lên đến 40% giá trị căn hộ. Theo như chị số tiền trên được thu bằng USD và theo tý giá ngoại tệ thấp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm dự án không hề có dấu hiệu thi công nào. Mỗi khi gọi điện đến Công ty Hưng Long hay chủ đầu tư khách đều nhận được trấn an “đang thi công và sẽ làm tiếp….”.

Điêu đứng vì trót mua chung cư Tincom Pháp Vân | ảnh 2
Hợp đồng góp vốn của Tincom Pháp Vân và khách hàng

Chị Trang bức xúc: “vì muốn có một căn nhà để ở, nghe đến dự án cũng lớn và được đảm bảo bằng uy tín công ty nên chị tin và ký HĐ mua căn hộ. Toàn bộ số tiền đóng góp vào dự án là tiền vay ngân hàng với lãi suất 18% năm, trong khi đó góp vốn cho chủ đầu tư hơn hai năm nay mà không nhận được một khoản lãi. Đến thời điểm này, chị Trang chỉ mong lấy lại được số tiền gốc đã góp vào còn tiền lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng là 10% thì chị cũng không mong nhận được.

Lách luật huy động vốn

Theo hợp đồng mua bán tại điều 6 quy định rõ: “Bên B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp không có nhu cầu mua căn hộ”. Với điều khoản trên, khách hàng mua nhà tại theo hình thức góp vốn có thể lấy lại tiền từ chủ đầu tư nhưng việc thanh lý hợp đồng cũng không phải dễ dàng.

Một số khách hàng mua nhà theo dạng hợp đồng góp vốn hay hợp đồng ủy thác đầu tư đều cho rằng phía chủ đầu tư Tincom đã không trực tiếp đứng ra huy động vốn mà giao cho các công ty "vệ tinh" của mình là Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý tài sản thế hệ mới, Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Hưng Long... Nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa nhận được giấy phép xây dựng từ cơ quan chức năng.

Được biết, khu đất xây dựng chung cư Tincom – Pháp Vân trước là nhà xưởng sản xuất bao bì thuộc quản lý của Công ty Nam Đại Phong. Được phép của UBND TP.Hà Nội, phía công ty Nam Đại Phong và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long đã tiến hành xây dựng khu chung cư Tincom – Pháp vân. Khu nhà ở chung cư này gồm 29 tầng với 504 căn hộ.

Cho đến thời điểm này, toàn bộ dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc và ít cọc sắt hoen gỉ. Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, để được phép huy động vốn, dự án đầu tư phải hoàn thành xong phần móng công trình, phải có các thủ tục và được các cấp có thẩm quyền cho phép. Nhưng dự án Tincom Pháp Vân thì hoàn toàn ngược lại. Đến thời điểm này, cả trăm khách hàng vẫn đang “chết đứng” vì chủ đầu tư “ngâm tiền” mà không tiến hành triển khai dự án.

Một chuyên gia bất động sản nhận định việc huy động vốn bằng hợp đồng góp vốn hay hợp đồng ủy thác đầu tư như dự án trên xảy ra ở nhiều dự án. Đây là một hình thức huy động vốn nhưng khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa xây dựng xong phần móng thì chủ đầu tư đã vi phạm luật Nhà ở năm 2005.

(Theo GDVN)

  • 0
  • By Admin
  • 17/09/2012
  • 17