Điều chỉnh quy hoạch tổng thể cho ngành VLXD
Quy hoạch sai lệch quá lớn
PV: - Thủ tướng vừa đồng ý với việc đưa 9 dự án xi măng ra khỏi quy hoạch, nhưng trước đó Hội VLXD cũng đã có kiến nghị tương tự, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc này?
Ông Trần Văn Huynh: - Thực tế cho thấy quy hoạch xi măng đã không tính đến tác động của tình hình kinh tế. 3 năm trở lại đây, sản lượng xi măng liên tục tăng nhưng sức tiêu thụ lại giảm do thị trường bất động sản đóng băng, xuất khẩu không đáng kể vì rất ít doanh nghiệp xây nhà máy xi măng có tính đến xuất khẩu.
Hiện nay năng lực sản xuất của ngành là 68 triệu tấn/năm, trong khi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chỉ hơn 54 triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, sau khi đưa 9 dự án ra khỏi quy hoạch, đến năm 2015 thay vì sản xuất 94 triệu tấn sẽ chỉ còn 80 triệu tấn, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 70-71 triệu tấn, như vậy sức tiêu thụ đạt được 90% sản lượng.
Tôi cho rằng việc này sẽ giảm bớt áp lực lên ngành xi măng, cân đối lại cung- cầu, một số doanh nghiệp còn bám trụ được sẽ tìm được đường để trả nợ, thoát lỗ. Nhưng về lâu về dài, cần mạnh tay với những dự án có công nghệ đã lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, không nằm trong vùng giàu nguyên liệu sản xuất. Trong kiến nghị Hội VLXD cũng đã nêu rõ từng dự án.
Tất nhiên việc dừng các dự án xi măng đã triển khai không hề dễ, thậm chí là không thể dừng được. Với các dự án nhỏ, khi doanh nghiệp thấy không hiệu quả có thể dừng, nhưng không loại trừ khả năng địa phương lại muốn thực hiện tiếp vì quyền lợi cục bộ. Những dự án được cấp phép, thông thường đã tiến hành san nền, đền bù giải phóng mặt bằng, nếu dừng lại tức chấp nhận tiền bồi thường, tiền trả cho dự án sẽ mất.
Doanh nghiệp muốn dừng lại nhưng e ngại không thể xử lý hậu quả. Chuyển giao dự án cho doanh nghiệp khác cũng không dễ, nhất là với dự án nhỏ. Tuy nhiên, đây là việc không thể không làm. Chúng tôi đang kiến nghị sửa quy hoạch tổng thể ngành xi măng, bởi so với thời điểm phê duyệt, quy hoạch này đã sai lệch rất nhiều.
- Vậy theo ông ngành xi măng nên điều chỉnh theo hướng nào?
- Như tôi đã nói, ngoài 9 dự án đưa ra khỏi quy hoạch, phải dừng một số dự án công nghệ đã lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, nằm trong vùng khan hiếm đá vôi và những dự án có thể gây ảnh hưởng tới danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, như dự án Minh Đức gần Chùa Hương...
Đồng thời Nhà nước nên rút giấy phép các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, đã cấp phép nhiều năm chưa xây dựng, như xi măng An Phú - Bình Phước, Minh Tâm - Bình Phước, Đô Lương - Nghệ An, Long Thọ 2 - Thừa Thiên - Huế...
Chính phủ và các bộ, ngành cũng nên tạo điều kiện ưu đãi tín dụng và thuế cho các dự án xi măng dùng khí thải lò nung clinker để phát điện và sử dụng phế thải công nghiệp, rác thải để sản xuất xi măng.
Đồng thời, nên hạn chế xuất khẩu hàng VLXD, tăng cường dùng vật liệu trong nước, đặc biệt với công trình có vốn nhà nước. Những điều này chúng tôi đã kiến nghị từ khá lâu rồi.
Cân nhắc bán cho đối tác ngoại
- Tình hình khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải bán các dự án xi măng, trong đó một phần không nhỏ là cho đối tác nước ngoài. Quan điểm của Hội VLXD như thế nào?
- Hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 33% công suất toàn ngành, một con số không phải nhỏ. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành bán dự án cho doanh nghiệp nước ngoài và sắp tới việc này có thể còn nở rộ. Nhà nước không cấm nhưng phải có kế hoạch.
Việc mua - bán dự án trong điều kiện kinh tế thị trường là bình thường. Nhưng bán lại các nhà máy xi măng cho doanh nghiệp nước ngoài tại những khu vực nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, như gần biên giới, Đông Nam bộ (vùng nguyên liệu đá vôi hiếm) là điều phải lưu ý.
Cần nói rằng xi măng không phải như nhiều ngành khác, để có sản phẩm phải khai thác tài nguyên ở trong nước và không thể tái tạo được.
Bán dự án cho đối tác nước ngoài, sản phẩm họ mang về nước, lãi họ lấy trong khi đó ô nhiễm môi trường chúng ta chịu, tài nguyên chúng ta mất, cảnh quan bị phá vỡ, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, chẳng phải là chúng ta lỗ quá lớn hay sao? Không thể vì lợi ích trước mắt mà quên đi những vấn đề lâu dài.
- Theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào để vừa đảm bảo được lợi ích doanh nghiệp, vừa đảm bảo được mục tiêu an ninh quốc phòng?
- Cơ quan chức năng cần có sự rà soát cụ thể, đối với các dự án ở vùng nhạy cảm, vùng trọng yếu, dự án nào tiếp tục được thì tạo điều kiện, dự án nào không thể tiếp tục được nên tạm dừng, tạm hoãn hoặc giãn tiến độ, chưa nên vội bán cho đối tác nước ngoài.
Bởi bán dự án cho nước ngoài, doanh nghiệp thoát được “vũng lầy” nợ nần nhưng Nhà nước có thể lỗ trắng, từ tiền bạc cho đến tài nguyên, cảnh quan, môi trường sống. Đây cũng là bài học lớn về đầu tư. Nhà nước cần cân nhắc lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực tài chính, trình độ quản lý, vận hành, tránh tình trạng đầu tư xong không trả được nợ vay, đem bán cho nước ngoài.
- Xin cảm ơn ông.
- 211
- By Admin
- 15/04/2013
- 17