• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

“Điểm nóng” thanh tra BĐS du lịch năm 2011

Sự lựa chọn nêu trên không phải ngẫu nhiên, mà vì những địa phương này vốn là “điểm nóng” điển hình cho việc cấp phép đầu tư tràn lan, nhưng tỷ lệ triển khai thấp, hiệu quả không cao. Đáng chú ý, tình trạng “bùng nổ” của các dự án bất động sản và động thái “nói một đằng, làm một nẻo” đã khiến hai địa phương Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng… lọt vào danh sách thanh tra năm 2011.

Cấp phép nhiều, triển khai ít

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được đăng ký đầu tư. Ngay từ thời điểm 2001 - 2004, nhiều chủ đầu tư đã “nhanh chân” lập dự án để chiếm đất tại địa phương, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai thực hiện.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, địa bàn khu kinh tế này có đến 35 dự án đăng ký, nhưng chỉ có 9 dự án đi vào hoạt động, còn lại đang “trùm mền”. Điển hình là, Dự án Khu nghỉ dưỡng sân Golf - Đầm Lập An, Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, Dự án Khu du lịch Bãi Chuối… đều vẫn nằm im lìm… trên giấy từ khi được cấp phép vào những năm 2006-2008.

Bên cạnh đó, một số dự án chỉ được “khởi động nhẹ”, như Dự án Khu du lịch Diana Resort (được cấp phép năm 2007 mới xây được tường rào, một nhà bảo vệ, còn lại là đất bỏ hoang); Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô trị giá 4,8 triệu USD (được cấp phép đầu tư năm 2006 chỉ mới xây dựng được một đoạn kè chắn sóng), hay Dự án Khu du lịch Xanh - Lăng (cấp phép tháng 4/2008, mới xây xong phần móng nhà nghỉ tập thể)…

“Điểm nóng” thanh tra BĐS du lịch năm 2011 | 1

Theo ông Nguyễn Quê, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chậm triển khai dự án hoặc thi công cầm chừng là do chủ đầu tư thiếu vốn, nên thường tìm cách trì hoãn, xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Mặt khác, do lãi suất ngân hàng cao, nên các chủ đầu tư không dám vay tiền đổ vào dự án.

Trong lúc tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiến hành làm thủ tục rút phép đầu tư xây dựng của một số “siêu dự án” và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang yêu cầu rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thì ngày 26/11, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên Huế tổ chức tại TP.HCM, nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh này. Đó là Khu du lịch nghỉ dưỡng Hói Dừa (100 ha), Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Điền Lộc tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền (200 ha), Khu du lịch sinh thái Quảng Công - Quảng Ngạn tại xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền (100 ha)…

Vừa rút phép, vừa mời gọi

Một địa phương khác là tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc “dọn dẹp” các dự án bất động sản du lịch, ngay từ khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu rà soát các dự án bất động sản du lịch. Ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng rà soát, hệ thống lại toàn bộ tình hình, tiến độ triển khai thực hiện của các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở tỉnh Lâm Đồng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2006 - 2010, có 236 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Lạt và các vùng lân cận, với tổng vốn đăng ký khoảng 46.500 tỷ đồng. Trong đó, có 142 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chỉ có 65 dự án được triển khai xây dựng; 19 dự án trong số này đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Riêng Khu du lịch trọng điểm hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) có 30 dự án đăng ký, với tổng vốn đầu tư trên 7.500 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ mới có 14 dự án triển khai.

Qua kiểm tra, Lâm Đồng đã phát hiện nhiều dự án mua bán, sang nhượng trái phép bất động sản được các nhà đầu tư “núp bóng” dưới dạng đầu tư, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh này đề nghị không cho phép các tổ chức, cá nhân thuê rừng để đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, không thu hút các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng trên diện tích rừng đã giao cho các hộ nhận khoán, bảo vệ và trồng rừng.

Tuy nhiên, trong khi quyết liệt rà soát các dự án bất động sản du lịch, thì giữa tháng 10/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Danh mục kêu gọi vốn đầu tư vào những công trình trọng điểm giai đoạn 2010 - 2020. Đáng chú ý là, trong số 29 dự án lớn, trọng điểm mà tỉnh Lâm Đồng mời gọi đầu tư, có cả Khu du lịch hồ Prenn với quy mô lên đến 1.000 ha.

“Bình phong” sân golf…

Trong 6 địa phương lọt vào danh sách thanh tra năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bình Thuận nổi lên khi là một tỉnh nhỏ, thu nhập người dân còn thấp, nhưng lại tới 12 dự án xây dựng sân golf được cấp phép.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, ngoài 2 sân golf đã hoạt động, các dự án sân golf còn lại đều chưa thể triển khai vì nhiều lý do. Cụ thể, các dự án sân golf South Fork (182,5 ha, cấp phép năm 2004), Hòn Rơm (197 ha, cấp phép năm 2007), Sơn Mỹ (cấp phép năm 2006) chậm triển khai do bị ảnh hưởng của cát đen.

Ngoài ra, Dự án sân golf và biệt thự Hàm Thuận Nam (136 ha, cấp phép năm 2007) đang trong giai đoạn đền bù. Dự án Tổ hợp du lịch và sân golf Thung Lũng Đại Dương (206 ha, cấp phép năm 2008) đang thiết kế. Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp (có sân golf) Tân Thắng (242 ha, cấp phép năm 2007) đang chuẩn bị động thổ. Dự án sân golf Casalle Hills (cấp phép năm 2003) đang đền bù giải phóng mặt bằng...

Đáng chú ý là, trong số hơn 7.000 ha đất cấp cho các dự án sân golf, chỉ có 1.800 ha dành cho sân golf, còn lại là đất để xây biệt thự. Theo tính toán của các nhà đầu tư bất động sản địa phương, nếu tất cả dự án sân golf tại Bình Thuận đi vào hoạt động, sẽ có hơn 2.000 ngôi biệt thự kề sân golf được rao bán.

Trước đây, Chính phủ trực tiếp phê duyệt các dự án kinh doanh sân golf. Tuy nhiên, gần đây, theo phân cấp quản lý, các địa phương tự chủ trong việc phê duyệt cấp phép, nên số lượng dự án sân golf tăng đáng kể. Việc thanh tra các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ giúp các địa phương định hình lại quy hoạch một cách hợp lý.

“Trái đắng” dự án treo

Trong khi Bình Thuận quá “nhiệt tình” với cấp phép sân golf, thì “hàng xóm” là tỉnh Khánh Hòa cũng đang đau đầu giải bài toán bất động sản nghỉ dưỡng mang tên Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Không đau đầu sao được khi đầu năm 2004, tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có tổng diện tích 2.300 ha, với kỳ vọng, “siêu dự án” này sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của địa phương và trở thành khu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, sau khi mời gọi đầu tư với định mức đầu tư 25 tỷ đồng/ha, trong số 58 nhà đầu tư đăng ký xây dựng các dự án du lịch (tính đến đầu năm 2006), rất nhiều nhà đầu tư đã “bỏ của chạy lấy người”, buộc tỉnh Khánh Hòa, năm 2007, phải thu hồi 20 dự án của các chủ đầu tư chậm triển khai.

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 30 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong số này, chỉ có 5 dự án được cấp phép xây dựng, các dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư. Tính chung cả tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 80 dự án du lịch, với tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Khánh Hòa đang nếm “trái đắng” của việc “xé nhỏ” các dự án bất động sản trao cho các nhà đầu tư trong nước “đánh trống ghi tên”. Trên thực tế, có những thời điểm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề đầu tư hàng trăm hecta cho những dự án bất động sản lớn, thì tỉnh Khánh Hòa lại không thể đáp ứng được, do chưa giải quyết xong các dự án “treo” đã cấp cho các nhà đầu tư.

Bội thực dự án

Tại rẻo đất miền Trung, Đà Nẵng nổi lên khi là địa phương có mật độ biệt thự, khách sạn cao nhất nước. Đà Nẵng là địa phương điển hình của tình trạng phát triển bất động sản quá nóng dẫn đến “bội thực” bất động sản. Tình trạng này sẽ tiềm ẩn nhiều hậu họa về sự lãng phí đất đai, nguồn lực, dư cung và ẩn họa môi trường.

Qua thống kê, dọc tuyến đường ven biển Đà Nẵng hiện có hơn 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, với những dự án lớn như Furama Villas, Olalani, Vinpearl Đà Nẵng... Trong số đó, 14 dự án đang chuẩn bị chào bán sản phẩm, với 650 biệt thự. Đó là chưa kể trong vòng 5 - 7 năm tới, khoảng 20 dự án khác, với khoảng 9.300 căn hộ, sẽ tham gia thị trường.

Tỉnh Quảng Ninh cũng “góp mặt” trong Kế hoạch thanh tra năm 2011, khi có đến 64 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Trong đó, 26 dự án đầu tư khu vui chơi giải trí, thể thao; khu du lịch sinh thái; khu ẩm thực, văn hoá, lịch sử và 38 dự án đầu tư khách sạn, biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng.

Cho đến thời điểm này, những địa phương ven biển được coi là “thiên đường” để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, như Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Thừa Thiên – Huế, đều đã cạn quỹ đất vì đã giao gần hết đất cho các doanh nghiệp. Điều đáng nói là, trái với kỳ vọng của các địa phương, phần lớn doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án chỉ “xí phần” đất, mà không có năng lực triển khai, khiến các địa phương lâm vào thế kẹt. Mặt khác, hiện tượng bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng sẽ kèm theo những hệ lụy trong việc quản lý, vận hành khai thác và môi sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông cho rằng, đầu tư bất động sản du lịch nếu không gắn với quy hoạch tốt và một chiến lược phát triển rõ ràng, thì không chỉ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của ngành du lịch, mà còn gây lãng phí đối với những ưu đãi mà thiên nhiên đã dành cho Việt Nam.

Còn theo lãnh đạo Thanh tra Bộ kế hoạch và Đầu tư, những vấn đề tồn tại nêu trên đã phát sinh sau khi phân cấp quản lý cấp phép đầu tư về địa phương. Theo đó, địa phương có toàn quyền cấp phép đầu tư cho những dự án có quy mô nhỏ và vừa, dẫn tới sự phát triển tràn lan, không có sự kiểm soát của các dự án. Vì vậy, đợt hậu kiểm lần này được kỳ vọng sẽ giúp công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực trên trở nên quy củ hơn.

(Theo Đầu tư)

  • 149
  • By Admin
  • 20/01/2011
  • 17