Địa ốc giao dịch ngưng trệ thời điểm cuối năm
Ông Nguyễn Thắng, nhân viên môi giới Sàn Giao dịch bất động sản Hà Nội Mới cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, khách hàng ồ ạt chào bán căn hộ tại các dự án ở Hà Nội, nhưng người mua lại rất ít.Nguyên nhân của hiện tượng này, theo ông Thắng, là do nhiều dự án nhà ở, căn hộ cao cấp tại Hà Nội đã xong phần thô, sắp đến hạn giao nhà. Các dự án này sau nhiều lần được giới đầu cơ “lướt đi, lướt lại”, nay giá đã rất cao, nên khó đầu cơ tiếp. Thêm vào đó, khách hàng mua sau thường phải trả ngay 70 – 90% tổng trị giá căn hộ, nên không có nhiều người dám “ôm hàng” vào thời điểm này.
Theo một số thành viên Câu lạc bộ Môi giới bất động sản Hà Nội, các dự án căn hộ hạng trung sắp hoàn thành tại các khu như Xa La, Văn Khê, Mỗ Lao, Dương Nội, Xuân Phương… thời điểm góp vốn (năm 2009) có giá 7 – 9 triệu đồng/m2 thì nay đã được đẩy lên 22 – 25 triệu đồng/m2. Với mức giá này, chỉ những người có nhu cầu ở thực và “khát” nhà ở mới dám mua. Tuy nhiên, số người có đủ 2 tiêu chí là có nhu cầu ở thật và đủ tiền mua lại không nhiều.
Năm 2011, một vấn đề cũng sẽ làm đau đầu giới đầu tư địa ốc là chương trình phát triển nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đang theo đuổi. Các dự án này dù chưa giải quyết được nhiều chỗ ở cho số người có nhu cầu nhà giá trung bình, nhưng nó cũng thắp lên hy vọng cho nhiều người có nhu cầu mua nhà và góp phần làm giảm “sức căng” của thị trường nhà ở vốn đã được “bơm thổi” quá mức.
Trong khi đó, nguồn cung các dự án nhà ở năm 2011 tiếp tục gia tăng mạnh. Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2011, hàng loạt chủ đầu tư các dự án như Mulberry Hà Đông, DolphinPlaza, FLCLandmarkTower, Tổ hợp Viglacera, RoyalCity, Le Van Luong Residentials… đã công bố kế hoạch chính thức mở bán căn hộ. Nguồn cung này tiếp tục tạo sức ép lớn cho thị trường địa ốc, đặc biệt là thị trường căn hộ chung cư trung và cao cấp.
Đến thời điểm này, nhiều dự án nhà ở chung cư kể trên đã thực hiện xong phần hầm, móng. Chuyển sang thi công phần nổi (thân toà nhà), các dự án sẽ được triển khai nhanh hơn, kèm theo đó là các đợt thu tiền góp vốn của khách hàng để chuyển sang ký hợp đồng mua – bán, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải rốt ráo xoay tiền mặt để đóng cho chủ đầu tư.
Trong khi đó, lo ngại về khả năng thắt chặt tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lên, khi những ngày đầu năm mới 2011, lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều nhấn mạnh việc dồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất hàng hoá.
Trên thực tế, để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục theo đuổi dự án, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã giảm 10 - 20% số tiền khách hàng phải nộp trong từng đợt góp vốn và kéo dài thời gian góp vốn vào dự án.
(Theo Đầu Tư)
- 0
- By Admin
- 08/01/2011
- 17