Địa ốc Hà Nội chưa bị ảnh hưởng bởi chính sách siết tín dụng
Ngày 9/4, tại hội nghị toàn cảnh thị tường bất động sản tài chính năm 2011, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa 31% với 756 đô thị, trung bình mỗi tháng có thêm một đô thị được triển khai xây dựng và mỗi năm có 70 triệu m2 nhà ở được tăng thêm. "Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay, bất động sản vẫn là miếng đất màu mỡ", ông Chính nhận định.Xét về trung và dài hạn, địa ốc Hà Nội vẫn có cơ hội phát triển. Ảnh: Hoàng Lan. |
Thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng mạnh bởi kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng làm thị trường gặp khó. Nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung, doanh nghiệp cần có tư duy tốt. "Kinh nghiệm không bằng tư duy, thêm một chút lãng mạn càng tốt. Một chút lãng mạn trong tư duy có thể biến một vùng đất hoang sơ thành khu sinh thái", ông Tuyển nói.
Thừa nhận Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao song nguyên bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng đô thị của Việt Nam còn chưa quy củ và lộn xộn. Tuy nhiên, bên cạnh nhược điểm đó, bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn của đồng tiền trong hoàn cảnh vàng và đôla lên xuống thất thường.
Cả nước hiện có 2.500 dự án ở khu đô thị mới, giá bán bất động sản Hà Nội vẫn cao, với mức trung bình khoảng 31 triệu đồng mỗi m2. Cục trưởng quản lý nhà và thị trưởng bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, hiện cả nước có hơn một triệu hộ dân sống trong diện tích nhỏ hơn 5 m2 một đầu người và tốc độ di cư từ nông thôn ra thành thị cao. "Bất động sản thăng hoa nhất khi có tốc độ đô thị hóa đạt 30-70%. Xét về trung và dài hạn, địa ốc Hà Nội vẫn có cơ hội phát triển", ông Hà lạc quan.
Hà Nội nơi có làn sóng nhập cư mạnh nhất toàn quốc không chỉ hút nhà đầu tư mà còn là thượng khách của nhiều dự án tỉnh khác. Chẳng thế mà từ cuối năm ngoái đến nay, hàng loạt dự án đình đám ở các tỉnh khác được chào bán hoặc ra mắt tại Hà Nội. Tiêu biểu phải kể đến dự án tỷ đôla Hoàng Đồng Lạng Sơn, Happy Land, mới đây nhất là dự án the Dune và Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Du lịch Suối Son.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Đất xanh chủ đầu tư Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Du lịch Suối Son, cho rằng, khi thị trường tiền tệ, tài chính biến đổi khó lường, vàng, chứng khoán ngoại tệ có xu hướng trầm lắng thì nhà đầu tư nghĩ đến bất động sản như một kênh an toàn là điều dễ hiểu. Giải thích về việc Bắc tiến của mình, ông Thìn nói, mỗi thị trường đều có một giai đoạn tiềm năng nhất định. Khi thị trường xuống, nhà đầu tư mua vào và bán ra khi thị trường đi lên.
"Năm 2009, tại Hà Nội thị trường đứng im nhưng khu vực như Bình Dương, Đồng Nai lại rất tốt. Từ cuối năm ngoái đến nay, thị trường Hà Nội tốt hơn phía Nam và nhà đầu tư khôn ngoan sẽ phải nhìn thấy sự dịch chuyển này", ông Thìn cho hay.
Hệ thống vốn của địa ốc Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng và nguồn vay trên thị trường, khi ngân hàng siết lập tức địa ốc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Cục trưởng Hà cho rằng, do có độ trễ nhất định địa ốc sẽ chưa bị ảnh hưởng ngay. "Nếu cuối năm, ngân hàng không nới tay, thì phải sang đến năm 2012, địa ốc Hà Nội mới có thể bị tác động", Cục trưởng Hà nhận định.
Không quá lo lắng về việc thiếu vốn, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, nghị định 71 cho phép chủ đầu tư được huy động 20% không qua sàn, 80% còn lại chỉ được phép bán khi đã xong móng và qua sàn đã khắc phục được rủi ro về việc bán nhà trên giấy. "Địa ốc Hà Nội năm nay sẽ không quá khác biệt so với năm ngoái. Thị trường sẽ còn đón nhận những cơn sốt cục bộ", ông Võ nhận định.
(Theo VnExpress)
- 0
- By Admin
- 11/04/2011
- 17