Đi tìm phong cách
Từ phong cách ở đây được dùng một cách chủ quan và tương đối với cách hiểu như là một loại kiểu dáng, hình thức bài trí, sử dụng vật liệu theo nhu cầu thẩm mỹ của chủ nhà.Lựa chọn phong cách, dáng vẻ nào cho ngôi nhà của mình là một việc nhiều băn khoăn của chủ nhà; nhưng làm thế nào để có một tiếng nói chung giữa chủ nhà và người thiết kế trong vấn đề này cũng là một khó khăn khác. Nói chung không dễ dàng để có một kết quả tốt…Phòng vệ sinh mang phong cách kết hợp giữa cổ điển và dân gian với chiếc chậu đồng, khung gương kiểu cổ điển; mặt bàn bằng đá phiến tự nhiên, bàn bằng khung tre gỗ; nền dùng sỏi và đá tự nhiên. Một phong cách cổ điển đậm chất Á Đông với sự kết hợp đa dạng: giường và tủ đầu giường bằng tre, gỗ mang phong cách dân gian; chiếc tủ, rương và hai tấm gỗ trang trí đầu giường mang phong cách cung đình triều Nguyễn; riêng chiếc quạt trần lại có nguồn gốc châu Âu. Một số yếu tố khác của kiến trúc – nội thất phụ trợ để nhấn mạnh như sàn gỗ, cửa chớp gỗ, gạch trần không trát, tấm gỗ trang trí che máy điều hoà…
Phong cách nào cho ngôi nhà?
Có nhiều chủ nhà uỷ thác điều này cho kiến trúc sư, và chỉ quan tâm tới những yêu cầu công năng, nhu cầu sử dụng, các vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, đa phần chủ nhà đều quan tâm tới hình thức, phong cách (cả kiến trúc và nội thất) cho ngôi nhà của mình. Thậm chí có chủ nhà còn đặt vấn đề này lên trước các yêu cầu công năng, kiểu như: tôi muốn vẽ cho tôi nhà như thế này, thế kia, giống nhà ông A, chị B; hay dứt khoát là phải có mái ngói dốc, ban công hình tròn… như mệnh lệnh với kiến trúc sư. Thật ra có sự quan tâm đó cũng dễ thông cảm với các chủ nhà. Bởi với người không có chuyên môn, việc hình dung hình thức, kiểu dáng dễ dàng hơn là hiểu về mặt bằng công năng, cấu trúc không gian, các quan hệ ràng buộc khác trong chuyên môn thiết kế. Cái đó chỉ được trao đổi sau khi kiến trúc sư đã có phương án sơ bộ. Còn về vấn đề hình thức, kiểu dáng, phong cách… rất dễ tham khảo qua sách báo, tạp chí, nhà người quen, hay thậm chí ngắm… ở ngoài đường. Những gì ấn tượng rất có thể trở thành mong muốn của họ và họ muốn chuyển tải, hiện thực hóa trong ngôi nhà của mình.Phong cách cổ điển châu Âu theo hướng Royal Furniture, kiểu Victoria, nhiều chi tiết, phức tạp và cầu kỳ. |
Lựa chọn một phong cách kiến trúc – và sau đó là nội thất (có sự quan hệ mật thiết với nhau) dễ là vấn đề… xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Thường thì những người trung tuổi, người già có hơi hướng hoài cổ, thích những gì mang phong cách, hơi hướng cổ điển, với sự quen thuộc, bình lặng. Ngược lại những người trẻ thích phong cách hiện đại, cá tính, ấn tượng, thậm chí có thể lạ mắt hay “điên rồ” một chút. Đôi khi vấn đề xung đột này “bất phân thắng bại” và phải nhờ kiến trúc sư phân xử. Dĩ nhiên, trong trường hợp may mắn có cái quyền ấy, thì kiến trúc sư dễ nghiêng về phía nào mà có lợi thế cho công việc của mình, hơn là một sự đánh giá khách quan trên bình diện tổng thể.
Một chút hoài cổ, rất thanh nhã và bình dị. |
Ở mối quan hệ giữa kiến trúc sư và chủ nhà, nếu hợp ý thì tốt; nếu không có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là kiến trúc sư tư vấn, lôi cuốn và dẫn dắt chủ nhà theo phong cách của mình, thế mạnh thiết kế của mình. Còn truờng hợp thứ hai là kiến trúc sư miễn cưỡng phải “chiều” chủ nhà, dù không muốn (bởi làm thế khó khăn hơn, hoặc không phù hợp một cách hoàn toàn khách quan).
Phong cách – hiểu một cách đơn giản, nó là cái vẻ bề ngoài, là đặc điểm nhận dạng, là một chiếc áo khoác lên chủ thể, có tính linh động và có thể thay thế. Phong cách kiến trúc – nội thất cũng có những thời kỳ lịch sử, những trào lưu như nhiều môn nghệ thuật, nhiều sản phẩm ứng dụng khác như thời trang, xe cộ, thiết bị điện tử – gia dụng… Tuy vậy, phong cách trong kiến trúc và nội thất phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác hơn. Nói cách khác, nó hình thành, được xây dựng và phát triển bởi rất nhiều yếu tố như khí hậu, môi trường, văn hoá, công nghệ – kỹ thuật… và cá tính của mỗi người. Và so với những cái khác thì phong cách kiến trúc – nội thất (nhất là kiến trúc) không dễ dàng thay đổi (như thời trang quần áo). Vì vậy, sự lựa chọn phong cách kiến trúc – nội thất cần phải cân nhắc kỹ.
Để lựa chọn một phong cách thích hợp cho ngôi nhà của mình, chắc chắn người chủ nhà sẽ phải biết được những điều ấy (tất nhiên với sự tư vấn của kiến trúc sư). Trong một khu phố cổ mà xây một ngôi nhà có phong cách hộp bêtông – kính – thép là một sự kệch cỡm, trong một khu đô thị mới có đường nét kiến trúc hiện đại mà lại thiết kế nhà kiểu cổ điển rườm rà thì cũng chẳng hay. Chính kiến trúc sư phải tỉnh táo để tư vấn cho chủ nhà.
Cuối cùng chủ nhà (và những thành viên trong gia đình) phải hiểu chính mình cần gì, muốn gì, có thói quen, nếp sống như thế nào để lựa chọn một phong cách kiến trúc – nội thất phù hợp; chứ không phải là lựa chọn phong cách bởi những ý thích nhất thời khi tham khảo qua hình ảnh trên sách báo hay ngắm đồ nội thất ở showroom. Điều này thì kiến trúc sư khó mà giúp được!
Phong cách và xu hướng
Thật ra, câu chuyện phong cách trong việc xây nhà ở gia đình chỉ là tương đối, một khái niệm tương đối, và cách hiểu cũng là tương đối. Trong những hoàn cảnh thiết kế, xây dựng thể loại công trình nhà ở tư nhân ở nước ta, thì việc thực hiện một phong cách “nguyên bản”, trên cơ sở lý thuyết, học thuật là điều rất khó thực hiện. Bản thân các chủ nhà cũng không hiểu rõ những phong cách, trường phái “có tên” là như thế nào, có những đặc điểm gì và phải làm thế nào cho đúng? Đôi khi nghe kiến trúc sư tư vấn hoặc đọc sách, thấy ù cả tai, hoa mắt bởi những cái tên; nào là tân cổ điển, hậu hiện đại, Đông Dương, art-decor… rồi Louis, Victoria, Nhật Bản, đồng quê, pop-art, biểu hiện, tối giản… Mỗi phong cách, trường phái kiến trúc lại có những xu hướng và phân nhánh riêng, rất đa dạng.Sự kết hợp giữa đồ nội thất mang hơi hướng cổ điển trong một không gian hiện đại, kết hợp giữa Đông và Tây. Bộ salon và bộ bàn ghế ăn có hình dáng hiện đại, lấy chi tiết trang trí kiểu đồ gỗ thời Minh – Thanh (Trung Quốc). Trang trí chiếc ghế bar lại là sắt uốn kiểu cổ điển phương Tây. Cách trang trí treo tường và sắp đặt cũng kết hợp Đông và Tây, mới và cũ. |
Có những phong cách, trường phái có ảnh hưởng ở phạm vi quốc tế nhưng cũng có những phong cách được hình thành và chỉ tồn tại ở địa phương.
Theo định nghĩa thì: “Trường phái kiến trúc được hình thành dựa trên sự phân loại về công trình kiến trúc bằng các đặc điểm hình thái học ở hình thức, kỹ thuật xây dựng, vật liệu sử dụng trong lịch sử kiến trúc” (Từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia).
Thực tế trong hoàn cảnh, thị trường xây dựng ở nước ta thì không phải phong cách, trường phái nào cũng có thể lựa chọn được cho một ngôi nhà ở gia đình, bởi sự ràng buộc do nhiều yếu tố khác liên quan tới kiến trúc, như diện tích xây dựng, cấu trúc công trình, số tầng, điều kiện mặt thoáng, sân vườn… các điều kiện khác liên quan tới vật liệu, trình độ thi công, tài chính… Và khi thực hiện theo một phong cách nào đó, thì cũng chỉ là tương đối, bởi những lý do trên, không thể hoàn hảo, đi tới cùng theo một phong cách được. Vậy nên nói phong cách chỉ là tương đối.
Nói chung, với những chủ nhà, đa phần chỉ hiểu và chỉ cần hiểu một cách chung chung là phong cách cổ điển, phong cách hiện đại, phong cách châu Âu, phong cách Á Đông… Chính các kiến trúc sư không phải ai cũng thấu hiểu tường tận các phong cách “có tên” nếu không nghiên cứu kỹ càng. Việc thỏa thuận với nhau một phong cách cho ngôi nhà cũng trên tinh thần tương đối (và dễ hiểu) như thế và việc thực hiện trong quá trình thi công, hoàn thiện nội thất còn nhiều “xê dịch” hơn nữa.
Phong cách hiện đại kiểu tối giản với chi tiết và màu sắc. Vật liệu kính đóng vai trò chủ đạo trong không gian. |
Có một thời kỳ, cách đây chưa lâu lắm; nhà “kiểu Pháp” rất được ưa chuộng; nhất là ở miền Bắc. Đó là những ngôi nhà xây mới xây mô phỏng phong cách kiến trúc cổ điển Pháp từ các công trình công sở, biệt thự trong thời kỳ thuộc địa. Rất nhiều các chi tiết kiến trúc, cấu tạo kiến trúc được cóp nhặt khiên cưỡng từ những công trình lớn vào những ngôi nhà phố cao lêu đêu hay những biệt thự phi tỷ lệ. “Căn bệnh” này trở nên trầm kha khi ăn sâu ở nhiều địa phương với những công trình công cộng, công sở…
Khoảng cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, thị trường xây dựng nhà ở tư nhân khởi sắc trong bối cảnh kinh tế tương đối sáng sủa. Cùng với đó là việc bắt đầu xuất hiện nhiều những kiến trúc nhà ở có giá trị, ấn tượng, hầu hết do những văn phòng, công ty, kiến trúc sư trẻ thực hiện. Những công trình nhà ở này có phong cách hiện đại, với những quan điểm mới về hình thức, không gian kiến trúc, khai thác những ưu điểm của kỹ thuật, vật liệu xây dựng mới. Một số thay đổi về không gian, cấu tạo, vật liệu đã trở thành quen thuộc tới thời điểm hiện tại; như kết hợp không gian phòng khách (sinh hoạt chung) và phòng ăn, đưa phòng vệ sinh vào trong phòng ngủ, cầu thang thép, lan can kính, vách kính tấm lớn…, hình thức mặt đứng, chi tiết kiến trúc và nội thất đơn giản, lược bỏ những trang trí, gờ chỉ rườm rà… Những yếu tố đó đã làm nên một phong cách hiện đại mới mẻ được đón nhận tích cực, có những lúc được coi như một thứ mốt thời thượng. Theo đó, nhiều người chối bỏ quyết liệt những thứ thuộc về cổ điển, truyền thống như những nhân tố lạc hậu cản trở sự phát triển của kiến trúc.
Sau những trào lưu xây dựng “cổ điển Pháp” hay “hiện đại” đó, có vẻ như có một sự trấn tĩnh và cân bằng lại của cả hai phía: chủ nhà và kiến trúc sư. Nhiều người theo trào lưu “hiện đại” đã thấy ít nhiều sự bất cập, không tương thích, không phù hợp trong nhiều yếu tố: khí hậu, văn hoá, tâm sinh lý người sử dụng… và có xu hướng quay trở lại những hình thức, giá trị cổ điển của cả phương Tây và Á Đông, trên tinh thần vẫn khai thác không gian mới và tận dụng những công nghệ – thiết bị hiện đại. Ở một góc khác, lối sống công nghiệp có nhiều tác động tiêu cực đã tác động ngược lại để người ta muốn tìm về những không gian kiến trúc tự do, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên hơn là những kiến trúc hình hộp.
Phong cách của riêng mình
Có một vấn đề khá lý thú và tế nhị trong câu chuyện phong cách. Ấy là chủ nhà nào cũng muốn ngôi nhà mình đẹp có phong cách riêng và thoả mãn nhu cầu của mình và gia đình về công năng cũng như thẩm mỹ. Nhưng kiến trúc sư cũng muốn có điều ấy trong thiết kế của mình, để khẳng định cá tính, cái tôi cá nhân và thương hiệu thiết kế. Và mong muốn cùng quan điểm hai phía ấy lại không phải lúc nào cũng gặp nhau. Nói chung phần lớn các kiến trúc sư đều thích làm phong cách hiện đại hơn, bởi nó linh hoạt, phù hợp trong điều kiện xây dựng nhà ở tư nhân hiện nay; song những chủ nhà có nhu cầu “kiểu Pháp”, “phong cách cổ điển” không phải là ít. Và có những trường hợp phải ứng xử phù hợp với môi trường (với công trình cũ cải tạo, công trình xây mới trong quy hoạch cũ). Đáp ứng một cách khiên cưỡng chắc chắn không đem lại kết quả tốt. Ngay cả khi thống nhất một phong cách rồi thì việc triển khai cũng không dễ dàng bởi nhiều khúc mắc khác, mâu thuẫn ở nhiều vấn đề khác như kiểu dáng, vật liệu, màu sắc… Trong quá trình xây dựng tới hoàn thiện, thì kiến trúc sư lại ít có vai trò, ít có khả năng can thiệp vào việc bài trí nội thất (nhiều chủ nhà tự cho rằng đó là quyền của họ). Thế nên có thể một không gian được thiết kế theo phong cách này, lại chứa đựng đồ đạc nội thất của một phong cách khác, khập khiễng, lệch tông.Phong cách hiện đại trong một căn hộ chung cư với cách tổ chức không gian, đường nét và chất liệu nội thất. |
Như trên đã nói, phong cách nào cũng chỉ là tương đối và rất khó thực hiện triệt để, hoàn hảo. Và để tìm một giải pháp chung cho mâu thuẫn giữa kiến trúc sư và chủ nhà, để ai cũng “có phần”, ai cũng được hài lòng; thì không nhất thiết phải đi theo một phong cách cứng nhắc. Những trường phái, phong cách “có tên” càng khó đi vào đời sống bởi rất nhiều lý do. Một phong cách không tên, một sự hài hoà để đạt được những nhu cầu thiết thực cũng là thành công. Đó là phong cách của riêng mình. Phong cách đó có vai trò của kiến trúc sư ở khâu thiết kế, có tinh thần và bàn tay sắp đặt của chủ nhà trong không gian sống. Tất nhiên cần phải nói rằng phong cách đó không phải là sự kết hợp, góp nhặt, tổng hợp lung tung vô nguyên tắc các phong cách khác; mà để có được điều đó cần sự nhạy cảm trong thẩm mỹ, trong cuộc sống của cả kiến trúc sư và chủ nhà.
Khi đó, phong cách có thể… không có tên, nhưng vẫn là có phong cách.
(Theo SGTT)
- 130
- By Admin
- 30/05/2012
- 17