• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Di dời trường ĐH về Sóc Sơn: Cái cớ để "cò" đất "thổi" giá

Ngay khi thông tin sẽ có khoảng 12 trường đại học sẽ phải dịch chuyển về các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc …., người dân ở các khu vực xung quanh đẩy giá đất tăng lên vài triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để bán được một mảnh đất khá là chật vật.

Chắc hẳn nhiều người đã không quên được cơn sốt chóng vánh khu Hòa Lạc, Sơn Tây do giá đất đã bị các “cò” thổi phồng nhờ quy hoạch thủ đô hồi năm ngoái. Hậu quả, cho đến hiện tại nhiều nhà đầu tư còn đang bị mắc kẹt vì không thanh khoản được. Nay, đất Sóc Sơn lại tiếp tục lăn theo vết xe đổ với kịch bản tăng giá không khác gì so với những khu vực trên.

Xét về vị trí địa lý huyện  Sóc Sơn giáp tỉnh Thái Nguyên về phía bắc, huyện Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh và huyện Hiệp Hòa thuộc tỉnh Bắc Giang về phía đông bắc, về phía tây bắc giáp thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc và phía nam giáp các huyện Mê Linh và Đông Anh của Hà Nội. Nằm gần quốc lộ 3 và 131, cách Hà Nội khoảng 32 km, rất thuận lợi về giao thông.

Qua phản ánh, thì hiện giá đất tại các khu vực xã Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú,… giá đất đã tăng đến 4-6 triệu đồng/m2 trong khi trước đó giá 2,3- 3 triệu đồng m2. Khu Đồi Cốc (Thạch Lỗi), Phú Cường đường liên xã rộng giá đất thổ cư dao động khoảng 10 triệu đồng/m2, đường trong làng khoảng từ 5-7 triệu đồng/m2.

Tại thôn Yên Ninh, xã Hiền Ninh giá đất thổ cư trong làng 4 triệu đồng/m2, thôn Hương Linh, Đồng Kỳ 2,8 triệu đồng/m2, thôn Xuân Sơn xã Trung Giã giá 3 triệu đồng/m2…

Di dời trường ĐH về Sóc Sơn: Cái cớ để "cò" đất "thổi" giá | ảnh 1
 Sơ đồ định hướng quy hoạch trung tâm giáo dục - Quy hoạch xây dựng thủ đô HN

Ông Đinh Thái Hưng (một văn phòng nhà đất trên quốc lộ 2) cho biết, mấy ngày nay cũng có một số dân Hà Nội về đây tìm mua đất xung quanh khu vực các xã giáp Mê Linh, tuy nhiên họ mới chỉ dừng ở việc hỏi han, thăm dò chứ chưa có ý định mua đất.

Còn theo người dân ở quanh khu vực xã Minh Phú, hiện tại đất ở khu vực này giá vẫn thế dao động ở khoảng 2,5-4 triệu đồng/m2 và không có chuyện “sốt” giá vì có rất nhiều mảnh đất đã giao bán từ vài năm nay nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thể bán được.

Khi phóng viên hỏi về vị trí các trường đại học sẽ được đặt ở đâu thì hầu hết người dân đều trả lời là không biết. Điều này là hiển nhiên, vì quyết sách cuối cùng còn chưa được đưa ra thì làm sao biết trước được vị trí nào để mua đất.

Ngay cả huyện Mê Linh, giáp danh Sóc Sơn cũng là một trong những khu vực phát triển nhanh mạnh về hạ tầng giao thông với hàng chục khu đô thị mới mà giá đất thì cũng chỉ dao động trên 10 triệu đồng/m2. Trong đó, nhiều khu vực còn đang phải “ngủ vùi” vì không thanh khoản được. Thì không cớ gì đất Sóc Sơn lại dễ dàng sốt như vậy.

Bạn tôi, chị Nguyễn Minh Trang (nhân viên công ty vận tải) cho biết chị đã mua một mảnh đất gần 300m2 xã Minh Trí từ năm 2006 giá chưa đến 1 triệu đồng/m2 . Mặc dù đã giao bán 3 năm nay mà cho đến hiện tại vẫn còn chưa bán được.

“Những lúc bí tiền, rất muốn bán nhưng chẳng có khách hỏi mua. Nhìn vào khách hàng, bán cho người dân trong xã thì không ai có nhu cầu mà họ không có tiền để mua đất. Nhà nào cũng rộng cả vài trăm m2 vuông, ở cũng không hết thì mua thêm làm gì. Hơn nữa, các nhà đầu tư lại các không mua bởi nếu mua không thanh khoản được do khu vực này chưa có thị trường. Vì vậy, đành chấp nhận để vậy coi như khoản tiết kiệm ”, chị Minh Trang cho biết.

Rõ ràng, trong bối cảnh đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao khiến cho người dân đều muốn mua đất để giữ tiền.

Trong bối cảnh giá đất tại các quận trong nội thành và các quận thuộc Hà Nội mở rộng đã tăng cao khá mạnh thì đất tại các huyện lân cận Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn vẫn là hấp dẫn đối với người vốn ít vì giá đất tại các khu vực này khá rẻ. Vì vậy, nhiều người cũng muốn đi trước đón đầu thông tin  vì chỉ cần tầm vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỉ là đã có thể sở hữu được 1 lô cho đến vài trăm m2 đất ở khu vực này.  Tuy nhiên vẫn cần phải tỉnh táo cân nhắc bởi đất ở Sóc Sơn rất dễ mua nhưng muốn bán là cực khó.

(Theo VnMedia)


  • 0
  • By Admin
  • 07/03/2011
  • 17