Di dời các trường ĐH, CĐ: Quản lý thế nào, kinh phí từ đâu?
Đây là những nội dung chính được đề cập chủ yếu trong hội nghị trực tuyến "Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, dạy nghề - Đề án xây dựng di dời các trường ĐH, CĐ vùng Hà Nội, Tp.HCM" do Văn phòng Chính phủ tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình chủ trì đầu cầu Hà Nội.Hà Nội: Có ít nhất 3.500ha đất để xây trường mới
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã đưa ra các tiêu chí di dời và nhấn mạnh: Mục tiêu của việc di dời không chỉ là tháo gỡ khó khăn về đất đai, về cơ sở vật chất kỹ thuật hay giảm áp lực lên hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội của hai thành phố mà còn nhằm xây dựng các mô hình trường hiện đại, tiên tiến và phục vụ nhu cầu chỉnh trang đô thị theo quy hoạch xây dựng. Di dời là di chuyển toàn bộ trường, cơ sở đào tạo ra khu quy hoạch chứ không phải là đầu tư cơ sở 2 tại các khu quy hoạch để giãn một phần SV ra địa điểm mới xây dựng.Đối với thành phố Hà Nội, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tổng diện tích đất đai hiện có của 51 trường là 568,73ha, đạt khoảng 17,6m2/SV, chỉ bằng 70% tiêu chí đất đai để xây dựng trường mà Bộ đang trình Thủ tướng phê duyệt (25m2/SV). Có tới gần 60% trong tổng số trường ở dưới mức trung bình, thậm chí có đến 20/51 trường chỉ có từ 0,2m2 đến 6m2/SV.
Từ nay đến năm 2030, Bộ đề ra mục tiêu giảm mật độ SV ĐH và CĐ tại các cơ sở đào tạo trong nội thành từ gần 480.000 xuống còn 150.000. Như vậy cần giảm 2/3 tổng số SV ĐH và CĐ đang học ở các cơ sở đào tạo trong nội thành hiện nay (khoảng 320.000 SV) ra các khu quy hoạch, tương đương với số trường cần phải di dời là khoảng 40.
Về cơ chế sử dụng đất tại cơ sở cũ, Bộ GD-ĐT đề nghị ưu tiên cơ sở cũ trong nội thành cho mục tiêu giáo dục; 30% diện tích đất sẽ được dành cho cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, 70% dành cho các trường phổ thông, công trình thương mại, dịch vụ, đặc biệt không bố trí công trình nhà ở.
Trong khi Bộ GD-ĐT xác định Hà Nội cần khoảng 1.600ha để thực hiện di dời các trường thì Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết: Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất khoảng từ 3.500ha đến 4.500ha cho việc này. Riêng các đô thị vệ tinh của Hà Nội như Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn đã bổ sung hơn 3.000ha để xây dựng các trường mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn cho biết, để đề án có tính khả thi cao, Hà Nội đang tập trung triển khai hạ tầng kỹ thuật ở một số điểm trọng yếu như Đại lộ Thăng Long, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài… nhằm tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, giảng viên ở khu quy hoạch mới.
Hà Nội cũng thống nhất cơ bản với lộ trình di dời mà Bộ GD-ĐT đã đề ra. Đó là, giai đoạn 1 (2011 - 2015) tổ chức thí điểm với 5 trường; giai đoạn 2 (2015 - 2020) di dời từ 5 đến 10 trường; giai đoạn 3 (2020 - 2025) di dời tiếp các trường còn lại.
Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cam kết: Hà Nội sẽ kết hợp nhuần nhuyễn với các bộ, ngành để giảm thiểu các thủ tục di dời, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét tới một cơ chế cơ động, tránh tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp trong điều hành dự án, quản lý đầu tư, dẫn đến khó khăn, không hiệu quả trong việc thực hiện dự án; sớm thống nhất tiêu chí di dời để các trường biết mình sẽ đi hay ở và thành phố cũng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất.
Quan ngại nguồn lực tài chính
Bên cạnh mối quan ngại về khả năng quản lý, nguồn tài chính phục vụ di dời là điều đại diện các bộ, ngành tham gia hội nghị đều quan tâm. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị Nhà nước thiết lập một quỹ đầu tư di dời trường ĐH bằng ngân sách nhà nước và thành lập Ngân hàng Đầu tư và phát triển cơ sở vật chất trường ĐH, để quản lý, kinh doanh quỹ đầu tư này và huy động vốn của các thành phần kinh tế, vốn nhàn rỗi trong nhân dân, tạo nguồn hỗ trợ các trường vay xây dựng trường trong các khu quy hoạch.Nhiều giải pháp tài chính khác cũng được đề ra như: Đấu giá diện tích đất cơ sở cũ (phần cho công trình thương mại, dịch vụ); vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ưu đãi; vay nước ngoài với sự bảo trợ của Nhà nước; vay kích cầu từ thành phố.
Giải pháp tài chính được một số trường thực hiện và có phản hồi tích cực là hình thức đầu tư BT, BTO. Ngoài ra, các trường còn có thêm nguồn vốn từ khu quy hoạch mới bởi ở đây có quỹ đất phát triển khu đô thị, công trình thương mại, dịch vụ để tạo nguồn vốn xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sĩ Danh, không nên thành lập quỹ đầu tư giáo dục ĐH như Bộ GD-ĐT đề nghị bởi mục đích của quỹ là huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, thường là của các tổ chức và cá nhân, có mục tiêu khác nhau, có thể dẫn đến mâu thuẫn trong việc sử dụng quỹ đầu tư vào giáo dục.
Nếu quỹ không hiệu quả thì lại cần ngân sách hỗ trợ thêm. Như vậy ngân sách muốn hỗ trợ lại phải qua một nấc trung gian là quỹ. Ngoài ra, đây là quỹ phi lợi nhuận nên khó có kinh phí cho bộ máy hoạt động.
Thứ trưởng Phạm Sĩ Danh cũng lưu ý các trường không nên quá "say mê" một hình thức huy động nguồn vốn nào đó bởi nó có thể hiệu quả ở nơi này nhưng ngược lại ở nơi khác. Ví như hình thức BOT, ở một số địa phương, khi phương án được xây dựng rồi mới thấy "hụt hơi" vì không có đủ nguồn bù vào phần vốn còn thiếu.
Hơn nữa, phương thức này sẽ khó làm với các khu vực đất không "đẹp". Việc thành lập quỹ giáo dục ĐH cũng nên để chậm lại, đợi đến sau khi Luật Giáo dục ĐH làm rõ các vấn đề liên quan tới nghĩa vụ đóng góp cho giáo dục ĐH.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thống nhất với ý kiến nên duy trì tại nội thành một số trường mang tính đặc thù, nhưng quy mô các trường này chỉ nên ở mức tối thiểu và không ảnh hưởng tới quy hoạch chung. Phó Thủ tướng yêu cầu đề án nên có sự lồng ghép các cụm di dời với quy hoạch phát triển của địa phương, để có nhà ở, là một yếu tố của đô thị ĐH.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện báo cáo quy hoạch mạng lưới theo hướng chi tiết hơn, chậm nhất ngày 20/6 trình Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 7/2011, các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh sẽ ký duyệt ban hành quy hoạch nhân lực cho ngành, địa phương mình.
Tiêu chí lựa chọn các trường thuộc diện di dời của Bộ GD-ĐT (áp dụng đối với các trường ở Hà Nội)1. Trường ĐH, CĐ có vị trí nằm trong khu vực nội thành có các ngành, nghề đào tạo chủ yếu không bao gồm lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật và các ngành năng khiếu đặc thù khác với quy mô tuyển sinh hằng năm ít.2. Trường ĐH, CĐ không thuộc đối tượng là các công trình văn hóa, khoa học, lịch sử và truyền thống cách mạng cần được lưu giữ, bảo tồn, bảo quản và tôn tạo. 3. Trường ĐH, CĐ không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất > 25m2/SV (không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá); >45m2/SV (bao gồm công trình thể chất và ký túc xá). Trường hợp đáp ứng được chỉ tiêu sử dụng đất/SV nhưng quy mô diện tích đất khuôn viên hiện có không > 2ha. 4. Trường ĐH, CĐ có hạ tầng trong trường không bảo đảm diện tích các công trình về thể chất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và hạ tầng bên ngoài không bảo đảm, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị. 5. Trường ĐH, CĐ đào tạo nhiều cấp học và tỷ lệ HSSV các cấp học chiếm tỷ lệ cao hơn số HSSV các cấp học được giao nhiệm vụ trong quyết định thành lập trường. |
(Theo HNM)
- 139
- By Admin
- 08/06/2011
- 17