• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Di dời các cây xăng ra ngoại thành: Doanh nghiệp hoang mang

Nỗi lo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán lẻ dễ dàng nhận ra khi hàng loạt các cây xăng trong khu vực nội thành hiện nay đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ và hiện đại, từ cơ sở hạ tầng đến các trang thiết bị.

Chính vì vậy, nếu phải di dời các cây xăng này thì đồng nghĩa với việc nhiều cơ sở hạ tầng thiết bị trở thành mớ xà bần hay đống sắt vụn.  Và nền đất sau khi các cây xăng di dời sẽ sử dụng vào mục đích gì, trong khi hầu hết phần đất này đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Di dời các cây xăng ra ngoại thành: Doanh nghiệp hoang mang | ảnh 1
Hai cây xăng liền kề nhau dẫn đầu danh sách cần phải di dời

Theo quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 6/3/2007 của UBND TP.HCM về quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn giai đoạn 2007 – 2010 và định hướng đến năm 2020 thì sau năm 2010, đại đa số các cửa hàng xăng dầu mà UBND TP.HCM cho phép tồn tại trong khu vực nội thành có nguy cơ bị loại bỏ do vi phạm quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.

Để giải quyết vấn đề này, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Tài Chính cho phép tiếp tục sử dụng 36 cửa hàng xăng dầu lâu dài theo quy hoạch chung của thành phố và đề nghị này cũng được Bộ Công thương ủng hộ. Theo đó, tạm thời sử dụng 16 cửa hàng xăng dầu và đề nghị Công ty Xăng dầu Khu vực II (PetroLimex Saigon) tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để xác định quy hoạch.

Trao đổi với PV, Lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xác nhận đã chỉ đạo Công ty Xăng dầu Khu vực II thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin thuê đất đối với các cơ sở nhà đất nói trên. Tuy nhiên, theo nguồn tin mà PV có được, đến nay thủ tục này vẫn chưa có kết quả do hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều vi phạm vào một trong các nội dung quy định về khoảng cách mà Bộ Xây dựng đã ban hành như: khoảng cách tới chỉ giới đường đỏ, khoảng cách tới giao lộ, khoảng cách tới công trình công cộng…

Điều này có nghĩa, phần lớn cửa hàng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Khu vực II nằm trong khu vực nội thành TP.HCM đều không được phép sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang, áp dụng các thiết bị, công nghệ kỹ thuật hiện đại để tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Trong công văn gần đây mà Petrolimex gửi UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng, lãnh đạo doanh nghiệp này xác nhận, công tác phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất, đặc biệt là khó khăn trong việc xin giấy phép xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo hệ thống cây xăng hiện hữu.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó giám đốc Petrolimex Saigon – đơn vị thành viên của Petrolimex - cho biết, trong thời gian qua, đơn vị này đã liên tục làm việc với các cơ quan chức năng và UBND TP.HCM để tiếp tục xác định quy hoạch. Qua đó, UBND TP.HCM cũng đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng và chỉ đạo các Sở ban ngành xem xét các tiêu chí đặc biệt để giữ lại 52 cửa hàng xăng dầu mà Petrolimex Saigon đang sở hữu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Trước khả năng phải “xóa sổ” phần lớn cửa hàng xăng dầu nói trên, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex đã ký công văn số 0560, ngày 26/4/2011 kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, điều chỉnh, bổ sung 16 cây xăng của Công ty Xăng dầu Khu vực II trên cơ sở các tiêu chí đặc biệt như: đã xây dựng, đã tồn tại và hoạt động từ trước năm 1975…

Theo đó, trong khi chờ xác định bổ sung quy hoạch, Petrolimex cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các hệ thống cây xăng được sửa chữa, cải tạo, lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ mới nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Trong trường hợp đặc biệt buộc phải di dời, lãnh đạo các công ty kinh doanh xăng dầu mong muốn TP.HCM tạo điều kiện về quỹ đất để hệ thống cửa hàng xăng dầu này có được địa điểm thích hợp để di dời; đồng thời, trong quá trình chờ di dời thì cho phép các cây xăng được tồn tại ít nhất năm năm để chủ đầu tư có thời gian xây dựng cây xăng thay thế.

(Theo Tổ quốc)

  • 0
  • By Admin
  • 17/06/2011
  • 17