Di dời ĐH, nhà máy: Cần làm rõ việc sử dụng quỹ đất hậu di dời
Liệu sau khi di dời, nơi đây có biến thành khu căn hộ để bán (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: Minh Tuấn. |
Hà Nội đang chuẩn bị di dời nhiều trường đại học (ĐH) ra khỏi nội thành. Trước đó, nhằm giảm ô nhiễm và quá tải khu vực trung tâm, nhiều nhà máy đã phải di dời. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ đất hậu di dời đang đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ.
Quy hoạch Thủ đô năm 1998, yêu cầu di dời nhà máy ô nhiễm và các trường ĐH đã thành cấp bách. Tuy nhiên, thực tế rất lúng túng, thiếu kiên quyết.
Nhiều trường còn tuỳ tiện biến một phần đất nhà nước thành đất ở tư nhân như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa...
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm. |
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều trường phải di dời ngay vì khu đất hiện có đã quá tải trầm trọng, thưa ông?
Đến nay, Hà Nội có gần 70 trường ĐH, cao đẳng (CĐ) với gần 70 vạn sinh viên (chưa kể gần một triệu sinh viên tại chức, ngắn hạn) tương đương dân số của 2 quận đông nhất cộng lại. Có trường mới chỉ đáp ứng được 7 - 8m2 đất cho một sinh viên, trong khi tiêu chuẩn hiện nay phải là 55 - 60 m2 đất/sinh viên.
Hiện, rất cần rà soát đánh giá lại thực trạng các trường để thống nhất tiêu chí cần phải di dời, phải dãn ra. Trong 10 năm qua tăng lên hơn 100 trường ĐH, CĐ dân lập. Một số trường chỉ cần giữ lại trong nội đô địa điểm có tính lịch sử.
Nguyên nhân di dời thất bại là vì không tạo ra được nguồn vốn. Khi quy hoạch không nên tạo thành các điểm tập trung lớn sinh viên, nhưng cũng không nên dàn đều ra xung quanh.
Nhiều nhà máy sau di dời đã đồng loạt biến thành các khu căn hộ với mật độ dày đặc. Theo ông, quỹ đất sau khi di dời nên dùng vào việc gì cho phù hợp?
Quỹ đất này cần ưu tiên cho các không gian công cộng và các công trình dịch vụ công cộng, không nên xây nhà ở mật độ cao tại đây vì khu trung tâm không còn quỹ đất nào khác! Hiện trong các quận nội thành Hà Nội, riêng chỉ tiêu cây xanh mới đạt mức 1,09 m2/đầu người.
Trong khi đó, tiêu chuẩn tối thiểu phải là 2m2/đầu người. Nếu Hà Nội muốn trở thành một đô thị thân thiện môi trường thì phải có 5-6m2 cây xanh/đầu người. Mặt khác, tính đến năm 2009, khu vực năm quận nội thành có tới 1,4 triệu dân. Trong đó, năm 1998, năm quận này mới có 96 vạn dân, và yêu cầu đặt ra là chỉ giữ lại 80 vạn dân và phải di dời 16 vạn dân. Nhưng từ 1998 đến 2009, chúng ta không di dời được ai mà lại đẩy từ 96 vạn lên 1,4 triệu dân (mới tính dân KT1, KT2), tăng thêm hơn 40 vạn dân!
Hiện các công trình văn hóa phục vụ người dân rất ít. Nếu như năm 1954, trước khi người Pháp rút đi, Hà Nội chỉ có 61 vạn dân nhưng đã có tới 13 rạp chiếu bóng, chưa kể nhà hát. Nhưng cho đến nay, số lượng rạp mới tăng lên thì ít mà nhiều rạp cũ đã bị “thôn tính”...
Hiện nhiều khu đô thị mới mọc lên tại những vị trí di dời nhà máy sẽ gây thêm áp lực hạ tầng cho trung tâm. Đây cũng chỉ là phê duyệt có tính “cục bộ” thôi.
Một số ý kiến cho rằng, nếu không chuyển đất cho nhà đầu tư bất động sản xây căn hộ bán thì không có kinh phí xây nhà máy, trường học tại địa điểm mới?
Không hẳn vậy. Nếu chuyển nhượng như vậy thì đơn giản quá. Vấn đề ở đây là cơ chế. Phải phân tích rõ tình trạng của từng trường để quyết định là di dời hay dãn ra. Chính quyền, các nhà quy hoạch và giáo dục phải cùng thảo luận để tìm ra các tiêu chí, cơ chế nguồn vốn, giải pháp.
Theo tính toán, với phương án di dời 12 trường thì cần tới hơn 100.000 tỷ đồng. Sắp tới, một số trường đại học và hội nghề nghiệp sẽ hội thảo về vấn đề này, cần tham khảo kinh nghiệm các nước. Tôi ví dụ, có thể chuyển đổi cho nhà đầu tư những dự án ở bên ngoài thay vì cứ nhất định phải đổi lấy chính mảnh đất vừa di dời nhà máy, trường học.
Cảm ơn ông.
(Theo Tiền Phong)
- 0
- By Admin
- 01/03/2011
- 17