Di dời ĐH: Không thể tùy tiện giao đất cho doanh nghiệp
“Xem xét đấu giá một phần quỹ đất"
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Việc sử dụng quỹ đất của các trường đại học trong nội thành làm công viên, công trình công cộng, hay xây cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại phải phụ thuộc vào quy hoạch. Đối với những khu đất rất rộng, có khả năng tạo vốn lớn, thì nên xem xét sử dụng một phần nhất định vào mục đích dịch vụ, nghĩa là ở các khu vực cần thiết có các trung tâm thương mại, văn phòng, thì doanh nghiệp được phép xây dựng. Nhưng việc giao đất cho các doanh nghiệp cũng phải có điều kiện, không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, mà phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết.
Bên cạnh đó, khi các trường đại học di dời khỏi nội thành Hà Nội, cũng phải dành cho họ một diện tích ở nội đô để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, giao dịch, hợp tác quốc tế, tổ chức hội thảo. Kinh phí tạo dựng được từ việc xử lý quỹ đất nên được giao cho các trường đại học để họ dùng làm nguồn vốn xây dựng, tái thiết và phát triển cơ sở giáo dục, không nên coi đây là nguồn vốn để tăng ngân sách, hoặc đổi hạ tầng.
“Giao đất cho doanh nghiệp là ngược với mục tiêu giảm tải đô thị"
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
Việc có nên đấu giá đất hoặc bán đất cho doanh nghiệp xây cao ốc hay không phụ thuộc vào quy hoạch của địa phương. TP. Hà Nội đang thiếu quá nhiều cây xanh, diện tích vui chơi, giải trí cho người dân và cả đường sá và mục đích ban đầu của việc di chuyển các trường đại học khỏi nội đô là để giảm tải cho đô thị. Vì vậy, nếu lại sử dụng quỹ đất đó để xây cao ốc, trung tâm thương mại, thì đi ngược với mục tiêu ban đầu đó. Trong vấn đề này, cần đặt lợi ích cộng đồng lên trên, không thể vì một khoản tiền thu được mà làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Tôi cho rằng, UBND TP. Hà Nội là đơn vị trực tiếp quản lý quy hoạch, thì nên giao đơn vị này chủ trì xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình di dời các trường đại học khỏi nội đô
“Cần xây dựng quy hoạch trước lúc đấu giá đất
Ông Phạm Sỹ Liêm Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam |
Việc các nhà kinh doanh bất động sản nhăm nhe các miếng đất có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận là chuyện bình thường. Vấn đề là, Hà Nội phải xử lý vấn đề này sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của Thành phố. Việc đầu tiên cần làm là, phải xây dựng một quy hoạch chung cho hệ thống các trường phải di dời, với sự tham gia phản biện của các trường đại học, các bộ, ngành, các chuyên gia, hội nghề nghiệp và người dân. Quy hoạch đó không có nghĩa là bứng đi một trường và thay bằng một khách sạn hay một cao ốc, vì Hà Nội đang rất thiếu công viên, trường học, khu vui chơi giải trí…
Từ việc di dời này, TP. Hà Nội cũng có thể giải quyết bài toán giảm áp lực giao thông nội đô bằng việc quy hoạch mở thêm đường… Sau quy hoạch, nếu quỹ đất còn lại tiện cho việc kinh doanh, thì có thể mang ra đấu giá, ai trả giá cao nhất thì được đầu tư, nhưng phải thực hiện đúng quy hoạch
(Theo Đầu tư)